1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

“Không chiến lược gia nào giỏi hơn Lý Quang Diệu”

Đó là những lời ca ngợi mà cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger dành cho ông Lý Quang Diệu, người đã đưa đảo quốc Singapore "tới nơi chưa từng đến".

Ngày 23/3, chính phủ Singapore thông báo cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu đã từ trần sau một thời gian lâm trọng bệnh, thọ 91 tuổi, và quốc đảo này sẽ tổ chức quốc tang trong 7 ngày để tưởng niệm vị cha đẻ của đất nước Singapore.

Mặc dù đã qua đời, nhưng ông Lý Quang Diệu sẽ luôn được nhớ đến như một trong những “chiến lược gia vĩ đại nhất” của châu Á, người đã biến hòn đảo thuộc địa đầy muỗi thành một trung tâm tài chính thịnh vượng với những con đường sạch bong, những tòa nhà chọc trời hoành tráng và một chính phủ trong sạch, ổn định.

Sinh năm 1923, ông Lý trở thành Thủ tướng vào năm 1959, khi Singapore vẫn còn là một hòn đảo tí hon thuộc lãnh thổ của Anh, không có tài nguyên thiên nhiên, và đang chìm trong những cuộc nổi loạn và bất ổn.
Lý Quang Diệu lúc mới nhậm chức Thủ tướng Singapore
Lý Quang Diệu lúc mới nhậm chức Thủ tướng Singapore 

Sinh ra trong một gia đình có gốc gác 4 đời từ Trung Quốc, từ nhỏ Lý Quang Diệu đã bộc lộ được tố chất thông minh trên ghế nhà trường, và sau đó theo học luật tại Đại học Fitzwilliam ở Cambridge.

Sau khi trải qua thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng Singapore trong Thế Chiến II, ông Lý đã quyết định tham gia chính trường, vì ông “hiểu rõ ý nghĩa của quyền lực” trong việc quyết định số phận của con người hay cả một dân tộc.

Năm 1959, thành phố Singapore do ông Lý đứng đầu vẫn đang trong quá trình hồi phục sau chiến tranh và khác xa một trời một vực so với Singapore ngày nay. Lúc đó, với tư cách là Thủ tướng, ông Lý đã tập trung vào thu hút đầu tư, tạo công ăn việc làm, xây dựng một thị trường ngách trong lĩnh vực chế tạo thiết bị điện tử nhằm biến Singapore thành một Hong Kong thứ hai.

Năm 1965, ông đã quyết tâm tách Singapore ra khỏi Malaysia và gây dựng một đất nước độc lập, một “ốc đảo theo tiêu chuẩn thế giới thứ nhất trong tình cảnh của một nước thuộc thế giới thứ ba”.
 
Lý Quang Diệu lúc mới nhậm chức Thủ tướng Singapore

Những người ủng hộ tung hô ông Lý Quang Diệu sau khi đảng của ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào năm 1963 

Tư duy chiến lược của ông Lý Quang Diệu đã có sức ảnh hưởng mạnh mẽ trên trường quốc tế. Rất nhiều quốc gia trên thế giới đã học theo nguyên tắc xây dựng chính phủ trong sạch và hiệu quả cùng các chính sách kinh tế thân thiện với doanh nghiệp, đề cao trật tự xã hội của ông.

Trong một cuộc gặp với ông Lý tại Nhà Trắng vào năm 2009, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ca ngợi ông là “một trong những huyền thoại của châu Á trong thế kỷ 20 và 21”, và là người “đã góp phần tạo nên sự thần kỳ của kinh tế châu Á”.

Tuy nhiên, ông Lý cũng là một nhân vật gây nhiều tranh cãi và không ít người đã chỉ trích ông vì các chính sách hạn chế các quyền tự do ngôn luận và chính trị.

Trong khi xây dựng một nền kinh tế thịnh vượng, phát triển mạnh mẽ, ông cũng đồng thời tạo ra một Singapore nơi những điều luật và quy định khắt khe gần như chi phối mọi khía cạnh của đời sống xã hội, thậm chí cả việc bán kẹo cao su ở Singapore cũng có những quy định riêng.

Ông Lý Quang Diệu cũng là nhân vật gây tranh cãi về các chính sách của mình
Ông Lý Quang Diệu cũng là nhân vật gây tranh cãi về các chính sách của mình 

Trong một cuộc phỏng vấn với CNN vào năm 2008, ông Lý tuyên bố: “Tôi muốn trật tự xã hội và ổn định trong đất nước. Tôi không hề tuân theo bất cứ hình mẫu của nhà lý luận nào về dân chủ”.

Chính vì điều đó, rất nhiều người dân Singapore, những người đã chứng kiến thời kỳ đất nước chìm trong đói nghèo, bạo lực, đều ngưỡng mộ và tự hào về ông. Thế nhưng những thế hệ trẻ hơn không phải trải qua thời kỳ khó khăn đó, lại bắt đầu đặt câu hỏi về sự kiểm soát của gia tộc họ Lý đối với nền chính trị Singapore.

Chính vì lẽ đó, vào năm 2011, Đảng Hành động Nhân dân của ông Lý đã mất 6 ghế về phe đối lập, và ông Lý Quang Diệu trở thành nguyên thủ đầu tiên ở châu Á tự nguyện từ chức.

Trong lá thư gửi quốc hội, ông giải thích rằng ông “quyết định rời khỏi Nội các và để một đội ngũ các bộ trưởng trẻ hơn tham gia cùng thế hệ trẻ định hình nên tương lai của Singapore”.
Một phụ nữ Singapore khóc nức nở khi nghe tin ông Lý Quang Diệu từ trần
Một phụ nữ Singapore khóc nức nở khi nghe tin ông Lý Quang Diệu từ trần 

Dù đã rời ghế Thủ tướng và nhường lại cho con trai là Lý Hiển Long, song ông Lý Quang Diệu vẫn là một nhân vật rất có uy tín ở Singapore, và vào năm 2010, tạp chí Time đã bình chọn ông là một trong 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới.

Trong một bài báo viết về ông Lý, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đã ca ngợi: “Dấu hiệu của một nhà lãnh đạo vĩ đại là đưa xã hội tới được nơi mà nó chưa từng đến. Trên thế giới ngày nay không còn chiến lược gia nào giỏi hơn thế”.

Trong những năm tháng cuối đời, ông Lý Quang Diệu đã gặp nhiều vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe. Năm 2010, ông phải nhập viện vì bị viêm ngực, và đầu năm 2013, ông tiếp tục phải điều trị ở bệnh viện với các triệu chứng của đột quỵ.

Đến ngày 5/2 vừa qua, ông được đưa vào khoa chăm sóc tích cực tại Bệnh viện Đa khoa Singapore để điều trị chứng viêm phổi, và sau 6 tuần phải thở máy, ông đã trút hơi thở cuối cùng và “ra đi thanh thản”.
Theo Trí Dũng/AFP...
Dân Việt