Huế:
Giới thiệu nhiều thành tựu phẫu thuật nội soi và ngoại khoa của Việt Nam
(Dân trí) - Trong 3 ngày từ 15-17/12 tại TP Huế, Bệnh viện Trung ương Huế đã tổ chức Đại hội Hội Phẫu thuật Nội soi – Nội soi Việt Nam lần III và Hội nghị Khoa học phẫu thuật Nội soi – Nội soi và Ngoại khoa năm 2015 với sự tham dự gần 1.000 đại biểu trên cả nước.
Các khóa đào tạo tiền Hội nghị đã được tổ chức tại Bệnh viện (BV) Trung ương Huế trong 2 ngày 15, 16/12 gồm các chuyên ngành: Viết bài báo y học và Phương pháp nghiên cứu lâm sàng do các giáo sư đầu ngành của Cộng hòa Pháp trực tiếp giảng dạy; Lớp Tập huấn đào tạo phẫu thuật nội soi cho các bác sĩ Việt Nam.
Sáng 17/12, Chương trình phẫu thuật nội soi trình diễn được truyền hình trực tiếp trên các phương tiện hiện đại 3D được truyền từ Phòng mổ ODA - BV Trung ương Huế và BV Đại học Y Dược Hồ Chí Minh đến Hội trường Trung tâm đào tạo của BV Trung ương Huế do các giáo sư đầu ngành đến từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Huế phối hợp thực hiện. Chuyên ngành tiến hành: Gan mật, Bệnh lý ống tiêu hóa, Chấn thương chỉnh hình, Sản phụ khoa.
Chiều 17/12 đã diễn ra Đại hội Hội Phẫu thuật nội soi (PTNS) - Nội soi Việt Nam lần III và Khai mạc Hội nghị Khoa học Phẫu thuật nội soi - Nội soi và Ngoại khoa năm 2015. Hội nghị vinh dự đón tiếp các giáo sư đầu ngành trong và ngoài nước (Pháp, Bỉ, Nhật…) trong lĩnh vực PTNS, nội soi và ngoại khoa đến tham dự. Đã có hơn 200 báo cáo đủ các chuyên ngành như: Gan mật, tiêu hóa, lồng ngực tim mạch, tiết niệu, chấn thương, thần kinh, đầu cổ, nội soi can thiệp, sản phụ khoa và điều dưỡng…
Theo GS. Bùi Đức Phú, Giám đốc BV Trung ương Huế, Hội nghị khoa học lần này diễn ra với chủ đề “Phẫu thuật nội soi và Ngoại khoa thành tựu và ứng dụng trong cộng đồng”, hướng đến việc công bố kết quả của những nghiên cứu lớn về lĩnh vực phẫu thuật nội soi và nội soi can thiệp cũng như lĩnh vực ngoại khoa được trình bày về xu thế phát triển thành tựu y học hiện đại ở các chuyên ngành khác nhau nhằm hướng tới ứng dụng tại cộng đồng trong thời gian tới để cho các bệnh nhân được thụ hưởng lĩnh vực này.
Có thể nói rằng, PTNS và Nội soi là một tiến bộ của y học, là thành tựu của khoa học kỹ thuật hiện đại; lĩnh vực này mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân và xã hội, đó là ít đau, sớm ra viện, sớm trở lại cuộc sống bình thường,…hội nghị lần này đã quy tụ nhiều báo cáo đã và đang ứng dụng có hiệu quả thiết thực tại các cơ sở y tế trong cả nước.
Đặc biệt, trong đó phải kể đến thành tựu PTNS một lỗ, PTNS qua lỗ tự nhiên; PTNS các bệnh lý phức tạp, như cắt gan, cắt khối tá tuy, cắt thực quản, PTNS lồng ngực, Chấn thương chỉnh hình, Sản phụ khoa, Nhi khoa…và Nội soi can thiệp của các chuyên ngành Tim mạch, Nội khoa, Tai Mũi Họng… được đánh giá ngang tầm các bệnh viện, trung tâm y học khu vực và thế giới.
“Tại hội nghị này, cũng xin nói thêm về những thành tựu lớn nhất của BV Trung ương Huế đã không ngừng đổi mới ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến, hiện đại trong khám và điều trị nhân dân cả nước và khu vực, đó là: Chúng tôi đã ghép thận lên đến 250 ca, với tỷ lệ thành công 100%; ghép tế bào gốc, ghép giác mạc, điều trị ung thư với máy gia tốc tuyến tính AXESSE hiện đại nhất ở Việt Nam.
Liên quan đến lĩnh vực hội nghị hôm nay, Bệnh viện chúng tôi đã thực hiện PTNS chiếm hơn 70% trong các bệnh lý ngoại - sản; tuy nhiên, trong đó phải kể đến PTNS cắt đại trực tràng hơn 80 ca từ năm 2011, và tiếp theo năm 2013 đã thực hiện PTNS qua lỗ tự nhiên để cắt đại trực tràng hơn 20 ca. Nổi bậc là lĩnh vực ghép Tim đã góp phần ghi tên Việt Nam trên bản đồ thế giới mở đường cho các chuyên ngành khác ngày càng phát triển đưa nền y học Việt Nam hoà nhập thế giới” – GS. Phú cho biết.
Phát biểu tại Đại hội và Hội nghị, GS. Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, trong những năm vừa qua lĩnh vực ngoại khoa đã có những tiến bộ vượt bật khẳng định vị thế về y khoa Việt Nam đối với thế giới. Việt Nam đã có 16 cơ sở ghép thận, 5 cơ sở ghép gan, 3 cơ sở ghép tim và đội ngũ cán bộ được đào tạo chuyên sâu hơn để thực hiện các kỹ thuật khó, các y bác sỹ tại Việt Nam đã tiến hành ghép được 1.500 ca ghép thận, 50 ca ghép gan và 13 ca ghép tim. Đó là những thành tựu đáng ghi nhận của ngành y tế.
Song hành, lĩnh vực PTNS cũng phát triển nhanh chóng ở nhiều trung tâm lớn cũng như các bệnh viện tỉnh, ngành mang lại điều kỳ diệu cho ngành ngoại khoa lựa chọn đường mổ và người bệnh không còn cảm giác đau đớn do cắt thành bụng như các kỹ thuật mới là: PTNS 1 lỗ, PTNS qua lỗ tự nhiên, PTNS robot,…. Cụ thể là việc đào tạo PTNS cho các đồng nghiệp trong và ngoài nước được phát triển rộng với 3 trung tâm tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Huế.
Đặc biệt tại Hội nghị khoa học lần này với gần 1.000 khách trong nước và quốc tế tham dự và hơn 200 báo cáo khoa học đủ các chuyên ngành: Gan mật, tiêu hóa, lồng ngực tim mạch, tiết niệu, chấn thương, thần kinh, đầu cổ, sản phụ khoa và điều dưỡng. Bên cạnh đó việc thực hiện các ca PTNS trình diễn được truyền hình trực tiếp trên các phương tiện hiện đại 3S từ các phòng mổ đến các hội trường hội nghị do các giáo sư đầu ngành đến từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Huế phối hợp thực hiện là dịp để các đồng nghiệp cùng nhau học hỏi kinh nghiệm.
“Tôi tin tưởng rằng, thành công của Tập huấn và Hội nghị sẽ đánh dấu một bước phát triển mới của chuyên ngành ngoại khoa đặc biệt là lĩnh vực PTNS với nhiều kỹ thuật hiện đại và quy trình tiên tiến được áp dụng trong chẩn đoán và điều trị, tạo được niềm tin của người bệnh vào chất lượng chăm sóc và điều trị của Việt Nam” – GS. Tiến nhấn mạnh.
Đại Dương