Điều trị các bất thường về mạch máu như thế nào?

Nhiều người mắc các bệnh bất thường mạch máu rất hoang mang, lo lắng bởi sự phát triển phi mã; đau; chảy máu, mất thẩm mỹ gây mất tự tin trong giao tiếp,… Tuy nhiên, đa số lại không biết cần phải điều trị bệnh này như thế nào?

Theo PGS.TS. BS Phạm Hữu Nghị, Thày thuốc Ưu tú - Cố vấn chuyên môn của Hệ thống Phòng khám Venus Medi cho biết, từ những bệnh lý đơn giản, gặp khá phổ biến, nhiều bệnh nhân để lại di chứng thẩm mỹ, hoặc chịu đựng sự đau đớn kéo dài vì chủ quan trong việc theo dõi tiến triển bệnh. Để điều trị bệnh có hiệu quả, bệnh nhân nhân cần phải được khám, sau đó bác sĩ căn cứ vào đặc điểm từng loại bệnh, từng giai đoạn tiến triển của bệnh để có những chỉ định và chiến thuật điều trị phù hợp.

PGS Phạm Hữu Nghị đang điều trị trên hệ thống máy Laser Nd:Yag Fotona Starwalker.
PGS Phạm Hữu Nghị đang điều trị trên hệ thống máy Laser Nd:Yag Fotona Starwalker.

Với u mạch máu ở trẻ em, dù 60 -90% bệnh có thể tự thoái lui, nhưng vấn đề đáng ngại nhất chính là sự phát triển quá nhanh, quá to làm làm phá huỷ cấu trúc của da hoặc mô có u; gây loét, chảy máu, nhiễm trùng… và rất khó dự đoán tốc độ phát triển, vì thế, việc theo dõi chủ động là rất cần thiết, nhất là những khối u ở gần các hốc tự nhiên như mắt, mũi, miệng, bộ phận sinh dục, hậu môn…

Điều trị u mạch máu có nhiều phương pháp, từ theo dõi chờ đợi, nội khoa, ngoại khoa hay laser:

- Phương pháp theo dõi chờ đợi dựa trên qui luật tự thoái lui và mất đi của u. Phương pháp này đòi hỏi phải có chỉ định và theo dõi chặt chẽ của bác sĩ để đảm bảo các u tự mất đi mà không gây hại gì đáng kể.

- Điều trị nội khoa mang lại hiệu quả nhất định, nhưng mặt trái là hay có tác dụng phụ của thuốc nên trẻ cần tuân thủ tuyệt đối chỉ định của bác sĩ, cha mẹ cần đưa con đi tái khám đúng lịch hẹn.

- Với can thiệp ngoại khoa thường ở giai đoạn sau, khi khối u đã bắt đầu có xu hướng thoái lui bởi lúc này khối u không còn phát triển, chỉ để lại những tổ chức bị phá hủy, nhăn nhúm, xấu về mặt thẩm mỹ, việc can thiệp ngoại khoa có thể giải quyết tình huống này.

- Với laser là một biện pháp giúp hạn chế sự phát triển của u trong giai đoạn tiến triển mạnh nhằm hạn chế sự phá hủy câu trúc mô do u và các biến chứng của u, lúc này chưa cần thiết đặt mục tiêu ở mức tiêu diệt u ngay.

Bệnh nhi u máu trước và sau khi được BS Nghị điều trị.
Bệnh nhi u máu trước và sau khi được BS Nghị điều trị.

“Đây là điều cần lưu ý kỹ bởi nhiều bậc cha mẹ nôn nóng, cứ muốn “laser một lần là hết” nhưng sẽ có mặt trái là có thể để lại sẹo. Vì thế việc can thiệp cần thận trọng, theo chỉ định của bác sĩ. Đây là phương pháp rất hiệu quả, an toàn ngăn tốc độ phát triển của u”, PGS. TS.BS Phạm Hữu Nghị cho biết.

Với u hạt mạch máu nhiễm trùng, vấn đề chính là nguy cơ chảy máu, biến dạng thẩm mỹ do khối u xuất hiện ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể sau nhiễm trùng.

Việc điều trị u hạt mạch máu có hai phương pháp chủ yếu là phẫu thuật và laser. Điều trị phẫu thuật là phương pháp thường dùng và rất hiệu quả tuy nhiên không phải lúc nào cũng thuận lợi khi xử lý chảy máu, đóng kín da…Sử dụng laser làm cho việc điều trị trở nên nhẹ nhàng hơn vì bản thân laser có khả năng làm đông vón, cầm máu tốt trong khi điều trị, ở đây vai trò của công nghệ laser và kĩ thuật của bác sĩ laser là rất quan trọng.

Với các dị dạng mao mạch (bớt rượu vang), bệnh chủ yếu ảnh hưởng thẩm mỹ. Để can thiệp các bác sĩ có thể dùng phương pháp phẫu thuật, cắt bỏ phần da sẫm màu, rồi tạo hình, lấy vạt da khác che phủ lại.

Laser được coi là phương pháp đặc hiệu trong điều trị các dị dạng mao mạch. Bác sĩ có thể sử dụng các loại laser theo nguyên lý quang nhiệt phá huỷ chọn lọc và hemoglobin trong hồng cầu ở vùng da sẫm màu này sẽ hấp thu năng lượng laser ở bước sóng phù hợp với đỉnh hấp thu, từ đó phá huỷ mạch máu mao mạch gây bệnh lý. Có nhiều loại được lựa chọn vào mục đích này như laser màu, KTP, Argon, Copper vapor, Nd:YAG xung dài, Alexandrite xung dài…

Tuy nhiên để điều trị bằng laser, bệnh nhân sẽ phải trải qua nhiều lộ trình điều trị. Tổn thương bị phá hủy không thể trong một lúc mà sẽ dần mất màu, tiến đến hòa hợp màu sắc với vùng da xung quanh.

“Tổn thương nhạt màu sẽ điều trị laser ít lần hơn. Còn với những tổn thương đậm màu, trên người lớn, người da màu, người Châu Á càng phải làm nhiều lần hơn, từ 5 đến vài chục lần, kéo dài trong nhiều năm để đạt đến kết quả mong muốn”, PGS Phạm Hữu Nghị cho biết.

Kết quả điều trị tốt nhất là khi màu da sẫm màu mất hoàn toàn, trở lại màu da bình thường.

PGS Nghị cũng lưu ý, điều trị dị dạng mao mạch ở trẻ em đáp ứng tốt đến 90%, điều trị càng sớm mạch máu càng nhỏ, càng bít tắc dễ, vùng da không dày. Đến khi lớn hơn, mạch máu ngày càng giãn, phạm vi lan toả nhiều hơn can thiệp sẽ khó hơn.

Với các dị dạng tĩnh mạch nhỏ như giãn mạch máu đầu mũi, má… có thể điều trị tiêm xơ, hoặc laser.

Hình ảnh giãn tĩnh mạch trước và sau điều trị. Ảnh: BS Nghị.
Hình ảnh giãn tĩnh mạch trước và sau điều trị. Ảnh: BS Nghị.

Với các dị dạng tĩnh mạch trong khoang miệng, PGS Nghị cho biết đây là các khối dị dạng tĩnh mạch trong khoang miệng và niêm mạc môi có màu xanh tím, không có đập nẩy hoặc rung miu, giãn to khi đường dẫn bị cản trở (nhịn thở, cúi đầu) và bệnh tiến triển to dần. Các tổn thương này có thể ở sâu như trong cơ, xương (xương hàm dưới...) hay trong lưỡi, sàn miệng... thường rất phức tạp.

Với các tổn thương nông của dị dạng tĩnh mạch trong khoang miệng tuy có thể nhìn thấy trực tiếp bằng mắt thường và việc điều trị có thể dễ dàng hơn song tùy theo vị trí và đặc điểm của từng tổn thương mà việc điều trị cũng gặp những khó khăn không nhỏ.

Các phương pháp trước đây thường được dùng để điều trị là phẫu thuật, tiêm xơ, nút mạch và xạ trị laser CO2, laser Nd:YAG... Phẫu thuật cắt bỏ tổn thương và khâu xơ... thường được dùng nhất, nhưng các tổn thương rộng lớn, lan tỏa ở các vị trí ngóc ngách, ở các đơn vị giải phẫu hạn hẹp như ở mép, môi, vòm miệng, thành họng, sàn miệng hay lưỡi khi phẫu thuật hay chảy máu nhiều, mặt tổ chức gây biến dạng ảnh hưởng đến các cơ quan trong khoang miệng và không lấy hết tổn thương, dễ tái phát. Tiêm xơ tuy làm giảm kích thước các tổn thương mạch máu song phải điều trị nhiều lần, bệnh nhân đau và sưng nề nhiều và bị ảnh hưởng do độc tố của chất gây xơ.

Các phương pháp laser: CO2, Argon, Copper vapor, Nd:YAG... đã được dùng và tỏ ra có nhiều ưu điểm như quang đông cầm máu tốt nên ít chảy máu, ít tổn thương, ít phù nề nhất là các vùng gần mạch máu. Laser Nd:YAG có khả năng quang đông và xuyên sâu tốt nên được ứng dụng nhiều. Gần đây áp dụng laser Nd: YAG xung dài với hệ thống làm lạnh bề mặt thông minh làm cho việc điều trị vừa hiệu quả vừa an toàn hơn hẳn laser Nd: YAG phát liên tục, gây các tổn thương hoại tử tạo thành loét ở bề mặt sau điều trị nên có thể gây biến chứng chảy máu khi bong lớp hoại tử...

Tuy nhiên hiệu quả điều trị đạt cao (85,96%), ít có biến chứng, ít tái phát, bảo tồn được hình thái giải phẫu và thẩm mỹ.

Hầu hết bệnh nhân chỉ cần điều trị một lần do các tổn thương phần lớn ở thể khu trú và kích thước không lớn. Với tổn thương rộng, ở nhiều nơi, có thể chia nhỏ làm nhiều lần điều trị, mỗi lần điều trị một phần. Tuy nhiên việc điều trị sẽ khó khăn và phức tạp rất nhiều khi các tổn thương là thể lan tỏa.

Hải Đăng