Biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường
Hiện nay, số lượng người mắc tiểu đường ngày càng nhiều và đang gây những biến chứng khủng khiếp cho người mắc bệnh. Điển hình như bệnh tim mạch vành, tai biến mạch máu não, mù mắt, suy thận, liệt dương, hoại thư…
Những biến chứng trên hoàn toàn có thể phòng chống được ở mức cộng đồng, song nhận thức của đa phần người dân về bệnh này còn hạn chế, thường nhập viện muộn sau 7-10 năm, khi bệnh đã bắt đầu xuất hiện biến chứng, dẫn đến chi phí điều trị vô cùng tốn kém.
Tổn thương hệ thần kinh là biến chứng thường thấy nhất ở bệnh nhân bị tiểu đường. Nguyên nhân gây ra biến chứng này là do lượng đường trong máu quá cao, làm tổn thương các mạch máu nhỏ nuôi dây thần kinh từ đó dẫn đến việc yếu cơ, thay đổi cảm giác, tê bì hoặc kim châm. Tổn thương thần kinh ngoại vi dễ dẫn đến nhiễm trùng, hoại tử, gây loét và có thể phải cắt cụt chi để bảo toàn tính mạng.
Bệnh nhân tiểu đường với lượng đường huyết cao trong máu gây tổn thương tế bào vi mạch thận, làm giảm chức năng lọc, bài tiết nước tiểu của thận. Bệnh nặng dẫn đến suy thận và huỷ hoại chức năng của thận, dẫn đến việc đi tiểu với lượng đường cao trong nước tiểu thường thấy ở bệnh nhân tiểu đường.
Tổn thương mạch máu và tim
Bệnh tiểu đường còn gây ra các biến chứng nguy hiểm về các mạch máu và tim. Khi các dấu hiệu tổn thương mạch máu, tim ngày càng nặng thì bệnh nhân rất dễ bị cao huyết áp, xơ cứng động mạch, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não gây bại liệt hoặc tử vong.
Đoản chi và nhiễm trùng
Bệnh nhân tiểu đường cũng rất dễ bị nhiễm trùng và có thể bị nhiễm trùng ở bất cứ bộ phận nào điển hình như: răng miệng, lợi, nhiễm trùng da gây mụn nhọt, nấm, nhiễm trùng đường tiểu bàng quang, thận… Và một hậu quả nghiêm trọng phổ biến ở các bệnh nhân tiểu đường là phải tháo khớp chi (còn gọi là hiện tượng đoản chi)..
Bệnh nhân bị nhiễm trùng nặng vùng da ở bàn tay
Giải pháp điều trị phù hợp?
- Ổn định đường huyết: Là biện pháp cơ bản nhất trong điều trị bệnh tiểu đường. Bệnh nhân cần được hướng dẫn và theo dõi chặt chẽ hằng ngày. Nếu theo dõi thường xuyên và ổn định đường huyết ở mức bình thường người bệnh sẽ có thể sinh hoạt bình thường và tránh được các tổn thương của bệnh.
- Có nhịp sống lành mạnh, kế hoạch ăn uống phù hợp, tập thể dục đều đặn và vừa sức. Đặc biệt sống vui vẻ và làm việc vừa sức là một giải pháp tối ưu cho những người bệnh tiểu đường trong độ tuổi lao động.