Nhân trần đường phố - Nguy hiểm khó lường

Người Hà Nội có thói quen uống nhân trần và thường xem đây là thức uống giải nhiệt mùa nóng không thể thiếu. Nhân trần có vị đắng nên nhiều người đã kết hợp thêm cam thảo vào để có vị ngọt nhẹ dễ uống. Nhưng ít ai biết cam thảo có thể gây hại đến sức khỏe khôn lường đến sức khỏe người dùng.

Thai phụ tuyết đối không uống

Theo y học cổ truyền, nhân trần có vị đắng, cay, tính bình vào các kinh, tỳ, can, đởm, thanh nhiệt, lợi thấp, hành khí, chỉ thống, lợi tiểu, giúp ra mồ hôi. Nhân trần có tác dụng tăng bài tiết mật, chống viêm, nhất là với các bệnh về gan mật. 

Còn theo dược lý học hiện đại, nhân trần có tác dụng làm tăng tiết và thúc đẩy quá trình bài xuất dịch mật, bảo vệ tế bào gan và phòng chống tích cực tình trạng gan nhiễm mỡ, làm hạ huyết áp, điều chỉnh rối loạn lipid máu, cải thiện lưu lượng tuần hoàn nuôi tim và não, giải nhiệt, giảm đau và chống viêm, ức chế một số vi khuẩn như tụ cầu vàng, trực khuẩn bạch hầu, thận, thương hàn, phó thương hàn, mủ xanh, E.coloi, Lỵ…

Nhân trần đường phố - Nguy hiểm khó lường

Nhiều gia đình hiện nay có thói quen uống nước nấu từ lá nhân trần, nhất là khi trong nhà có người mang thai, bị các bệnh gan, thận thể nhẹ, nóng trong người hay nổi rôm sảy, mẩn ngứa… . Theo bác sĩ Nguyễn Xuân Hướng, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, nhân trần có tính bình, vị đắng, hơi cay có tác dụng lợi mật, nhuận gan... Người ta chỉ cần lợi mật khi mật không tiết ra (mật viêm, tắc mật...) và nhuận gan khi gan có vấn đề. Nếu không có bệnh mà lại uống hàng ngày, nghĩa là bắt gan và mật không có nhu cầu tiết cũng phải tiết, dẫn tới phải làm việc nhiều hơn nên dễ bị tổn thương, mất cân bằng và sinh bệnh. Đối với phụ nữ mang thai, nếu không có bệnh lý về gan, không được bác sĩ chỉ định thì tuyệt đối không nên dùng nhân trần. Bởi nếu uống nước này nhiều sẽ làm xuất tiết các tuyến trong cơ thể. Vì vậy, sau khi sinh, người mẹ thường bị mất sữa hoàn toàn hoặc chỉ có rất ít.

Ngoài ra, nhân trần giúp lợi tiểu, nghĩa là thải nhiều, nếu lượng nước và các chất dinh dưỡng bị đào thải quá nhiều, sẽ không còn các chất dinh dưỡng để nuôi thai, khiến cho thai bị suy dinh dưỡng, thậm chí thai chết lưu... Thực tế cũng đã có trường hợp như vậy. Nhiều người có kinh nghiệm về cây nhân trần lại cho rằng hiện nay trên thị trường, cây nhân trần khá hiếm, phần nhiều là cây bồ bồ (cũng có tác dụng như cây nhân trần) không có vị ngọt nên phải cho thêm cam thảo.

Nguy cơ ung thư từ tồn dư chất diệt cỏ và nấm mốc

Theo bác sĩ Hướng, người dân có thói quen dùng nhân trần cùng cam thảo mà không biết thực chất cam thảo là chất dẫn thuốc, khiến cho thuốc phát huy tác dụng nhiều hơn. Ngoài ra, cam thảo có tính chất giữ nước, trong khi nhân trần lại giúp đào thải, hai vị thuốc trái ngược nhau được sử dụng chung sẽ không có lợi cho cơ thể.

Nhân trần đường phố - Nguy hiểm khó lường

Các chuyên gia về dược thảo cũng khuyến cáo người tiêu dùng khi dùng hoặc uống các loại nhân trần bán vỉa hè hoặc không rõ nguồn gốc không chỉ về dược tính mà còn có thể nguy hiểm vì hầu hết các loại trà nhân trần trên thị trường đều là hàng của các cơ sở nhỏ tự sản xuất hoặc các gia đình chế biến tự phát. Theo nhiều người có kinh nghiệm, vì nhu cầu cao, thậm chí nhiều người vì lợi nhuận đã phun thuốc diệt cỏ vào cây tươi để cây nhanh héo và khô, dễ dàng chặt ra đem bán. Và lượng tồn dư của các chất diệt cỏ bên trong trà có thể gây nguy hiểm rất lớn đến sức khỏe, có khả năng gây ung thư và tổn hại đến sức khỏe của các thể hệ sau.

Mặt khác, đặc điểm thời tiết miền Bắc thường có độ ẩm cao, những loại cây lá để khô rất dễ ẩm mốc. Các loại mốc trong nhân trần nếu không chú ý cũng có thể gây nguy hại cho sức khỏe vì thường các loại nấm mốc sản sinh ra các độc tố mà bằng mắt thường không thể nhìn thấy được như penicillin và aspergillus.. Các quán xá vỉa hè khi nấu các loại nhân trần cũng thường bảo quản không tốt, mất vệ sinh và cốc chén để uống cũng chỉ rửa qua loa hoặc các loại đá lạnh uống kèm là đá bẩn có thể gây các bệnh truyền nhiễm qua đường tiêu hóa.

Chưa có những kết luận chính thức về việc người sử dụng nhân trần kém chất lượng sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe nhưng để đảm bảo an toàn cho gia đình và bản thân, người tiêu dùng không nên sử dụng nhân trần khi không có chỉ định của bác sỹ và cũng tập bỏ thói quen uống nhân trần hàng ngày tại các quán xá vỉa hè để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của mình và gia đình.

Thu Huyền 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm