Chẩn đoán hình ảnh - “Bệ đỡ” vững chắc kết nối điều trị ung thư hiệu quả

Do đặc điểm của các khối u ung thư có rất nhiều hình thù khác nhau trong khi tiêu chí điều trị thành công là phải tiêu diệt được hết các tế bào ung thư mà không làm tổn thương tế bào lành, nên chẩn đoán hình ảnh có thể nói đóng vai trò quyết định cho quá trình chẩn đoán và điều trị.


GS. Bùi Đức Phú, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vinmec và GS Gustav tại buổi Thảo luận bàn tròn

GS. Bùi Đức Phú, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vinmec và GS Gustav tại buổi Thảo luận bàn tròn

Tại cuộc tọa đàm bàn tròn về vai trò của hợp tác quốc tế trong tiến trình xây dựng trung tâm điều trị ung thư hiện đại tổ chức tại bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec ngày 22/3, một trong những vấn đề nhận được sự chia sẻ nhiều nhất từ GS Gustav Konrad von Schulthess Rechberg – một trong những chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực y học hạt nhân và GS Bùi Đức Phú, Giám đốc bệnh viện Vinmec Times City, là về vấn đề chẩn đoán hình ảnh trong ung thư, trong đó nhấn mạnh mối quan hệ chặt chẽ giữa nguồn lực và trang thiết bị.

Khâu quyết định trong chẩn đoán sớm ung thư!

Trong tầm soát ung thư, sau khi thực hiện các xét nghiệm cơ bản, xét nghiệm máu… để xác định xem bệnh nhân có nguy cơ không, các bác sĩ mới quyết định áp dụng chẩn đoán hiện đại (dựa trên các máy chụp cắt lớp, cộng hưởng từ, ứng dụng y học hạt nhân…) để xác định chính xác tình trạng của người bệnh.

Do có nhiều khâu như vậy nên hiện tại Việt Nam, mỗi bệnh viện, chuyên khoa lại có một thế mạnh riêng khiến người bệnh không biết đến đâu để có kết quả chính xác nhất. Đó cũng là lý do vì sao dù đi khám định kỳ nhưng vẫn có những bệnh nhân khi phát hiện ung thư đã ở giai đoạn muộn.

Theo GS Bùi Đức Phú, giải pháp cho vấn đề này chính là đa mô thức chuyên khoa, tức là có sự kết hợp giữa hình ảnh, mô bệnh học, hóa trị, xạ trị, tâm lý, dinh dưỡng, ghép tế bào gốc, điều trị giảm đau…. Trong đó xạ trị, hóa trị đã triển khai ứng dụng công nghệ gen, lab sinh học phân tử, xét nghiệm hóa sinh xác định hóa chất nào có thể điều trị cho bệnh nhân; liệu pháp điều trị nhắm trúng đích, cho phép can thiệp vào những phân tử cụ thể - 1 kỹ thuật hiện đại cho kết quả điều trị cao.

Theo đó, sự kết hợp giữa Trung tâm ung bướu và Trung tâm công nghệ gen và tế bào gốc cho phép thực hiện các kỹ thuật phức tạp hơn trong điều trị ung thư vú, phổi.

Nhưng dù hiện đại đến mấy, các chuyên gia cũng đều thống nhất, trong quá trình điều trị ung thư, chẩn đoán hình ảnh góp hơn 50% vào kết quả.

GS Bùi Đức Phú dẫn chứng về điều trị xạ trị. Theo GS Phú, máy xạ trị có rất nhiều loại, có loại chỉ có 1 chức năng duy nhất là bắn tia xạ vào khối u nhưng thực tế, nếu không có hình ảnh tốt, quá trình xạ trị sẽ khó có thể tiêu diệt hết khối u. Bởi khối u không có hình thù nhất định nào, nó gồ ghề, góc cạnh… nên có thể nói “mối liên quan giữa xạ trị và hình ảnh là 100%”, GS Phú giải thích.

Đồng tình với quan điểm này, GS Gustav cho biết: “Việc triển khai những trang thiết bị y tế hiện đại nhất như PET CT 128 lát cắt (Việt Nam hiện chưa có) tại bệnh viện sẽ mang lại cơ hội chẩn đoán ung thư một cách chính xác cũng như theo dõi quá trình điều trị, từ đó có định hướng, phác đồ điều trị phù hợp, góp phần giải quyết vấn đề tầm soát và điều trị ung thư hiệu quả tại Việt Nam”.

Nguồn lực – Nền tảng lâu dài cho điều trị thành công

GS. Phú cho biết, PET CT, PET MRI đều là những hệ thống rất phức tạp, do sử dụng tới cả chất phóng xạ nên khu chẩn đoán cần phải đạt chuẩn quốc tế.

Nhưng khó nhất là con người. Theo GS Phú, con người phải đi trước, máy móc đi sau – phải có nền tảng con người cơ bản mới tiến tới làm chủ các kỹ thuật cao.

Do đó, tập trung đầu tư nâng cao nguồn nhân lực đang là trọng tâm của tiến trình xây dựng 1 trung tâm điều trị ung thư hiện đại tại Vinmec.

Đồng tình quan điểm này, GS Gustav cho biết: Lắp đặt máy không chỉ là kỹ thuật mà còn là nhân lực, khi đó mới có kết quả chẩn đoán chính xác.

Theo đó, bệnh viện Vinmec Times City đã thiết lập chương trình đào tạo cụ thể, đào tạo cán bộ y tế theo hướng chở thành những người thầy, có thể truyền đạt lại kiến thức cho những người khác ở trong nước và tất nhiên không thể thiếu vai trò hợp tác quốc tế - cơ hội toàn cầu hóa lĩnh vực chuyên môn từ tổ chức đến thực hành.

Và chuyến đi này của GS Gustav cũng không nằm ngoài mục tiêu tư vấn, hợp tác cũng như đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, có khả năng hội chẩn trực tiếp đa chuyên khoa cũng như xây dựng Trung tâm chẩn đoán hình ảnh của Vinmec Times City đạt chuẩn Hoa Kỳ.

P.V