Bác sĩ nói gì về sinh mổ?
Sinh mổ không còn là khái niệm xa lạ với các bà mẹ hiện đại ngày nay. Sinh mổ - ngay cả khi được bác sĩ chỉ định hay bà mẹ lựa chọn – đang có xu hướng tăng cao như một phương pháp đảm bảo an toàn và việc sanh nở có thể được chủ động kiểm soát.
Tuy nhiên vẫn còn một số các nguy cơ tiềm ẩn mà các mẹ chưa lường hết. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi ngắn với Tiến Sĩ, Bác Sĩ Nguyễn Thị Thanh Hà – Giảng viên bộ môn Sản – Đại Học Y Dược Tp. HCM.
PV: Thưa Bác sĩ, có thể nói sinh mổ đang có xu hướng tăng cao, xin Bác sĩ cho biết tỷ lệ của phương pháp sinh này trên Thế Giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng?
TS. BS Nguyễn Thị Thanh Hà: Theo quy định của WHO, tỷ lệ sinh mổ chỉ được chiếm 10% - 15% tổng số ca sinh. Thế nhưng theo số liệu những năm gần đây tỷ lệ mổ lấy thai tăng cao trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, tỷ lệ sinh mổ ở Hà Nội là 31,3%, Hồ Chí Minh là 29,5%, Hải Phòng là 20,4%, Cần Thơ là 19,4%. Tính đến năm 2010, tỷ lệ sinh mổ trên Thế giới đang ở mức báo động, cụ thể là Mexico (44,8%), Hàn Quốc (35,2%), Thụy Sĩ (32,8%), Đức (31,4%), Châu Mỹ La Tinh (30%) đặc biệt ở Trung Quốc tỷ lệ mổ lấy thai rất cao (hơn 50%).
PV: Theo Bác sĩ những nguyên nhân nào làm cho tỷ lệ sinh mổ gia tăng nhanh chóng như vậy?
TS. BS Nguyễn Thị Thanh Hà: Với những tiến bộ vượt bậc của y học ngày nay đặc biệt về phương pháp vô cảm rất tốt nên sinh mổ có xu hướng gia tăng vì được biết đến như một phương pháp sinh an toàn và nhanh chóng. Hầu hết các trường hợp sinh mổ là do chỉ định y khoa như ngôi bất thường (ngôi ngang, ngôi mông…) thai to, các bệnh lý liên quan tới thai kỳ như tiền sản giật, nhau tiền đạo, nhau bong non… Với phương pháp mổ lấy thai, các bác sĩ chấm dứt thai kỳ 1 cách nhanh chóng, hạn chế tối đa các sự cố ngoài ý muốn, giảm thiểu tỷ lệ tai biến cho cả sản phụ và thai nhi.
PV: Theo quan điểm của các mẹ hiện đại,việc sinh mổ hay sinh thường cũng không ảnh hưởng gì đến sức khỏe của trẻ. Theo bác sĩ, nhận xét như vậy có chính xác không?
TS. BS Nguyễn Thị Thanh Hà: Nghiên cứu cho thấy, sinh mổ sẽ có những ảnh hưởng không mong đợi đến sức khỏe của trẻ. Trẻ sinh mổ thường bị khò khè, dễ bị suy hô hấp và tăng nguy cơ mắc các bệnh về hô hấp sau này. Ngoài ra, khả năng bị mắc các bệnh như dị ứng, chàm sữa, hen suyễn của bé trẻ sinh mổ cũng cao hơn trẻ sinh thường do hệ miễn dịch chậm phát tiển hơn và mất nhiều thời gian hơn để hoàn thiện.
PV: Bác sĩ có thể giải thích cụ thể nguyên nhân tại sao trẻ sinh mổ lại có những biểu hiện như vậy?
TS. BS Nguyễn Thị Thanh Hà: Khi sinh thường, trẻ sẽ được chui qua ống sinh tự nhiên của mẹ (âm đạo) nên được nuốt các vi khuẩn có lợi tại đây. Các lợi khuẩn này có tác dụng kích thích hệ vi sinh đường ruột của trẻ, nơi chứa hơn 70% tế bào miễn dịch của toàn cơ thể, từ đó giúp hoàn thiện hệ miễn dịch. Trẻ sinh mổ không được trải qua điều kiện thuận lợi ban đầu này nên bị ảnh hưởng khá nhiều đến sự phát triển của hệ miễn dịch. Hơn nữa, mẹ sinh mổ thường lên sữa chậm và phải sau từ 4 đến 5 giờ cách ly mới được cho bé bú, trong khi sữa non của mẹ rất giàu dinh dưỡng và chứa nhiều kháng thể cho trẻ giúp trẻ hoàn thiện hệ miễn dịch. Đây chính là hai nguyên nhân chính khiến trẻ sinh mổ chậm hoàn thiện hệ miễn dịch so với trẻ sinh thường. Trong khi một em bé sinh thường mất 10 ngày để hoàn thiện hệ miễn dịch thì bé sinh mổ phải mất đến 6 tháng cho một hệ miễn dịch hoàn thiện.
Hơn nữa, trẻ sinh mổ không đi qua đường sinh bình thường do vậy trẻ không được đẩy từ buồng tử cung xuống âm đạo nhờ các cơn co và trẻ không chui qua ống âm đạo nên lồng ngực của trẻ không bị ép chặt và đẩy hết nước ối tại đường hô hấp (phổi, khí phế quản) ra ngoài, điều này có thể gây ra tồn dịch trong phổi dẫn đến hội chứng “chậm hấp thu dịch phổi” dễ gây suy hô hấp cấp và tăng nguy cơ mắc các bệnh về hô hấp sau này. Thời gian theo dõi ở bệnh viên lâu hơn trẻ sinh thường cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ sinh mổ, do hệ miễn dịch vẫn còn chưa hoàn thiện mà phải tiếp xúc với nhiều vi khuẩn và mầm bệnh ở môi trường bệnh viện.
PV: Như vậy thì các mẹ nên làm gì để giúp trẻ sinh mổ phát triển khoẻ mạnh thưa bác sĩ?
TS. BS Nguyễn Thị Thanh Hà: Theo khuyến cáo của tổ chức UNICEF, mẹ nên cho trẻ bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời vì sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất chứa nhiều kháng thể, giúp trẻ hoàn thiện hệ miễn dịch. Trong trường hợp nào cũng nên nhanh chóng cho trẻ bú sữa mẹ càng sớm càng tốt, nhất là sữa non trong những ngày đầu sau sinh. Mẹ cũng chú ý giữ gìn vệ sinh khi chăm sóc trẻ vì hệ miễn dịch chưa hoàn thiện ở giai đoạn đầu đời, dễ bị ảnh hưởng bởi các vi khuẩn gây hại. Trong điều kiện không cho phép bú sữa mẹ, mẹ có thể thay thế cho trẻ bằng thực phẩm có chứa oligosaccharides (lcFOS & scGOS) – một trong những thành phần chính của sữa mẹ giúp ức chế sự gia tăng của các vi khuẩn có hại và kích thích các vi khuẩn có ích phát triển, xây dựng và hoàn thiện hệ vi sinh đường ruột, tăng cường sự phát triển của hệ miễn dịch, giảm khả năng nhiễm trùng và dị ứng cho trẻ”.
Xin cảm ơn TS. BS Nguyễn Thị Thanh Hà về những chia sẻ thật hữu ích cho các mẹ sinh mổ.