Giảm tích cực các nguy cơ tim mạch, cần những giải pháp chiến lược

Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (“WHO”), khoảng 17,5 triệu người tử vong vì bệnh tim mạch trên toàn thế giới mỗi năm.

Nếu không có một hành động tích cực thì đến năm 2015 sẽ có 20 triệu người trên toàn thế giới tử vong do bệnh tim mạch và tập trung nhiều ở các nước đang phát triển (khoảng 80%). Vấn đề rối loạn lipid trong máu là một trong những nguyên nhân quan trọng gây ra các bệnh lý tim mạch.

Nằm trong chuỗi hội thảo do Hội Tim mạch học Việt Nam chủ trì tại Đại hội Tim mạch toàn quốc lần thứ 13, Merck Sharp & Dohme (Asia) Ltd., (“MSD”) phối hợp với Hội Tim mạch học Việt Nam tổ chức hội thảo vệ tinh dành cho hơn 500 bác sỹ Việt Nam với chủ đề: “Giảm tích cực các nguy cơ tim mạch: những giải pháp chiến lược” tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh. Hội thảo diễn ra với sự chủ trì của GS.TS.BS. Nguyễn Lân Việt (Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam) và sự tham gia của các báo cáo viên trong nước là PGS.TS.BS.Phạm Mạnh Hùng (Viện Tim mạch Việt Nam) và báo cáo viên quốc tế GS.TS.BS Michel Farnier (Dijon, Pháp) nhằm giới thiệu với các bác sỹ chuyên ngành về giải pháp phối hợp thuốc trong cải thiện sức khỏe tim mạch, đặc biệt là giải pháp điều trị phối hợp mới giúp tăng tỷ lệ đạt mức LDL-C mục tiêu và giảm tích cực nguy cơ tim mạch cho các bệnh nhân có nguy cơ cao.

Giảm tích cực các nguy cơ tim mạch, cần những giải pháp chiến lược

Trong quá trình điều trị các bệnh lý do rối loạn lipid máu, ngành y tế đã có nhiều cố gắng và cải thiện chất lượng điều trị cho bệnh nhân trong thời gian qua, nhưng trên thực tế, việc điều trị đưa mức LDL-C (Low Density Lipoprotein Cholesterol) –  một thành phần quan trọng nhất gây Xơ Vữa Động Mạch (XVĐM) đạt mục tiêu còn khá thấp tại nhiều nước Châu Á nói chung, và ở Việt Nam nói riêng.

Thực trạng kiểm soát rối loạn lipid máu ở Châu Á được phản ánh qua nghiên cứu REALITY-Asia và Pan-Asian CEPHEUS. Phân tích kết quả khảo sát theo quốc gia cho thấy ở Việt Nam chỉ có 40,1% bệnh nhân sau khi đã điều trị RL lipid máu đạt mức LDL-C mục tiêu. Tỷ lệ này thực sự còn khá khiêm tốn so với các nước trong khu vực Châu Á. Tính trong nhóm bệnh nhân có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao và nguy cơ trung bình thì tỷ lệ đạt LDL-C mục tiêu tại Việt Nam lần lượt là 27,6%, 45,6% và 63,3%. Điều này cho thấy rằng, vẫn còn một tỷ lệ cao bệnh nhân tăng cholesterol máu đang được điều trị bằng thuốc hạ lipid máu ở các nước Châu Á chưa đạt được mục tiêu LDL-C như đã được khuyến cáo.

Chính vì vậy, nhiều báo cáo trong đại hội lần này cũng đề cập đến những thách thức trong thực hành điều trị rối loạn lipid máu hiện nay, đặc biệt là ở Việt Nam. Đồng thời, các báo cáo cũng cũng cập nhật hướng dẫn điều trị rối loạn lipid máu và vai trò của phối hợp thuốc mới trong việc kiểm soát tích cực mục tiêu LDL-C.

GS.TS.BS. Nguyễn Lân Việt ( Viện Trưởng – Viện Tim mạch Việt Nam) chia sẻ: “Chương trình Đại hội Tim mạch toàn quốc lần này vừa có tính chất cập nhật, vừa có tinh chuyên môn sâu, đây thực sự là một cơ hội tốt để các bác sỹ cùng được trao đổi và cập nhật nhiều kiến thức mới trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý tim mạch

Khẩu hiệu của Ngày tim mạch thế giới năm 2012 là: “Một thế giới – Một gia đình – Một trái tim”. Mỗi bệnh nhân bị bệnh tim mạch, nhất là bị bệnh nặng thì chính họ đã nhận hậu quả nặng nề khi tỷ lệ tử vong rất cao. Bên cạnh đó còn là số người chịu di chứng tàn phế. Khi đó, sức lao động của bản thân giảm đi, là gánh nặng của gia đình tốn công sức và tiền bạc để chăm sóc, dẫn đến sức lao động của toàn xã hội cũng suy giảm theo. Chính vì vậy, sự nghiệp phòng chống tim mạch là hết sức cần thiết. Nếu mỗi cá nhân có trái tim khỏe mạnh thì gia đình sẽ vui vẻ, hạnh phúc, góp phần tăng niềm vui và chất lượng sống cho toàn xã hội.

10 lời khuyên của Các Hội Tim Mạch thế giới:

1. Chế độ ăn uống hợp lý, khẩu phần ăn có nhiều rau xanh, trái cây. Hạn chế ăn các chất béo bão hòa. Không nên ăn mặn.

2. Tập thể dục thường xuyên: mỗi ngày tập từ 30 – 60 phút sẽ giúp cho phòng chống các bệnh lý tim mạch và sức lao động sẽ được cải thiện hơn.

3. Không hút thuốc lá, thuốc lào vì hút thuốc lá, thuốc lào là nguyên nhân trực tiếp gây nhồi máu cơ tim, đột quỵ và nhiều bệnh lý tim mạch khác.

4. Duy trì cân nặng hợp lý, nếu thừa cân: cần giảm cân sẽ giúp giảm huyết áp, giảm các biến cố do bệnh lý tim mạch gây nên.

5. Nên khám sức khỏe định kỳ để biết được số huyết áp động mạch, hàm lượng cholesterol, hàm lượng đường trong máu, chỉ số vòng eo/vòng mông, chỉ số khối cơ thể (BMI). Nếu biết mình có nhiều yếu tố nguy cơ thì chúng ta càng cần phải có kế hoạch thực hiện lối sống lành mạnh một cách tích cực hơn để cải thiện sức khỏe của mình.

6. Hạn chế uống rượu, bia: vì uống nhiều rượu, bia làm huyết áp tăng và trọng lượng cơ thể cũng tăng lên.

7. Tạo môi trường sạch sẽ, không có khói thuốc ở gia đình và công sở.

8. Cần có thời gian thư giãn, tập luyện nhẹ nhàng (nếu có thể) ngay tại chính nơi mình làm việc.

9. Tại nơi công sở cũng cần tránh ăn uống quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn hay các loại thức ăn nhanh.

10. Tránh căng thẳng, lo âu quá mức. Hãy cùng nhau xây dựng một môi trường làm việc đoàn kết, lành mạnh và hiệu quả.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm