Đè đầu không bằng xiết cổ!

Tuy chiếc áo không làm nên thầy tu nhưng trong cuộc sống “hại điện” như hiện nay mấy ai thoát khỏi cảnh “trông mặt mà bắt hình dong”?

Chiếc áo sơ mi cài chặt nút cổ cộng thêm cà-vạt là hình ảnh hầu như không thể thiếu trong công việc hàng ngày của người phải giao tiếp, phải an tọa như đóng đinh phía sau bàn viết. Bộ trang phục “tự ý thắt cổ” vì đeo sát gia chủ nhiều giờ mỗi ngày nên càng vừa vặn càng thoải mái cho người “không cà vạt không vào văn phòng”. Nhưng cũng vì phải “lên đồ” đúng điệu mà nhiều người vô tình ngã bệnh hồi nào không hay.

Đè đầu không bằng xiết cổ! - 1

Chuyên gia ở đại học Cormell thuộc tiểu bang New York, Hoa Kỳ đã thực hiện một công trình khảo sát rất chi ly về tác hại của cặp bài trùng “cổ áo + cà-vạt” quá chật để quả quyết là:
 
- 2/3 đàn ông thường mặc áo với cổ quá chật trong số đó 12% thậm chí có cổ áo chật đến 1 phân nhưng vẫn ráng cài nút mỗi ngày!
 
- Hơn 50% các đấng mày râu có thói quen xiết cà-vạt quá chật để khỏi phải sửa tới sửa lui nếu cà-vạt bị lệch.
 
Cổ áo sát sao, cà-vạt cứng nếp tất nhiên đẹp. Kẹt chỉ ở chỗ cổ áo sơ-mi và cà vạt quá chặt là lý do dẫn đến tình trạng thiếu máu trong não bộ và ở nhãn cầu. Nạn nhân vì thế dễ đau đầu, giảm thị lực, đãng trí, mất ngủ, chóng mặt… hơn người có trang phục thoáng mát.
 
Không chỉ có thế, các nhà nghiên cứu cũng đã chứng minh là người tự đeo “gông” vào cổ:
 
- Tính toán chậm hơn người có cổ áo đúng kích cỡ.
 
- Không chính xác trong tình huống éo le nếu so với người đeo cà-vạt nhưng không đến độ tự xiết cổ.
 
- Dễ gặp trục trặc khi dùng máy vi tính hơn người tuy cũng gõ, cũng bắt chuột nhưng dễ thở.
 
Tệ hơn nữa, cũng theo kết quả nghiên cứu, là hai hậu quả khó tránh nếu ngày nào cũng hơn 4 giờ sống cảnh treo cổ không cần lên giàn. Đó là:
 
- Dễ gây tai nạn giao thông do phản ứng hoặc quá chậm chạp, hoặc quá nhanh nhẩu nhưng… đoảng!
 
- Dễ gặp rối loạn trong chuyện chăn gối mà không ngờ đêm về dưới không nghe vì trên suốt ngày bị xiết họng.
 
Nói thế không có nghĩa phải nói không với cà-vạt. Nếu cần đeo cứ đeo, nhưng đừng quên xả hơi giữa giờ và nhất là chọn áo sơ-mi có vòng cổ đúng kích thước, nếu rộng hơn khoảng nửa phân càng hay.
 
Yết hầu là đường liên thông hai chiều giữa tim và não. Chỉ cần một trong hai thiếu máu thì sớm muộn cũng thiếu tiền vì tìm thầy chạy thuốc. Khỏi nói dông dài cũng hiểu kẹt ngay chỗ đó không chỉ khó ăn khó nói. Điểm đáng nói là nếu bị người điểm đúng tử huyệt đằng nào cũng đỡ tức hơn tự mình mỗi ngày xiết cổ!
 
Bạn có biết?
 
Trong bối cảnh của cuộc sống căng thẳng mất ngủ hầu như là chuyện khó tránh. Đáng nói là nhiều người đang mất ngủ, đang dùng thuốc an thần nhưng tiền mất tật mang vì thuốc hầu như không ép-phê. Đáng tiếc vì nguyên nhân là do thiếu khoáng tố manhê, nói đúng hơn, vì cạn kiệt nguồn dự trữ manhê do gia chủ xài hết khoáng tố này khi căng thẳng với công việc. Hậu quả là tình trạng chuột rút trong đêm khiến gia chủ bị đánh thức đến độ mất ngủ! Dùng thuốc an thần trong trường hợp này tất nhiên hại nhiều hơn lợi. Trái lại, chỉ cần một chút… manhê!
 
Bác sĩ Lương Lễ Hoàng
Trung Tâm Điều Trị Oxy Cao Áp, TPHCM.

Đè đầu không bằng xiết cổ! - 2