Gốc tự do “tàn phá” bộ não
Không chỉ là tổng chỉ huy toàn bộ hoạt động của con người, bộ não còn là cơ quan “béo” nhất cơ thể với cấu trúc chứa hơn 60% lipid. Vì thế không khó hiểu khi não trở thành “miếng mồi ngon” của gốc tự do - tên “hung thần” có tiếng “khoái khẩu” các món mỡ!
Hung hãn... như gốc tự do!
Gốc tự do gây thoái hóa thần kinh và là nguồn gốc của nhiều bệnh lý mạch máu não.
Gốc tự do được ví như những “hung thần” bởi sức gây hại mạnh mẽ lên cơ thể con người, đặc biệt là làm tổn thương bộ não. Vì thiếu đi một điện tử mà chúng rất không ổn định, liên tục phá phách và chiếm đoạt điện tử từ xung quanh. Quá trình này khiến những gốc tự do gây hại mới không ngừng được tạo ra theo phản ứng dây chuyền. Cứ thế, các cấu trúc tế bào bị chúng tấn công tổn thương nghiêm trọng, dẫn đến rối loạn chức năng và gây chết tế bào.
Bộ não - “miếng mồi” của gốc tự do
Nơi nào có sự chuyển hóa càng cao, gốc tự do sinh ra càng nhiều. Ấy vậy mà, dù chỉ chiếm 2% trọng lượng cơ thể nhưng não lại tiêu thụ đến 25% lượng oxy. Bên cạnh đó, với đặc điểm hơn 60% thành phần là chất béo chưa bão hòa dễ bị oxy hóa, bộ não thực sự là điểm tập kết gốc tự do và với phản ứng dây chuyền, đoàn quân hung hãn này không ngừng sản sinh và tàn phá tế bào thần kinh cũng như mạch máu não.
Ngoài ra, não có cơ chế ngăn chặn nhiều dưỡng chất thẩm thấu vào các các tế bào thần kinh được gọi là “hàng rào máu não”. “Hàng rào” này một mặt bảo vệ não khỏi sự xâm nhiễm của các chất hay vi khuẩn gây hại, mặt khác lại ngăn cản nhiều chất chống gốc tự do hỗ trợ tốt cho não và trí nhớ. Vì vậy, bộ não con người chính là cơ quan bị gốc tự do tấn công dữ dội nhất, từ đó sinh ra hàng loạt bệnh lý nguy hiểm.
Một tác nhân, nhiều bệnh lý
Tại mạch máu, gốc tựdo gây tổn thương thành mạch, dẫn đến sự hình thành và phát triển các mảng xơ vữa và huyết khối. Đây là tác nhân trực tiếp làm hẹp động mạch khiến giảm lưu lượng máu đến nhu mô não, nhẹ thì có thể gây ra cơn thiếu máu não thoáng qua, làm xuất hiện các cơn đau nửa đầu hoặc trầm trọng hơn là gây tai biến mạch máu não (còn gọi là đột quỵ não).
Tại mô não, gốc tự do làm xơ hóa các bao myelin và các đầu sợi trục tế bào thần kinh, khiến liên kết giữa các tế bào này với nhau bị giảm cả về số lượng lẫn chất lượng và các chức năng não dần rối loạn, gây suy giảm trí nhớ.
Nhiều bằng chứng đã chỉ ra, các gốc tự do là tác nhân quan trọng trong quá trình sinh bệnh Alzheimer, sa sút trí tuệ. Trong đó, gốc tự do thúc đẩy sự tạo thành búi tơ thần kinh và các mảng lão hóa, làm não teo dần, ảnh hưởng đến gần như toàn bộ cấu trúc và chức năng của não.
Tại vùng chất đen của não, gốc tự do làm thoái hóa các tế bào và làm giảm sản xuất các chất dẫn truyền thần kinh, ảnh hưởng đến sự điều hòa vận động của cơ thể, gây ra bệnh Parkinson...