Abbott nỗ lực giúp cộng đồng hiểu đúng về thiếu hụt dinh dưỡng

Có đến 40% người từ độ tuổi trung niên bị suy dinh dưỡng và 78% bệnh nhân nội trú ở Việt Nam đang trong tình trạng dinh dưỡng kém hoặc thiếu hụt dinh dưỡng.

Chuyên viên chăm sóc dinh dưỡng đang hỏi han, tư vấn cho bệnh nhân
Chuyên viên chăm sóc dinh dưỡng đang hỏi han, tư vấn cho bệnh nhân

Các số liệu trên cho thấy dinh dưỡng ở người trưởng thành, đặc biệt là người già và những người đang gặp vấn đề về sức khoẻ vẫn chưa được đánh giá và can thiệp đúng mức.

Trong những năm qua, với những cố gắng không ngừng của ngành y tế, Việt Nam đang thực hiện thành công các mục tiêu Thiên niên kỷ về sức khoẻ trẻ em. Trong đó, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân (cân nặng/tuổi) trên toàn quốc đã đạt mục tiêu trước thời hạn, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ dưới năm tuổi đã giảm mạnh từ 41% năm 1990 xuống còn 15,3% năm 2013, trong khi mục tiêu này cho năm 2015 là 20,5%.

Tuy nhiên, trẻ em chỉ là đối tượng ưu tiên trong phòng chống suy dinh dưỡng chứ không phải là đối tượng duy nhất chịu ảnh hưởng của thiếu hụt dinh dưỡng, vì vấn đề này có thể xảy ra ở bất kỳ ai và bất cứ đâu. Thông tin này được nhấn mạnh trong buổi họp báo “Thực trạng và hệ quả của việc Thiếu hụt dinh dưỡng” do Abbott Việt Nam tổ chức, nhằm giới thiệu nghiên cứu mới của feedM.E. về tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng, đồng thời đưa ra các khuyến nghị đã được kiểm chứng giúp ngăn chặn tình trạng này. Một sự thật đáng lo ngại được bác sỹ Nguyễn Hữu Toản - nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Chợ Rẫy công bố tại buổi họp báo: có đến 40% người từ độ tuổi trung niên bị suy dinh dưỡng tại Việt Nam và hầu như vấn đề này chưa được cộng đồng quan tâm đúng mức.

Nghiên cứu feedM.E được thực hiện bởi nhóm các chuyên gia dinh dưỡng toàn cầu với sự hỗ trợ từ Abbott đã công bố một số nghiên cứu cho thấy, có đến 60% bệnh nhân nhập viện không được xét nghiệm sàng lọc nguy cơ thiếu hụt dinh dưỡng. Bác sĩ Reddy, một trong những tác giả của nghiên cứu cho biết, “khi không được theo dõi và quan tâm đúng mức, thiếu hụt dinh dưỡng sẽ gây ra hệ quả khiến sức khoẻ bị phá huỷ - điều đó đồng nghĩa với nguy cơ nhiễm trùng cao, tăng chi phí điều trị và nguy cơ tử vong”.

Tại Việt Nam, theo ước tính, có đến 56-78% bệnh nhân nội trú có tình trạng dinh dưỡng kém hoặc suy dinh dưỡng, thuộc vào hàng cao nhất trên thế giới (so sánh với 39% ở Trung Quốc, 15-29% ở Singgapore, 50% ở Châu Mỹ La Tinh và 33-51% ở Mỹ). Suy dinh dưỡng trong quá trình điều trị dẫn đến những tác động tiêu cực đến hiệu quả và chi phí chăm sóc sức khoẻ. “Tuy nhiên, hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ chỉ tập trung vào điều trị mà có xu hướng bỏ qua khâu chăm sóc dinh dưỡng để tăng cường sức khoẻ”, bác sĩ Nguyễn Hữu Toản cho biết.

Các suất ăn dinh dưỡng
hợp lý dành cho từng đối tượng
Các suất ăn dinh dưỡng hợp lý dành cho từng đối tượng  bệnh nhân đang được Abbott triển khai thí điểm ở một số bệnh viện.

Các nghiên cứu cho thấy, điều trị dinh dưỡng tốt sẽ giúp giảm tỷ lệ viêm loét vết thương, giảm nguy cơ tử vong, giảm nguy cơ tái nhập viện trong vòng 30 ngày và giảm chi phí điều trị trong bệnh viện đến 21.6%. Trong khi chi phí y tế đang ngày càng tăng cao không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các quốc gia khác trên thế giới, thì việc chú trọng can thiệp dinh dưỡng trong điều trị sẽ giúp cả bệnh nhân và ngành y tế giảm thiểu áp lực về chi phí cho việc chăm sóc sức khoẻ.

Vấn đề đau đầu liên quan đến việc thiếu một công cụ sàng lọc nguy cơ suy dinh dưỡng cho bệnh nhân nhập viện đã được giải đáp thông qua nghiên cứu feedM.E. Nhóm nghiên cứu toàn cầu feedM.E với sự hỗ trợ của Abbott Nutrition đã cung cấp các công cụ giúp tối ưu hoá việc chẩn đoán và điều trị tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng tại các cơ sở y tế và bệnh viện, lộ trình chăm sóc dinh dưỡng và đưa ra các tiêu chí đơn giản để xác định liệu bệnh nhân có nguy cơ thiếu hụt dinh dưỡng. Nhờ đó, các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ có thể nhanh chóng đánh giá tình trạng dinh dưỡng của nhiều bệnh nhân hơn và triển khai phác đồ điều trị phù hợp.

Trong suốt 20 năm có mặt và hoạt động ở Việt Nam, Abbott đã và đang cộng tác với các nhà khoa học và các tổ chức y tế nhằm nâng cao nhận thức về các nguy cơ sức khỏe phổ biến và cách kiểm soát bệnh tật, đặc biệt là chăm sóc dinh dưỡng. Tính đến nay, cùng với các đối tác Việt Nam, Abbott đã có cơ hội tiếp cận và hỗ trợ cho hàng trăm nghìn người tiêu dùng, bệnh nhân và các chuyên gia y tế mỗi năm.

Từ năm 2010 với mục đích nâng cao hiểu biết và thực hành về dinh dưỡng lâm sàng, Dự án Viện khoa học dinh dưỡng trực thuộc Quỹ Abbott (gọi tắt là AFINS) đã được thành lập tại Việt Nam. Đến nay, dự án đã đào tạo về dinh dưỡng lâm sàng cho hơn 1.200 cán bộ chăm sóc dinh dưỡng cũng như đạt được những kết quả tốt về mặt nâng cao chất lượng dinh dưỡng cho các bệnh nhân nhập viện. Dự án cũng thành lập trung tâm dinh dưỡng lâm sàng đầu tiên của Việt Nam tại Bệnh viện Bạch Mai và đang mở rộng mô hình tiếp cận chăm sóc đối tượng bệnh nhi thông qua sự hợp tác với Bệnh viện Nhi Đồng 1.

Việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về thiếu hụt dinh dưỡng không chỉ là tập trung vào chăm sóc trẻ em để giảm thiểu tỷ lệ suy dinh dưỡng ở đối tượng này, hay điều trị hiệu quả giúp bệnh nhân bình phục nhanh hơn; mà chính là giúp cộng đồng hiểu đúng về thiếu hụt dinh dưỡng và xem dinh dưỡng là nền tảng cho một cuộc sống khoẻ mạnh và chất lượng hơn.

Minh Phúc