Đối phó với cắt giảm tài trợ, phòng chống HIV/AIDS dựa vào cộng đồng

(Dân trí) - Trong bối cảnh nguồn tại trợ quốc tế giảm dần, các cơ sở điều trị, hỗ trợ người HIV/AIDS đang chật vật duy trì hoạt động. Tăng cường kết nối cộng đồng được xem là giải pháp hiệu quả để huy động nguồn lực xã hội, tiến tới kết thúc đại dịch.

Thông tin trên được các chuyên gia đưa ra trong Hội thảo “Đáp ứng dịch HIV/AIDS dựa vào cộng đồng, nhìn lại và bước tiếp” diễn ra tại TPHCM ngày 25/8.

Hoạt động phòng chống HIV/AIDS sẽ được lồng ghép với khám chữa bệnh tại các bệnh viện
Hoạt động phòng chống HIV/AIDS sẽ được lồng ghép với khám chữa bệnh tại các bệnh viện

Đánh giá cao những hoạt động của các tổ chức tại Việt Nam thời gian qua đã góp phần quan trọng cho cuộc chiến phòng chống HIV/AIDS, ông Michael Greene, Giám đốc cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cho hay: Gói cứu trợ khẩn cấp của Hoa Kỳ chuyển từ viện trợ trực tiếp sang hỗ trợ dịch vụ kỹ thuật cho các hoạt động phòng chống là bước đi mới tại Việt Nam. Thông qua hình thức trên, các tổ chức có liên quan sẽ cung cấp cho nhóm đối tượng nhiễm HIV, người nghiện chích ma túy, mại dâm, quan hệ tình dục đồng giới hoặc nhóm đối tượng nguy cơ cao những giải pháp thiết yếu trong việc phòng chống, bảo vệ, không để dịch bệnh lây lan.

Chương trình được xây dựng và triển khai ở Việt Nam từ năm 2014 đến nay đã tác động tới hơn 8.000 người nghiện ma túy, nam có quan hệ tình dục đồng giới, phụ nữ mại dâm tại các thành phố lớn như: Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ...

Song song với đó, Việt Nam cũng đang triển khai các hoạt động dựa trên nguồn lực trong nước do các nguồn tài trợ quốc tế cho phòng chống HIV/AIDS cũng dần bị cắt giảm (tới 80%).

Trước mắt, hoạt động phòng chống HIV/AIDS đã được đưa vào hệ thống y tế từ việc khám bệnh, thực hiện xét nghiệm đến điều trị. Những thông tư hướng dẫn trong việc thực hiện kế hoạch sử dụng thẻ bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV/AIDS sắp tới sẽ được triển khai trên cả nước.

Tuy nhiên, theo TS.BS Hoàng Đình Cảnh, Phó cục Trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, đa phần người nhiễm bệnh đều thuộc diện khó khăn nên rất cần sự giúp sức từ các tổ chức, cá nhân trong việc mua BHYT.

Để đạt được mục tiêu Việt Nam sẽ kết thúc đại dịch vào năm 2030, trong 5 năm tới, kế hoạch “Đáp ứng dịch HIV/AIDS dựa vào cộng đồng” sẽ tiếp tục nhân rộng ra các tỉnh thành, tập trung vào nhóm người nguy cơ cao, dễ bị tổn thương để tuyên truyền, vận động họ thay đổi thái độ hành vi, nâng cao ý thức phòng bệnh.

Vân Sơn