Góc tâm hồn

Yêu thương không lấy đi sức mạnh

Gần về sáng. Gió mang hơi lạnh từ những cơn mưa bất chợt về thổi đầy phòng. Đôi khi cô lơ đãng thức dậy trong tiếng nhạc thiền của mẹ, tưởng như mình đang ở một chốn mù sương lạnh giá.

 
Yêu thương không lấy đi sức mạnh - 1


Sau mỗi bài thiền là bản kinh Tây Tạng lặp lại duy nhất câu “umanipadihum” réo rắt. Tiếng kèn, tiếng chũm âm âm của vùng không khí loãng làm cô tìm lại được cái êm ả xa xăm của những buổi sáng yên bình.

 

Linh tính của đàn bà buổi sáng làm cô thấy chồng dường như hơi chững lại… hơi xa cách. Đôi khi cô chui sâu vào trong tay anh tìm ít hơi ấm buổi sáng và hỏi những câu nhẹ khẽ như thở: “Anh làm sao thế? Anh kể em nghe đi? Mọi chuyện vẫn ổn chứ?”. Tay cô lướt từ ngực anh lên môi, gõ nhịp vừa thì thầm khe khẽ, nói là cô yêu anh… Thường anh trả lời là anh vẫn ổn.

 

Sáng nay sau mấy hôm, cô chợt hỏi thẳng: “Anh nghỉ làm rồi à?”. Và anh gật đầu một cái rất nhẹ. Cô dậy, đi lại trong phòng, vuốt tay lên thành cái cũi nhỏ, trong đầu ngân nga một khúc nào đó và trả lời: “Cũng tốt!”.

 

Chuyện nghỉ làm của chồng cũng thường, đôi khi thấy quen với việc chồng về nhà buông cái cặp cùng một câu “anh nghỉ rồi, công ty càng ngày càng tệ!”. Cô không nói gì, cả tuần sau bê trễ việc công ty để ngồi bới các trang tìm việc, nộp hồ sơ hộ chồng. Lần này không thấy anh buông cái cặp như mọi bận, chỉ an ủi: “Em yên tâm!”.

 

Cô không màng đến chuyện lên Vietnamworks nữa. Ít khi thấy băn khoăn chồng đang làm gì ở đâu, rồi sinh nở xong cuộc sống thế nào… Dường như nỗi lo lắng đã ở đâu xa lắm, như cuộc đời tất bật cô đã bỏ lại sau lưng.

 

Chồng vẫn đều đặn thức dậy lúc 7 giờ 30 sáng. Anh đèo cô đi làm và dành cả ngày ở đâu đó trên phố giải quyết các công việc bị tồn đọng. Ví như việc làm đăng ký kết hôn với vợ, người sắp sinh cho anh đứa con đầu lòng; ví như việc tân trang chiếc xe cổ bụi mù để bán gỡ vốn. Ví như nộp thêm dăm ba hồ sơ.

 

Mẹ cô hoàn toàn không cảm thấy cuộc sống xáo trộn, bà vẫn yên tâm ngồi thiền… rang cám gạo trộn mật ong làm cho bột cám vàng vàng bay phủ khắp nhà như tiệm xay xát gạo ở quê. Buổi chiều khi cô đi làm về, mẹ ngồi trên đệm, vỗ vỗ tay vào khoảng trống bên cạnh ý bảo “ngồi đây với mẹ”, thế là cô ngồi kể cho bà đủ chuyện văn phòng và đứa trẻ. Bà kể cho cô nghe chuyện chợ búa. Chuyện cô gái già bị tiểu đường cùng lớp học thiền xơ như mõ, một thân một mình sống giữa đại gia đình mà bị hắt hủi ăn riêng. Đôi khi còn bị người thân đi ra đi vào cho cái bạt tai hay ăn cái đá đít… mớ rau muống luộc tối ăn cái sáng ăn nước. Hôm nay bà mua cho cô gái già một túi rau to.

 

Kề cà xong, ăn tối xong, trong khi chồng bê bát đi rửa, mẹ nghỉ ngơi uống thuốc thì cô rút vào phòng riêng. Trong phòng riêng cô ngồi duỗi chân gõ lô tô lên cái bụng căng tròn và nói chuyện với đứa bé hơn bảy tháng tuổi trong bụng mẹ.

 

Cô đã thôi không còn tất bật lo lắng cho cuộc sống của những người thân yêu của mình nhiều như trước nữa. Mọi người dần dà tự tìm cho mình một nhịp sống riêng, tự lo lắng và sắp xếp cuộc sống cho hoà nhịp vào nhịp sinh học mới của cô. Đã lâu rồi cô không còn lén kiểm tra ví của chồng và bỏ thêm tiền vào nếu ví của anh đã rỗng. Đã lâu rồi cô không đôn đáo thúc ép mẹ điều trị ung thư theo khoa học mà để bà vui sống với cám rang, thiền và các loại thuốc “truyền khẩu”. Đợt kiểm tra mới nhất, bà vẫn chưa có dấu hiệu di căn. Mừng!

 

Cô đã từng nghĩ, sống cho những người mình thương yêu là một điều tất nhiên… nhưng hoá ra cùng lúc cô đã lấy đi một phần sức mạnh của họ. Sức mạnh mà đáng nhẽ họ có thể sẻ chia ngược lại để gánh đỡ bớt phần sức ép trong cuộc sống vốn có quá nhiều mối lo lắng của cô.

 

Đôi khi phụ nữ luẩn quẩn trong vòng yêu thương và hy sinh… và cái vòng luẩn quẩn ấy lại đang bắt đầu trỗi dậy mỗi khi cô cúi xuống ngắm nhìn đứa trẻ đang lớn lên trong bụng của mình

 

Tháng 8.2010

 

Theo SGTT