Abbott và Quỹ Abbott cùng nỗ lực xây dựng một cộng đồng khỏe mạnh hơn

Qua gần 10 năm gắn bó và đồng hành với Hội Từ thiện Giao Điểm, đến nay Abbott và Qũy Abbott đã thể hiện vai trò tích cực trong nhiều hoạt động nhằm cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em ở một số địa phương ở Việt Nam.

Chúng tôi đã có một vài chia sẻ với bà Suki McClatchey, Quản lý cao cấp Qũy Abbott để hiểu hơn về hoạt động của Qũy Abbott cũng như những kết quả đạt được.

Bà Suki McClatchey

Bà Suki McClatchey Quản lý cao cấp Qũy Abbott chia sẻ tại chương trình Bổ sung dinh dưỡng cho trẻ mầm non.
 
Bà có thể cho chúng tôi biết thêm về Quỹ Abbott cũng như sứ mệnh và mục tiêu của quỹ tại Việt Nam?

Quỹ Abbott là tổ chức nhân đạo trực thuộc Abbott, công ty chăm sóc sức khỏe toàn cầu được biết đến rộng rãi tại Việt Nam. Nhiệm vụ của Quỹ Abbott là tạo ra các cộng đồng khỏe mạnh trên toàn cầu bằng cách đầu tư vào những ý tưởng sáng tạo thúc đẩy khoa học, mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và cải thiện sức khỏe cho cộng đồng trên toàn thế giới. Việt Nam là một mục tiêu quan trọng trong chiến lược của cả Abbott lẫn Quỹ Abbott. Trong những năm gần đây, Abbott và Quỹ Abbott đã đầu tư hơn 9 triệu USD (tương đương hơn 187 tỷ VNĐ), nhằm giúp giải quyết các nhu cầu cộng đồng tại Việt Nam.
 
Vậy những thành tựu mà Quỹ Abbott đã đạt được tại Việt Nam là gì, thưa bà?

Từ năm 2005, Abbott và Quỹ Abbott đã cùng với các đối tác của mình phát triển và hỗ trợ một loạt các chương trình cải thiện dinh dưỡng, tổ chức các buổi tập huấn cho các bác sĩ và y tá, cũng như cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Tại Việt Nam, chúng tôi đã có quãng thời gian hợp tác lâu dài với AmeriCares và Quỹ Từ thiện Giao Điểm, hỗ trợ cho chương trình dinh dưỡng trẻ em. Với việc hợp tác này, chúng tôi đã cải thiện sức khỏe dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi ở các vùng nông thôn Việt Nam. Với mong muốn mở rộng và tiếp cận thêm nhiều trẻ em hơn nữa, chương trình đã và đang tập trung vào ba tỉnh của Việt Nam - Quảng Trị, Thừa Thiên và An Giang - nơi có tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em thuộc hàng cao nhất trong cả nước.

Một trong những thành tựu khác tại Việt Nam có thể kể đến là Dự án Viện khoa học dinh dưỡng trực thuộc Quỹ Abbott (AFINS), là dự án hợp tác giữa Quỹ Abbott, tổ chức hợp tác Y tế toàn cầu của Đại học Y khoa Boston, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai và Đại học Y dược Hà Nội. AFINS là chương trình đầu tiên tập hợp các tổ chức về dinh dưỡng hàng đầu cả trong nước lẫn quốc tế cùng cộng tác với nỗ lực tăng cường chất lượng dinh dưỡng lâm sàng trong bệnh viện tại Việt Nam. Với 3,8 triệu USD (tương đương 80 tỷ đồng) được hỗ trợ từ Quỹ Abbott, AFINS cùng các đối tác đã thực hiện chương trình một cách toàn diện, cùng phối hợp để tập trung giải quyết dứt điểm vấn đề tại những khu vực trọng yếu. Cho đến nay, AFINS đã thành lập trung tâm dinh dưỡng lâm sàng đầu tiên của Việt Nam, đào tạo hơn 1.200 chuyên viên chăm sóc dinh dưỡng, thành lập chương trình giáo dục về dinh dưỡng lâm sàng, tiến hành công trình nghiên cứu quy mô lớn đầu tiên về vấn đề dinh dưỡng tại bệnh viện, và tổ chức hội nghị quốc gia đầu tiên tại Việt Nam về dinh dưỡng lâm sàng.

Chúng tôi cũng đã hỗ trợ một số chương trình từ thiện khác như chương trình chữa bệnh hở hàm ếch ở trẻ em, đào tạo chuyên viên y tế khẩn cấp và chuyên viên hỗ trợ đời sống căn bản, cũng như cải thiện khả năng phát hiện bệnh và báo cáo về dịch cúm gia cầm. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã thực hiện cứu trợ thiên tai khẩn cấp ngay sau hai cơn bão Ketsana và Megi.

Việc hợp tác giữa Quỹ Abbott, AmeriCares và Hội Từ thiện Giao Điểm đã mang lại những kết quả khả quan nào, thưa bà?

Kết quả thu được là thật sự ấn tượng, và đối với tôi đây là một ví dụ điển hình về những điều to lớn có thể được thực hiện thông qua mối quan hệ hợp tác mạnh mẽ hiệu quả. Trong năm 2009, chương trình đã kéo giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng dưới mức 25%, cũng là mức Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc. Kể từ đó, chương trình đã liên tục giữ tỉ lệ ở mức bằng hoặc thấp hơn 20% - một thành tựu to lớn trong việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em. Số lượng trẻ em tham gia vào chương trình cũng đã tăng lên đáng kể, từ 300 trẻ tại 9 lớp học vào năm 2005 đến 6600 trẻ tại hơn 100 lớp học vào năm 2013. Sắp tới, chúng tôi tin rằng cùng nhau chúng ta có thể tiếp tục kéo giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp hơn nữa.

Các yếu tố dẫn đến thành công cho chương trình này là gì?

Trong rất nhiều yếu tố thành công, có hai điều mà tôi cảm thấy quan trọng nhất. Đầu tiên là việc hợp tác giữa Abbott cùng các đối tác. Thông qua việc hợp tác này, mỗi đối tác, Giao Điểm, AmeriCares, các trường học, cơ quan chính quyền, và cả các bậc cha mẹ trong cộng đồng đều đã thật sự hết lòng, dốc hết khả năng và nguồn lực của mình, làm việc cùng nhau để hướng đến một mục tiêu quan trọng nhất: cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em với ba mục tiêu chính: can thiệp dinh dưỡng, đào tạo giáo dục, và cải thiện cơ sở vật chất.

Yếu tố thứ hai chính là việc thực hiện chương trình một cách địa phương hóa. Dự án là một ví dụ cụ thể về tầm quan trọng của việc tìm kiếm một phương pháp tiếp cận mang tính bền vững tại địa phương và có thể được nhân rộng trong các cộng đồng khác. Bằng cách tập trung vào việc cung cấp các thực phẩm bổ dưỡng như sữa đậu nành được tăng cường dinh dưỡng từ đậu phộng; đào tạo giáo viên, đầu bếp và cả các bậc cha mẹ về sức khỏe dinh dưỡng và lối sống lành mạnh, cũng như nâng cấp cơ sở hạ tầng của các trường học địa phương, chúng tôi đã trao cho cộng đồng khả năng và kiến thức để cải thiện sức khỏe trẻ em một cách lâu dài. Thiết nghĩ, mô hình đã được chứng minh hiệu quả này cần được nhân rộng trong các cộng đồng khác.

Vậy trong những năm tiếp theo, việc hợp tác này sẽ được tiếp tục như thế nào, thưa bà?

Trên con đường tiếp tục hợp tác một cách bền vững, Abbott và Quỹ Abbott đã cam kết tài trợ 7,5 tỷ đồng (tương đương 360.000 USD) để hỗ trợ cho năm học sắp tới. Cam kết mới này nằm trong gói 58 tỷ đồng (tương đương 2,8 triệu USD) hỗ trợ tài chính và đóng góp sản phẩm mà Abbott và Quỹ Abbott đã cung cấp cho các chương trình dinh dưỡng trẻ em từ năm 2005. Cam kết mới này nâng tổng giá trị hỗ trợ tài chính và sản phẩm của quỹ Abbott cho tổ chức nhân đạo Giao Điểm lên 58 tỷ đồng (tương đương 2,8 triệu USD) cho các chương trình dinh dưỡng trẻ em từ năm 2005.

Nguyên Hà