Người Việt có tiết kiệm?
“Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà”, người Việt Nam từ xưa đến nay vẫn được coi là có tính tiết kiệm; chịu hi sinh sự hưởng thụ nhất thời để đầu tư vào những tài sản có giá trị trong thời gian dài.
Tuy nhiên, những điều tra gần đây cho thấy điều này đã không còn đúng với nhiều người Việt ở thành thị.
Hưởng thụ là ưu tiên hàng đầu
Kinh tế phát triển, kéo theo sự tăng nhanh về số lượng của tầng lớp trung lưu. Từ bảy triệu hộ gia đình trung lưu vào năm 2003, dự kiến con số này sẽ tăng lên hơn ba lần, lên đến 25 triệu vào năm 2013. Chiếm hơn một nửa dân số tại các đô thị lớn, tầng lớp này là động lực chính để vận hành cỗ máy tiêu dùng tại các thành phố.
Chẳng hạn, theo con số của Tổng cục Thống kê, những phụ nữ thành phố tuổi từ 20 - 45 dành đến 18% thu nhập hàng tháng vào việc mua quần áo. Giám đốc một công ty chuyên phân phối hàng hiệu tại Việt Nam cũng cho biết, mặc dù còn khiêm tốn, song thị trường dành cho các nhãn hàng xa xỉ như Hermes hay Kenzo tại Việt Nam đang tăng lên một cách chóng mặt.
Mẹo nhỏ để tiêu dùng một cách bền vững - Trước khi đi mua sắm, lên danh sách những thứ bạn cần mua để mua đúng và đủ - Tránh mua sắm khi đang đói - Không mang quá nhiều tiền khi mua sắm - Để ý đến hạn sử dụng khi mua hàng để chắc chắn là bạn có thể dùng hết trước khi sản phẩm hết hạn - Ưu tiên mua hàng hóa của địa phương bạn sống để đảm bảo độ tươi ngon và hạn chế vận chuyển - Dùng thực phẩm tươi, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn - Nấu ăn tại nhà thay vì đi ăn tiệm - Ăn nhiều rau và hoa quả, hạn chế ăn thịt đỏ - Mua những thứ bạn cần thay vì những thứ bạn muốn - Hạn chế mua sản phẩm có nhiều đóng gói
Mối liên hệ giữa tiêu dùng và môi trường
Cũng theo nghiên cứu của TNS, khi được hỏi về những mối quan tâm lớn nhất của người Việt trong năm 2012, vấn đề ô nhiễm môi trường nằm trong những lo lắng hàng đầu. Tuy nhiên, để trả lời cho câu hỏi bạn có thể làm gì để cải thiện tình trạng này, gần một nửa số người được hỏi nói rằng “không vứt rác bừa bãi” sẽ là biện pháp chủ yếu của họ.
Song, vấn đề môi trường không chỉ là những hiện tượng nhìn thấy ở bề mặt như rác thải hay khói xe, nhiều người không nhận ra rằng chính cách chúng ta sống và tiêu dùng cũng ảnh hưởng rất lớn đến môi trường.
Gần đây, các nhà khoa học cho rằng chính sự tiêu dùng quá mức mới là nguyên nhân chủ yếu gây ra biến đổi khí hậu, chứ không phải là sự gia tăng dân số như vẫn thường mặc định. Bằng chứng là một nửa lượng khí thải carbon trên toàn cầu được gây ra chỉ bởi nửa tỷ người giàu nhất trên Trái Đất.
Chủ nghĩa tiêu dùng đang trở thành một trào lưu tại các nước phương Tây, đặc biệt là trong thời buổi khủng hoảng tài chính, thì kích cầu, thay vì cải tiến sản xuất, là biện pháp hàng đầu của các chính phủ trên thế giới để vực dậy nền kinh tế. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, văn hóa đại chúng được quảng bá bởi các nước phương Tây khiến cho ngay cả người dân của những nước nghèo cũng gặp áp lực phải chạy theo các xu hướng mới nhất trên thế giới.
Ngày 7/11, dự án về tiêu dùng bền vững do Liên minh châu Âu tài trợ mang tên Sống xanh Việt Nam sẽ chính thức khởi động. Dự án này hướng tới thúc đẩy lối sống và làm việc bền vững tại Việt Nam, bằng cách nâng cao nhận thức cho các nhóm người tiêu dùng có thu nhập trung bình tại sáu đô thị lớn: Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang, TP. HCM và Cần Thơ. Sau khi dự án kết thúc vào năm 2015, mục tiêu là sẽ có 1.000 người tiêu dùng trở thành những “hạt giống thay đổi”, nhân rộng lối sống bền vững trong cộng đồng. |