1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Điểm mới trong quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ

(Dân trí) - Giới chuyên gia cho rằng, chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Abe hồi cuối tháng 4 cũng là thông điệp của chính quyền Mỹ gửi đi rằng nước này vẫn đang có mối quan hệ chặt chẽ với các đồng minh tại đây và đang hướng về châu Á.

Hồi cuối tháng 4, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có chuyến công du 7 ngày tới Mỹ nhằm “sốc lại” mối quan hệ đồng minh truyền thống giữa hai quốc gia. Tại Washington, ông Abe đã có bài phát biểu quan trọng trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ, khẳng định vai trò của hai nước đối với hòa bình ổn định của khu vực và thế giới. Đồng thời bày tỏ sự “hối tiếc sâu sắc” về những hành động của Nhật Bản đối với các nước láng giềng châu Á trong Thế chiến II.

Cam kết bảo vệ an ninh biển

Lãnh đạo Mỹ-Nhật hội đàm tại Washington hồi tháng 4/2015 (Ảnh:

Lãnh đạo Mỹ-Nhật hội đàm tại Washington hồi tháng 4/2015 (Ảnh: AP)

Trong diễn văn đọc tại lưỡng viện Quốc hội Mỹ hôm 29/4, Thủ tướng Abe đã bày tỏ lập trường của Tokyo về các tranh chấp lãnh hải, lãnh thổ ở châu Á. Ông kêu gọi các nước triệt để tôn trọng những nguyên tắc đàm phán hòa bình, đồng thời cho rằng không quốc gia nào được phép “sử dụng vũ lực hay ép buộc hòng hiện thực những tuyên bố chủ quyền”.

Đây cũng là tuyên bố nhận được sự hoan nghênh lớn. mỗi thỏa thuận của nguyên thủ hai quốc gia đạt được hay tồn đọng ở mức nào đều có ảnh hưởng ít nhiều đến các nước liên quan và toàn bộ khu vực. Dư luận đang chờ đợi hai nước sẽ có những bước đi cụ thể để đối phó với những điểm nóng trên thế giới, trong đó có vấn đề Biển Đông và Hoa Đông.

Trước đó, để chuẩn bị cho cuộc hội đàm giữa nguyên thủ hai nước trong chuyến thăm Mỹ của ông Abe lần này, chính phủ Nhật Bản và Mỹ đã thống nhất về những nội dung mới trong chính sách hợp tác quốc phòng giữa hai nước và đã được quyết định vào ngày cuối cùng của chuyến thăm.

Chính sách an ninh Nhật - Mỹ mới được thông qua thể hiện tính thống nhất giữa chính phủ của ông Abe và các đảng đối lập trong vấn đề an ninh Biển. Theo đó, Nhật - Mỹ sẽ cùng nhau đối phó với những tình huống khẩn cấp, trước hết là hành động xâm phạm đối với khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và hành động tăng cường quân sự ở khu vực tại các đảo Tây Nam Nhật Bản.

Tham gia hoạt động tuần tra chung tại khu vực mà hai nước vừa thỏa thuận  cũng là điểm mới so với chính sách an ninh trước đây chỉ đề cập đến việc hai nước sẽ điều chỉnh kế hoạch tác chiến trong trường hợp có tình huống khẩn cấp.

Trong nội dung mới của chính sách an ninh Nhật - Mỹ lần này đã chỉ ra rằng hợp tác Nhật - Mỹ sẽ được tăng cường ở mức cao nhất khi tình hình căng thẳng mang tính quân sự giữa ASEAN và Trung Quốc ở mức báo động.

Trong trường hợp lợi ích và sinh mệnh của người dân Nhật Bản có nguy cơ bị đe dọa, thì quân đội Nhật Bản sẽ cùng quân đội Mỹ tiến hành đối phó với nguy cơ đó dựa trên nguyên tắc “quyền phòng vệ tập thể”.

Việc hai nước Nhật - Mỹ đạt được thỏa thuận nói trên có thể sẽ gây phản ứng cho một số nước, song đó cũng là điều cần thiết khi có những hành vi đơn phương, bất chấp Luật pháp quốc tế gây tổn hại tới an ninh khu vực và thế giới.

Một quan chức cấp cao của quân đội Philippines cho biết Manila sẽ hoan nghênh bất cứ nỗ lực của Tokyo muốn mở rộng các hoạt động hàng hải của mình trong khu vực tranh chấp ở Biển Đông, đặc biệt là trong việc hỗ trợ cho quân đội Mỹ.

Tuy nhiên, cả Ngoại Trưởng Fumio Kishida và Bộ Trưởng Quốc Phòng Gen Nakatani đã nhiều lần tránh né những câu hỏi của các phóng viên về khả năng sẽ có những cuộc tuần tra hỗn hợp của hải quân  Mỹ - Nhật trên các hải lộ Tây Thái Bình Dương.

Chia sẻ trách nhiệm khu vực và thế giới

Các quan chức Mỹ đánh giá, chuyến thăm Mỹ lần này của ông Abe là chuyến thăm lịch sử, báo hiệu một giai đoạn mới trong mối quan hệ liên minh xuyên Thái Bình Dương, cùng nhau đối mặt với thách thức gia tăng trong khu vực và toàn cầu.

Meredith Miller chuyên gia của Cơ quan nghiên cứu vấn đề châu Á cho biết: “Đây là bước đi thật sự để biến những lời nói thành hành động rằng Mỹ và Nhật Bản đều có chung những cam kết về thách thức an ninh”.

Tổng thống Obama đã từng khẳng định cam kết của Mỹ theo Hiệp ước An ninh Nhật - Mỹ  ký kết năm 1951. Tuy nhiên, việc Mỹ cắt giảm ngân sách quốc phòng, cũng như những khó khăn của nền kinh tế Mỹ khiến cho phía Nhật Bản quan ngại về những tuyên bố cam kết “tái cân bằng” và khả năng triển khai thực tế tại châu Á.

Trong chuyến thăm Mỹ, Thủ tướng Nhật Bản muốn có sự bảo đảm rằng, Mỹ sẽ giúp đỡ Nhật Bản nếu có xung đột xảy ra với các nước trong khu vực. Thủ tướng Abe cũng đưa ra một thông điệp rằng, Nhật Bản sẵn sàng đón nhận vai trò lớn hơn về an ninh trên trường quốc tế, đặc biệt là khi tình hình thế giới đã thay đổi.

Giới chuyên gia cho rằng, chuyến thăm của Thủ tướng Abe cũng là thông điệp của chính quyền Mỹ gửi đi rằng nước này vẫn đang có mối quan hệ chặt chẽ với các đồng minh tại đây và đang hướng về châu Á.

Trên thực tế Nhật Bản đã có những động thái tích cực tạo hành lang pháp lý để nước này có thể chia sẻ trách nhiệm với đồng minh Mỹ tại khu vực và thế giới như:

Cho phép Nhật Bản xuất khẩu vũ khí và công nghệ quân sự; chuyển Cục Phòng vệ thành Bộ Quốc phòng; thành lập “Hội đồng an ninh quốc gia”; quân đội được thực hiện quyền phòng vệ tập thể với Mỹ và các nước khác trong khu vực; và chủ động can dự vào các vấn đề tranh chấp tại biển Hoa Đông và Biển Đông.

Theo giới phân tích, Nhật Bản thực sự muốn chia sẻ trách nhiệm với Mỹ và đóng mt vai trò quốc tế quan trọng hơn vào lúc một số quốc gia gia tăng sức mạnh quân sự và đe dọa hạt nhân. Vì thế, trọng tâm chuyến thăm Washington của Thủ Tướng Abe là để tăng cường hợp tác quân sự trên phạm vi toàn cầu giữa hai quốc gia, bao gồm cả việc xây dựng Hệ thống NMD, tấn công trên mạng và bảo đảm an ninh hàng hải.

Tuy nhiên, theo lời của Tổng Thống Obama, thì các hải đảo của Nhật thuộc phạm vi của hiệp ước an ninh song phương và Mỹ có nhiệm vụ bảo vệ, nhưng Mỹ cũng không muốn bị lôi kéo vào một cuộc xung đột giữa Nhật Bản Trung Quốc.

Như vậy, sau chuyến công du này của Thủ tướng Nhật Bản đến Washington thì quan hệ đồng minh truyền thống Nhật - Mỹ đã có bước tiến mang tính “đột phá”, tạo vị thế và ảnh hưởng lớn hơn của mỗi nước trong việc tìm kiếm một cấu trúc an ninh khu vực CA-TBD, theo hướng “vừa tôn trọng sự trỗi dậy hòa bình, vừa ngăn chặn tham vọng bá quyền khu vực”.

Dư luận quốc tế hiện vẫn còn những đánh gía khác nhau về kết quả chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Abe tới Mỹ. Tuy nhiên, việc thể hiện vai trò trách nhiệm, sự đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, thịnh vượng trong khu vực và toàn cầu của hai quốc gia hàng đầu thế giới này vẫn còn đang ở phía trước.

Nguyễn Nhâm

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm