Nam công nhân bị dây cáp cắt gần lìa cẳng chân

(Dân trí) - Trong lúc làm việc do sơ ý nam công nhân bị dây cáp cuốn quanh, cắt gần lìa cẳng chân trái. Tai nạn lao động khiến nạn nhân bị đứt toàn bộ cơ, mạch máu, dây thần kinh, lộ xương.

Vị trí cẳng chân nạn nhân bị dây cáp cắt gần lìa
Vị trí cẳng chân nạn nhân bị dây cáp cắt gần lìa

Tai nạn xảy đến với bệnh nhân nam Q.N. (27 tuổi, ngụ tại quận 8, TPHCM) ngày 30/2. Trước khi nhập viện, anh đang làm nhiệm vụ thi công kéo cáp, trong lúc sơ ý nên bị cọng cáp đang được máy tời ở tốc độ cao quấn quanh chân. Không kịp thoát ra nên Q.N. đã bị dây cáp siết quanh cẳng chân trái.

Dù được đồng nghiệp tắt máy giải cứu, nhưng toàn bộ vùng cơ, gân của nạn nhân đã bị đứt, lộ xương, vết thương gây xuất huyết ào ạt. Nạn nhân được ga-rô cầm máu rồi chuyển đến bệnh viện Xuyên Á cấp cứu. Qua thăm khám, bác sĩ xác định vết cắt gây đứt gần lìa 1/3 dưới cẳng chân trái, đứt toàn bộ cơ, các bó mạch, dây thần kinh, nứt xương chày.

Sau phẫu thuật, bàn chân của bệnh nhân đã ấm hồng, các ngón co duỗi được
Sau phẫu thuật, bàn chân của bệnh nhân đã ấm hồng, các ngón co duỗi được

Nạn nhân đối mặt với nguy cơ nhiễm trùng, hoại tử, phải đoạn bỏ 1/3 dưới cẳng chân do không được tưới máu. Để tránh nguy hiểm cho người bệnh các bác sĩ nhanh chóng thực hiện cuộc phẫu thuật cắt lọc hoại tử và tiến hành vi phẫu nối lại các bộ phận tại vị trí bị đứt. Sau 3 ngày phẫu thuật, bàn chân của bệnh nhân đã ấm, hồng, các ngón chân đã có thể co duỗi, bắt đầu có cảm giác trở lại.

Qua trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo người lao động phải đặc biệt chú ý đảm bảo các nguyên tắc an toàn trong quá trình làm việc để tránh những rủi ro có thể xảy đến. Nếu chẳng may bị tai nạn với những vết thương nguy hiểm, tổn thương đứt lìa chân hoặc tay, nạn nhân hoặc người ứng cứu phải nhanh chóng tìm lại phần cơ thể đã bị đứt lìa, loại bỏ dị vật, gói bộ phận bị đứt vào trong khăn ướt sạch, bỏ vào túi nylon, đóng kín rồi đặt vào thùng nước đá (không được để phần chi bị đứt tiếp xúc trực tiếp với đá lạnh) nhanh chóng đến bệnh viện có chuyên khoa phẫu thuật mạch máu càng sớm càng tốt để được bác sĩ hỗ trợ chuyên môn.

Vân Sơn