Mong thật nhiều mùa xuân tươi đẹp cho tuổi vàng

Đó có lẽ là mong ước chung của con cái đối với cha mẹ mỗi dịp mùa xuân mới gõ cửa tuổi vàng.

Bởi, trong ba hệ giá trị của câu chúc - phúc, lộc, thọ hay năm mong ước - phú, quí, thọ, khang, ninh - thì chữ “thọ” với người cao tuổi là quí hơn cả, là điều kiện cần và đủ để đón nhận những điều còn lại bên con cháu.

Vì có gì quý hơn sức khỏe

Xuân về với quất hồng, đào thắm, với sự sinh sôi của muôn vật muôn loài. Thế nhưng, xuân sang cũng là lúc sức khỏe tuổi vàng thêm hao mòn dưới tác. Có mấy ai được ngời ngời mãi như thời còn xuân sắc, có mấy ai không một chút hao mòn sự dẻo dai, minh mẫn. Biết thế, nên người con nào cứ mỗi độ xuấn sang lại cầu mong sức khỏe đến với cha mẹ, ông bà và các bậc bề trên. Bạn Vũ Thanh Hoa, một người con gái đi lấy chồng xa đã chia sẻ trong cuộc thi viết Món quà vàng ngày Tết: “Mẹ già như chuối chín cây. Gió lay mẹ rụng con phải mồ côi....Mỗi khi tôi nghe câu hát này, lòng tôi se thắt lại. Tôi nghĩ tất cả những người con, khi nghe bài hát này cũng sẽ đau lòng như tôi! Mẹ tôi tuổi đã cao, mỗi ngày nhìn mẹ tóc bạc thêm, nếp nhăn nhiều hơn thực lòng tôi khó chịu lắm”.
 
Còn bạn Đinh Thị Thu Hằng, người con gái đã bốn năm xa nhà, bốn năm chưa được đón Tết cùng mẹ lúc nào cũng đau đáu: “Dù nếp nhăn trên gương mặt mẹ hiện rõ theo năm tháng nhưng con luôn mong mỗi ngày mẹ được vui và đừng để nét lo âu nào khiến mẹ phiền muộn. Vì khi thấy được nụ cười của mẹ thì con như có nguồn sức mạnh giúp mình làm việc tốt hơn và đó cũng là một nguồn động lực cho con trong cuộc sống”.

Chị Kim Ánh (Q.4, Tp.HCM) cùng cha bên món quà Tết từ cuộc thi “Món quà vàng ngày Tết”.
Chị Kim Ánh (Q.4, Tp.HCM) cùng cha bên món quà Tết từ cuộc thi “Món quà vàng ngày Tết”.

Trong cuộc thi viết, đã có biết bao nhiêu tấm lòng đẹp như thế được chia sẻ. Thế mới thấy, dù cuộc sống hiện đại với nhịp điệu nhanh đến chóng mặt, đôi khi cuốn đi những giá trị xưa, nhưng truyền thống hướng về nguồn cội, hiếu đạo với đấng sinh thành, nhất là khi năm hết tết đến là không bao giờ thay đổi. Có khác chăng chỉ là cách thể hiện, cách giãi bày. Chương trình Món quà vàng ngày Tết đã đem đến cho những người con - dù ở độ tuổi nào, dù làm công việc gì, sống ở đâu - cơ hội tấm lòng của mình với cha mẹ.

Quà vàng cho người trăm tuổi                                           

Tiếp nối hiệu ứng lan tỏa, chương trình đã cùng với đại diện thành phố và Hội người cao tuổi sẽ đến thăm và chúc Tết các cụ thọ trên trăm tuổi. Món quà của các cụ trên trăm tuổi năm nay ngoài xấp vải lụa do Chủ tịch nước gửi tặng, bằng mừng thọ của Trung ương Hội Người cao tuổi, khánh vàng của lãnh đạo TP.HCM, còn có những lon sữa dành cho người cao tuổi, góp phần chăm lo cho sức khỏe họ.

Theo ông Nguyễn Đức Nhung, Phó trưởng ban đại diện Hội Người cao tuổi Tp.HCM, hiện có khoảng 200 người thọ trên trăm tuổi. Đây là điều đáng quý của thành phố. Còn đối với các gia đình có ông bà cha mẹ thọ bách niên như gia định cụ Nguyễn Mạnh Tường hiện thọ 101 tuổi, Đảng viên với 65 tuổi Đảng (Q.3, Tp.HCM), đây là cái phúc lớn của cụ và là may mắn của con cháu. Vì theo quan niệm của dân tộc, nhà có người cao niên thì rường cột cho gia đình thêm vững chắc, việc giáo dục con cháu làm người tốt, hiếu thảo cũng trọn vẹn hơn khi có những tấm gương sáng để soi vào.

Cụ Nguyễn Mạnh Tường nhận những món quà Tết chúc thọ tuổi 101 của mình.
Cụ Nguyễn Mạnh Tường nhận những món quà Tết chúc thọ tuổi 101 của mình.

Việc chăm sóc sức khỏe người cao niên thiết nghĩ nên được xem như việc cần thiết. Tuổi già thường đến cùng với những hao mòn của sức khỏe, sự lão hóa của cơ thể, sự trì trệ của các hoạt động của các cơ quan. Duy trì một chế độ dinh dưỡng hợp lý là việc thiết thực con cháu có thể làm để chăm lo cho sức khỏe của ông bà cha mẹ, là nghĩa cử thiết thực và gần gũi biết bao.

Lam Giang