Kỳ 1: Ai cũng có thể mắc bệnh tim mạch?

Với tỉ lệ 80% tập trung ở các nước đang phát triển và là nguyên nhân hàng đầu của nhiều ca mắc bệnh và ca tử vong trên thế giới (theo WHO), nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở mỗi người chúng ta... là hoàn toàn hiện hữu. Có cách nào thoát khỏi danh sách "tử thần" này?

20% có nguy cơ mắc bệnh tim mạch

Theo báo cáo của WHO, nếu không có một hành động tích cực thì đến năm 2015 sẽ có 20 triệu người chết do bệnh tim mạch. Do vậy, từ những năm 70 của thế kỷ trước, nhiều biện pháp đã được triển khai và bệnh tim mạch đã được kiềm chế ở các nước phát triển nhưng tổng số tử vong do bệnh tim mạch trên thế giới vẫn duy trì vị trí hàng đầu cho đến nay bởi bệnh đã “nhảy” sang các nước đang phát triển.

Việt Nam nằm trong số các nước đang phát triển và việc “oằn lưng” với gánh nặng này chẳng còn xa nữa khi vào năm 2017 này, sẽ có trên 20% người Việt, tức là cứ 5 người sẽ có 1 người mắc bệnh tim mạch (theo nghiên cứu điều tra dịch tễ các yếu tố nguy cơ tim mạch chính ở người từ 40 tuổi trên phạm vi tỉnh Khánh Hòa vào năm 2007). Một con số thật đáng sợ!

Kỳ 1: Ai cũng có thể mắc bệnh tim mạch?  - 1

Nắm chắc nguy cơ - Vũ khí phòng bệnh hữu hiệu

Diễn tiến âm thầm, kéo dài hàng chục năm nên đến khi phát tác, người bệnh phần lớn là tàn phế hoặc tử vong. Do đó, phòng ngừa trở thành vũ khí hàng đầu trong cuộc chiến chống lại “kẻ giết người thầm lặng” này. Và cốt lõi của phòng ngừa đó là hiểu rõ các yếu tố nguy cơ – yếu tố gia tăng khả năng mắc bệnh.

Các chuyên gia tim mạch nhận thấy, ngày càng có nhiều các yếu tố nguy cơ tim mạch xuất hiện, trong đó chia thành 3 nhóm chính:

- Yếu tố nguy cơ không thể thay đổi (tuổi, giới, di truyền)

- Yếu tố nguy cơ có thể thay đổi (tăng huyết áp, rối loạn lipid (mỡ) máu, hút thuốc lá, thừa cân, béo phì, giảm dung nạp đường, đái tháo đường, lười vận động)

- Một số yếu tố nguy cơ có thể (căng thẳng, estrogen, tăng đông máu, rối loạn các thành phần Apo Protein máu, uống rượu quá mức, hói sớm và nhiều ở đỉnh đầu nam giới, mạn kinh sớm ở nữ, chủng tộc...)

Hóa ra, đây chẳng phải bệnh “trời kêu ai nấy dạ” bởi yếu tố nguy cơ không thể thay đổi chiếm tỉ lệ quá nhỏ bé. Nhưng làm thế nào để biết chắc rằng việc mình làm có thể ngăn ngừa nhồi máu cơ tim, đột quỵ và các biến chứng khác của xơ vữa động mạch vành?

Theo GS. Nguyễn Lân Việt, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, mỗi người cần tự trả lời các câu hỏi như có hút thuốc? có thừa cân? Có uống nhiều rượu? có ai trong gia đình mắc bệnh tim mạch hay huyết áp?... nhưng chớ chủ quan, trả lời vậy là xong. Sự trợ giúp của thầy thuốc với các xét nghiệm về cholesterol, triglycerid, đường trong máu, điện tâm đồ… mới giúp làm rõ bức tranh tổng nguy cơ.

Nghe xong, hẳn nhiều người, nhất là cánh nam giới, ngại đến bệnh viện, gặp bác sĩ, tặc lưỡi “đành cho qua” vì có vẻ phức tạp, mất thời gian quá! Vậy đành “sống chung với lũ”, lúc nào bệnh hẵng hay?

Đừng vội nản, có cách đơn giản, rất phù hợp với cánh mày râu. Đó là thang điểm Framingham, một sản phẩm nghiên cứu thuộc chương trình “Nghiên cứu Tim mạch Framingham” của Viện Tim Phổi và huyết học Mỹ phối hợp với Trường Đại học Boston. Đây là thang điểm đánh giá nguy cơ mắc bệnh của một người trưởng thành trong 10 năm tới. Thang điểm sẽ đánh giá dựa trên những yếu tố nguy cơ hiện tại của người đó như: tuổi, giới, cholesterol toàn phần, cholesterol HDL, huyết áp tâm thu, tình trạng hút thuốc lá.

Vậy là chỉ cần làm xét nghiệm cholesterol toàn phần, cholesterol HDL, huyết áp tâm thu… rồi vào “Thang điểm Framingham  2011” do Hội Tim Mạch Học Việt Nam thực hiện dưới sự hỗ trợ của AstraZeneca Việt Nam, điền các thông số, bấm nút là ra kết quả của 10 năm tới.

Dù nguy cơ cao hay thấp thì cũng nên bắt tay ngay vào việc điều chỉnh các yếu tố nguy cơ như thực hiện chế độ ăn ít mỡ bão hòa và cholesterol, nhiều rau quả, thịt cá; giảm số cân thừa; ăn nhạt; tập thể dục; tránh xa khói thuốc; học cách giảm căng thẳng và dừng quên đi khám định kỳ để đánh giá lại mức độ nguy cơ!

Bạn có thể tham khảo thêm thông tin từ chuyên mục “Giáo dục sức khỏe cộng đồng về bệnh tim mạch” trên website của Hội tim mạch Việt Nam http://vnha.org.vn/100faq.asp do AstraZeneca tài trợ.

 Phương Uyên 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm