Cứu sống bệnh nhân đột quỵ do biến chứng hẹp van tim nguy kịch tính mạng
(Dân trí) - Ngày 7/4, theo thông tin từ Khoa Nội Đột quỵ, Trung tâm Điều trị theo yêu cầu và Quốc tế, Bệnh viện Trung ương Huế, các bác sĩ đã cứu sống kịp thời một bệnh nhân nữ đột quỵ do biến chứng từ hẹp van tim, rối loạn nhịp tim.
Bệnh nhân là bà Trần Thị Ái (61 tuổi, trú tại huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) nhập viện khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Huế vào đầu tháng 2, với tình trạng suy tim nặng, hẹp van 2 lá, rung nhĩ kèm rối loạn nhịp tim.
Trong quá trình nằm viện, bệnh nhân bất ngờ đột quỵ trong phòng vệ sinh của bệnh viện nhưng rất may được các bác sĩ phát hiện và liên hệ sự hỗ trợ từ các bác sĩ khoa Nội Đột quỵ cấp cứu kịp thời. Khi phát hiện, bệnh nhân đã hoàn toàn rơi vào trạng thái hôn mê, mất tri giác.
Ngay sau đó, bệnh nhân được chuyển ngay đến phòng Can thiệp mạch máu não. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán tắc nghẽn mạch máu não và nhanh chóng được tiến hành rút các huyết khối bằng phương pháp sử dụng dụng cụ cơ học (mechanical thromboectony).
Được biết, trong khoảng thời gian bệnh nhân đột quỵ thì không có người nhà cũng như người thân bên cạnh. Nhân thấy tình trạng của bệnh nhân khá nghiêm trọng, thời gian không thể kéo dài, PGS.TS.Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế đã ngay lập tức chỉ đạo tiến hành cấp cứu bệnh nhân mà không cần thông qua các thủ tục khác.
Theo TS.BS. Tôn Thất Trí Dũng, Phó Khoa Nội đột quỵ, Trung tâm Điều trị theo yêu cầu và Quốc tế, Bệnh viện Trung ương Huế, bệnh lý tim mạch (van tim) kèm rối loạn nhịp tim có nguy cơ gây đột quỵ não rất cao do tắc mạch máu lớn dễ dẫn đến liệt, tàn phế, thậm chí là tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Chính vì vậy, việc phòng ngừa và chữa trị bệnh này là rất quan trọng. Trong trường hợp nếu bệnh nhân mắc bệnh thì đội ngũ bác sĩ phải ngay lập tức triển khai các phương pháp kỹ thuật cao để cấp cứu càng sớm càng tốt.
Hiện tại, tình trạng của bà Ái đã ổn định, sức khỏe tốt, ăn uống bình thường. Giai đoạn đầu nạn nhân còn triệu chứng liệt nửa người tuy nhiên sau một thời gian điều trị, bệnh nhân đã cử động bình thường, các chức năng tri giác đều phục hồi tốt. Đây được xem là một trong những ca đột quỵ do tắc nghẽn mạnh máu não có số lượng huyết khối nhiều nhất trong những năm qua tại Bệnh viện Trung ương Huế.
Bạch Châu – Đại Dương