2015: Còn 65.000 người nghiện ma túy cần được điều trị bằng Methadone

Chính phủ đã đặt ra mục tiêu 80.000 người nghiện được điều trị bằng Methadone vào năm 2015, song đến nay mới có 14.785 người được tham gia chương trình do việc mở rộng chương trình đang gặp một số rào cản.

Con số này càng nhỏ so với con số hơn 170.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý hiện nay. Nhiều người nghiện đang mong mỏi được điều trị nhưng vẫn phải chờ đợi vì các cơ sở đều đang quá tải.

 

Chị Nguyễn Thanh T. (Lê Chân - Hải Phòng) chia sẻ: “Ở Hải Phòng có mấy cơ sở điều trị Methadone, nhiều người điều trị ở đây thấy kết quả tốt lắm, sức khỏe phục hồi, có người còn đi làm bình thường được. Tôi đã nộp hồ sơ nhưng chưa được xét duyệt vì các cơ sở đang quá tải, và còn nhiều trường hợp cần được ưu tiên hơn. Giờ tôi chỉ biết chờ có người ra khỏi chương trình để tôi được tham gia”.

 

Anh Vũ Trọng K. (Thái Bình) cũng cho biết: “Tôi bị nghiện 5 năm rồi, đã cai nghiện 2 lần nhưng không thành công. Một số bạn tôi ở Hải Phòng và Hà Nội đang được điều trị bằng Methadone thấy rất hiệu quả, tôi rất muốn tham gia nhưng hiện tại ở địa phương chưa có cơ sở nên chỉ biết chờ đợi”.

 

Việc mở rộng chương trình còn gặp nhiều khó khăn vì nhiều lí do. Trước hết, ngân sách cho điều trị nghiện hiện tại vẫn đổ nhiều vào các trung tâm cai nghiện tập trung nhưng hiệu quả mang lại không cao. Nguồn tài chính để vận hành các cơ sở Methadone phần lớn là tài trợ của các tổ chức quốc tế. Trong khi đó, từ năm 2013, các tổ chức này bắt đầu cắt giảm tài trợ và sẽ chấm dứt hoàn toàn vào sau năm 2015. Vì thế, nếu không có kế hoạch tài chính cụ thể, các cơ sở điều trị và rất nhiều bệnh nhân đang và chưa được điều trị sẽ không biết “đi đâu về đâu”.

 

Hơn nữa, thuốc sử dụng trong chương trình hiện nay hoàn toàn là thuốc được tài trợ. Chính phủ đã phê duyệt đề án “Sản xuất và sử dụng thuốc Methadone tại Việt Nam giai đoạn 2010 – 2015” và cho phép 5 công ty đủ điều kiện sản xuất Methadone. Tuy nhiên, theo kế hoạch, đến năm 2015, thuốc nội địa mới bắt đầu được đưa vào sử dụng, đồng nghĩa với việc vận hành và mở rộng các cơ sở từ nay đến thời điểm đó vẫn phụ thuộc vào nguồn thuốc tài trợ.

 

Điều trị bằng Methadone là phương pháp điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, được áp dụng lần đầu tiên ở Hải Phòng và Thành phố Hồ Chí Minh năm 2008.  Quá trình điều trị cho thấy đây là phương pháp hiệu quả cả và tiết kiệm chi phí. Cụ thể là 93% người bệnh tuân thủ phác đồ điều trị; không có người bệnh tử vong do điều trị quá liều hoặc do tác dụng phụ của thuốc. Không những thế, sau 24 tháng điều trị, tỷ lệ người bệnh tham gia điều trị sử dụng ma túy đã giảm chỉ còn 14%; tỷ lệ nhiễm HIV mới trong người bệnh được điều trị là 0,5%. Bên cạnh đó, chi phí mua Methadone trung bình chỉ khoảng 7.500 đồng/người/ngày (người nghiện chi 300.000 - 600.000 đồng/ngày tiền mua ma túy).

 

Để sớm hoàn thành mục tiêu 80.000 người nghiện được điều trị vào năm 2015, đáp ứng nhu cầu và giúp nhiều người nghiện làm lại cuộc đời, đồng thời góp phần giải quyết được nhiều bài toán kinh tế - xã hội quan trọng liên quan đến vấn đề nghiện, Chính phủ cần có các kế hoạch cụ thể cho duy trì và mở rộng chương trình, đặc biệt là kế hoạch phân bổ ngân sách.