Dinh dưỡng bảo vệ các cơ quan còn non yếu ở trẻ

Khi còn là bào thai nằm trong lòng mẹ, sự phát triển của thai nhi hoàn toàn là nhờ ở bà mẹ...

Từ bánh nhau, máu của mẹ đi qua dây rốn vào thai nhi mang theo tất cả các chất cần thiết như dưỡng khí, chất đạm, đường, chất béo, vitamin và các khoáng chất…để nuôi dưỡng cho thai lớn lên hàng ngày .
 
Khi chào đời, trẻ sơ sinh bắt đầu phải thở, tự ăn và bài tiết mỗi ngày, phải chống chọi với các loại vi khuẩn từ môi trường chung quanh để sinh tồn. Từ đây trẻ sẽ lớn dần lên, các cơ quan, bộ phận từ từ trưởng thành để giúp trẻ ngày càng thích nghi tốt với cuộc sống. Hơn bao giờ hết, dinh dưỡng trong giai đoạn này là vô cùng quan trọng. Dinh dưỡng tối ưu sẽ giúp trẻ phát triển một cách tốt nhất.
 
Tuy nhiên, cơ thể mới sinh với những đặc điểm sinh lý đặc thù và với những chức năng tiêu hóa, bài tiết cũng như bảo vệ miễn dịch chưa hoàn thiện đòi hỏi các bà mẹ phải có những hiểu biết nhất định để có thể lựa chọn và thực hành nuôi con một cách tốt nhất nhằm đạt được cùng một lúc hai mục tiêu: Đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho tăng trưởng và bảo vệ các cơ quan còn non yếu ở trẻ nhỏ.
 
Năm đầu đời, trẻ cần nhiều dưỡng chất nhất
 
Trong năm đầu của cuộc sống, tốc độ tăng trưởng của trẻ rất mạnh. Thông thường cân nặng sẽ tăng gấp đôi cân nặng lúc sinh khi trẻ 6 tháng tuổi và tăng gấp ba khi trẻ 12 tháng tuổi. Chiều dài trung bình là 50cm ở trẻ sơ sinh đủ tháng sẽ tăng lên 75cm khi trẻ 12 tháng tuổi. Chính vì vậy, nhu cầu về năng lượng, đạm, chất béo, … ở trẻ cao hơn hẳn so với người lớn. Ví dụ, nếu tính theo cân nặng, trẻ cần số lượng chất đạm cao gấp gần 3 lần so với nhu cầu này ở người lớn. Vậy cũng đủ cho thấy trẻ cần một nguồn dưỡng chất dồi dào như thế nào để tăng trưởng. Tuy nhiên, bài toán khó cho dinh dưỡng năm đầu đời không phải làm thế nào để cung cấp cho trẻ đủ lượng dưỡng chất cần thiết mà chính là cung cấp các chất dinh dưỡng như thế nào để cơ thể bé nhỏ của trẻ có thể tiêu hóa và hấp thu được.
 
Cẩn thận với nguy cơ trẻ bị áp lực chuyến hóa do các chức năng cơ thể còn non yếu
 
Nhu cầu về các chất dinh dưỡng cao để đáp ứng tốc độ tăng trưởng nhưng khả năng tiêu hoá của trẻ trong những tháng năm đầu đời rất hạn chế do dung tích dạ dày còn nhỏ, các men tiêu hoá chất đạm, chất bột đường và chất béo chưa đầy đủ, nhất là trong 6 tháng đầu. Trẻ dễ bị ọc sữa, đi tiêu nhiều hoặc ngược lại bị táo bón. Đi tiểu có khi ít, nước tiểu vàng, nhất là vào mùa nóng, trẻ đổ mồ hôi nhiều mà không được uống nước đầy đủ. Điều này cho thấy khả năng bài tiết của trẻ cũng chưa tốt .
 
Những tháng đầu, do hệ miễn dịch còn yếu nên trẻ rất dễ bị nhiễm trùng, dị ứng, ngay cả khi được nuôi dưỡng tốt nhất bằng sữa mẹ, nếu bà mẹ ăn các nhóm thực phẩm chứa nhiều chất gây dị ứng như hải sản , hoặc các thực phẩm sống hay quá nhiều gia vị cũng có thể khiến trẻ bị tiêu chảy, nôn ói.
 
Làm thế nào để giúp trẻ?
 
Sữa mẹ trong 6 tháng đầu rất quý giá vì thành phần dưỡng chất hoàn hảo, đáp ứng đủ cho nhu cầu tăng trưởng của trẻ mà không gây áp lực lên các cơ quan chuyển hóa còn non yếu của trẻ. Trong khi sữa mẹ giàu các kháng thể và các yếu tố bảo vệ giúp trẻ có sức đề kháng tốt với bệnh tật, hàm lượng các chất dinh dưỡng trong sữa mẹ thường không cao như sữa bò, nhưng lại có khả năng được hấp thu rất tốt, nhờ vậy giảm được “gánh nặng” tiêu hóa cho trẻ. Ví dụ, đạm sữa mẹ có hàm lượng thấp (chỉ bằng 1/3 so với đạm sữa bò) mà chất lượng lại cao, dễ tiêu hóa, hấp thu do giàu thành phần đạm whey mềm mại. Chất béo trong sữa mẹ có nhiều chất thiết yếu với các men tiêu hóa chất béo có sẵn giúp chất béo được hấp thu hoàn hảo. Các muối khoáng và các vitamin trong sữa mẹ cũng vậy, rất dễ hấp thu mặc dù hàm lượng thấp hơn so với sữa bò. Chính vì tất cả các yếu tố này mà sữa mẹ chính là lựa chọn tốt nhất cho trẻ trong những tháng đầu đời, bảo vệ trẻ khỏi áp lực phải “thu nạp” quá nhiều dưỡng chất phục vụ cho tăng trưởng.
 
Trong những trường hợp mà bà mẹ không thể nuôi con bằng sữa mẹ hoặc không có đủ sữa cho bé thì phải tính toán sao để trẻ bú sữa công thức nào mà thành phần phải đáp ứng được khuyến cáo về nhu cầu dưỡng chất và đem lại lợi ích tương tự như ở những trẻ bú mẹ khoẻ mạnh. Cần tránh hiểu nhầm là cứ có nhiều dưỡng chất với thành phần càng cao thì sẽ càng tốt cho trẻ bởi vô tình có thể làm cơ thể nhỏ bé của trẻ phải “gồng mình” tiêu thụ các dưỡng chất dư thừa, vừa không cần thiết vừa có khả năng dẫn tới các bệnh lý về chuyển hóa như béo phì, tiểu đường và tim mạch sau này.

Dinh dưỡng bảo vệ các cơ quan còn non yếu ở trẻ - 1

BS Nguyễn thị Thanh Bình
Cố vấn Khoa sơ sinh – BV Từ Dũ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm