Yêu như… đi tù

Nhiều người cho rằng, bản chất của tình yêu là chiếm hữu, là không chia sẻ, là duy nhất. Nhưng ai từng yêu và được yêu như thế lại không thể cảm nhận được trọn vẹn hạnh phúc, bởi sự chiếm hữu đã giam hãm tình yêu trong ngục tù ích kỷ, độc đoán, ghen tuông.

 
Yêu như… đi tù - 1


Khi yêu, người ta khao khát được thuộc về nhau hoàn toàn, nhưng điều đó không có nghĩa là phải ở bên nhau mọi lúc mọi nơi, phải tự nguyện làm theo mọi yêu cầu, sở thích của người mình yêu. Yêu là phải tôn trọng, sẻ chia.

 

Học cùng khoa, Thanh Ngọc rất vui khi được Dũng đề nghị đưa đón đi học hàng ngày. Khi thành vợ chồng, Dũng cũng không cho vợ tự đi làm bằng xe gắn máy vì “tay chân yếu, lỡ có chuyện gì”. Có tối phải tiếp khách, Dũng cũng đến rước vợ về nhà rồi mới đi. Ai cũng khen Thanh Ngọc tốt phước, được chồng cưng như bà hoàng. Ngọc cũng hãnh diện vì hạnh phúc của mình.

 

Rồi Dũng được thăng chức cùng lúc Ngọc sinh đứa con thứ hai. Để chồng rảnh rang lo sự nghiệp, Ngọc đề nghị mua xe máy để tự đi làm. Sau nhiều lần vợ chồng tranh cãi và cả bạn bè góp ý, Dũng mới đồng ý mua xe cho vợ. Nhưng cũng từ đó, sóng gió bắt đầu nổi lên trong ngôi nhà đang êm đềm, hạnh phúc.

 

Mỗi ngày, không dưới 20 lần, Dũng gọi điện hỏi Ngọc đang làm gì, ở đâu, với ai. Anh còn tính toán cả số lượng xăng mà Ngọc cần để đi - về, tuần nào xăng hao hụt nhiều hơn dự tính là Ngọc phải chịu sự căn vặn của chồng. Tệ hơn, Dũng còn kiểm tra giỏ xách, máy tính của vợ để tìm “đối tượng khả nghi”. Hóa đơn điện thoại của Ngọc được Dũng “soi” kỹ, số nào Ngọc gọi nhiều, “khổ chủ” sẽ nhận được những cuộc gọi cật vấn với giọng đầy nghi ngờ hăm dọa của Dũng.

 

Ngộp thở với sự kiềm tỏa của chồng, Ngọc đòi ly hôn. Dũng khóc lóc, nài nỉ vợ bỏ qua cho hành động của mình, biện minh là mình làm vậy “chỉ vì anh quá yêu em”.  Vì con, Ngọc bỏ qua. Nhưng, “bổn cũ soạn lại”, Dũng ngày càng kiểm soát vợ chặt hơn, chỉ cần chuông điện thoại reo, Ngọc chưa kịp bốc máy là Dũng đã chộp lấy “alô” và “vợ tôi đang bận, không tiếp được” rồi cúp máy cái rụp.

 

Sự ghen tuông mù quáng đã biến Dũng thành kẻ hoang tưởng. Bất cứ người đàn ông nào có quan hệ công việc với Ngọc đều bị Dũng xếp vào loại đang có ý đồ tòm tem với vợ mình. Hôn nhân thực sự biến thành địa ngục khi Dũng tuyên bố: “Từ nay cô ở nhà, không đi làm nữa, tôi sẽ lo tất cả” và anh bán luôn chiếc xe máy, không cần hỏi ý vợ. Giọt nước tràn ly, nhưng khi ra tòa, Dũng vẫn chưa tỉnh ngộ, cứ khăng khăng với vị thẩm phán: “Mua xe cho cô ấy là tôi mất luôn vợ”.

 

Tin tình yêu có thể thay đổi mọi thứ. Lan Hương lên kế hoạch biến Mạnh thành người chồng như cô mong muốn. Ăn món gì, mặc màu nào, nói năng ra sao, đi đứng kiểu gì... Hương “huấn luyện” chồng thật tỉ mỉ, cố biến đổi Mạnh từ một anh chàng nhà quê thành người đàn ông lịch lãm.

 

Ban đầu Mạnh cũng nhiệt tình hưởng ứng để chiều lòng vợ, nhưng dần dà anh cảm thấy mình như con thú trong tay người huấn luyện xiếc. Vốn khoáng đạt, Mạnh không chịu nổi việc nhất nhất phải nghe lời vợ khi làm điều này chuyện kia. Mạnh trao đổi lại với Hương, cô khóc lóc ầm ĩ, trách Mạnh không cảm nhận được tình yêu cô dành cho chồng.

 

Hương lập luận: “Có yêu anh nhiều, em mới khổ công giúp anh không thua bạn kém bè. Anh giỏi giang mẹ con em cũng nở mày nở mặt. Không cảm ơn anh lại còn trách móc, giận hờn. Chắc số em không ra gì mới bị chồng phụ”. Giải thích mãi là mình rất yêu vợ, nhưng mình không phải là vật sở hữu để vợ nhào nặn thế nào thì nhào nặn mà vợ không nghe, Mạnh khổ sở nhận ra vợ mình quá cố chấp. Nếu yêu chồng, Hương phải yêu cả nết tốt lẫn xấu của anh. “Chiến tranh lạnh” giữa họ kéo dài khiến Mạnh không chịu nổi. Anh bỏ về nhà người chị ruột, để lại cho vợ lời nhắn: “Hãy giúp anh trở thành người anh muốn, chứ không phải là người em mong muốn”.

 

Nhà văn, triết gia người Mỹ gốc Lebanon Kahlil Gibran, tác giả của kiệt tác “Uyên ương gãy cánh” đã rất thâm thúy khi viết: “Hãy đến bên em, nhưng đừng nên giữ chặt. Những cái cột trong đền có bao giờ đứng sát vào nhau và những cây tùng, cây bách cũng chẳng thể lớn nổi nếu chúng chen chúc mọc đè lên nhau”.

 

Tình yêu đòi hỏi cho và nhận, bảo vệ và gìn giữ chứ không chấp nhận sự chiếm đoạt, sở hữu. Ích kỷ, độc đoán, ghen tuông là “triệu chứng” của sự chiếm hữu, là virus ngấm ngầm hủy hoại tình yêu, biến tình yêu thành sự chịu đựng, ngục tù.

 

Theo Tố Hạnh

PNO