Hiểm họa từ “bệnh” lười vận động
Theo nghiên cứu khoa học gần đây được đăng tải trên tạp chí The Lancet (Anh), có khoảng 1/3 người trưởng thành trên khắp thế giới mắc “bệnh” lười vận động, dẫn đến hậu quả 5,3 triệu người chết mỗi năm và Việt Nam là một trong 10 nước lười vận động nhất thế giới.
Con số gây “sốc” này cho thấy thói quen lười vận động mặc dù là nguyên nhân của nhiều căn bệnh nguy hiểm nhưng ngày càng trở nên phổ biến, đòi hỏi những cách suy nghĩ mới của mỗi người dân.
Những căn bệnh do lười vận động
Cũng theo thông tin được đăng trên tạp chí The Lancet, nếu một người không vận động thể chất nhẹ nhàng đủ 30 phút/5 lần/tuần và vận động thể lực mạnh 20 phút/3 lần/tuần hoặc kết hợp cả hai hình thức vận động trên, thì bị coi là rơi vào tình trạng thiếu vận động. Thiếu vận động dẫn tới hàng loạt bệnh nguy hiểm như tim mạch, tiểu đường, béo phì, ung thư vú, ung thư đại tràng... Các nhà nghiên cứu đánh giá mức độ nguy hiểm của tình trạng thiếu vận động tương đương với bệnh béo phì và nạn hút thuốc lá và nếu thế giới giảm được 10% tỷ lệ người thiếu vận động sẽ ngăn chặn được cái chết của hơn 500.000 người/năm. Tại Việt Nam, theo điều tra của Viện Tim mạch Việt Nam và Viện Dinh Dưỡng tại 8 tỉnh, thành phố, hiện nay tỷ lệ người mắc bệnh tim mạch (từ 25 tuổi trở lên) là 25,1%, tỉ lệ người mắc chứng béo phì là 16,3%. Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, lười vận động được chứng minh là một trong những nguy cơ chính dẫn đến hai căn bệnh này và vô số các nguy cơ bệnh khác.
Lối sống ít vận động, dành thời gian nhiều cho xem tivi, đọc báo, làm việc bằng máy vi tính, nói chuyện qua điện thoại, lái xe, ăn uống, ngồi lì trong văn phòng… đang ngày càng phổ biến trong đại bộ phận người dân nước ta, gây ra những căn bệnh nguy hiểm. Đặc biệt, đối với những người thường xuyên làm công việc văn phòng, lười vận động còn là nguyên nhân của những chứng bệnh phổ biến như đau khớp, đau vai gáy, stress thường xuyên…dẫn đến sức khỏe suy giảm, tinh thần căng thẳng, ảnh hưởng trầm trọng đến chất lượng cuộc sống. Hoạt động thể lực ngày càng ít đi, con người càng trở nên lười nhác hơn. Bệnh tật là nguy cơ nhãn tiền.
Các nhà khoa học khuyến cáo mỗi ngày nên dành ít nhất ba mươi phút cho các hoạt động vận động cơ thể nhằm thúc đẩy quá trình trao đổi chất và tăng cường hiệu quả chuyển hóa năng lượng. Vận động đều đặn mỗi ngày với một cường độ vừa phải sẽ giúp kiểm soát tốt cân nặng và tình trạng sức khỏe, giảm hiệu quả các nguy cơ bệnh thể chất và tâm lý. Thói quen tốt cho sức khỏe này có thể được hình thành ngay từ những hành động đơn giản hàng ngày và vào bất cứ thời gian nào. Chẳng hạn thay vì sử dụng thang máy, bạn có thể leo thang bộ để đến nơi cần đến; đi bộ ra siêu thị gần nhà thay vì đi xe máy hay ngồi xe hơi; mỗi sáng dậy sớm hơn ba mươi phút để thực hiện các bài tập tại gia; hay chạy một vòng quanh công viên gần nhà mỗi chiều sau khi đi làm về. Ngoài ra, có rất nhiều môn thể thao để bạn có thể giữ gìn sức khỏe, rèn luyện sức bền, giữ vóc dáng đẹp và thậm chí là cả thư giãn như tập yoga, tập võ, tập bóng rổ, đánh cầu lông, bơi lội…
Mai Cát