Yêu lắm... “cắn” nhiều

Cằn nhằn cũng là cách người phụ nữ thu hút sự chú ý của người chồng?

 
Yêu lắm... “cắn” nhiều - 1


Tôi lập gia đình được 13 năm, sinh con có nếp, có tẻ. Tôi làm địa chính xã, còn vợ làm giáo viên cấp II. Bố mẹ cho mảnh đất nên hai vợ chồng dựng được một căn nhà nhỏ. Tôi chẳng mong gì hơn là kiếm tiền đủ sinh hoạt và nuôi hai con ăn học.

 

Nhưng có nỗi phiền muộn là suốt 10 năm nay, lúc nào vợ tôi cũng như cái đài bị hỏng nút tắt. Mở mắt ra là cô ấy hò hét con trai, con gái dậy đi học, cằn nhằn các con lười biếng, học hành chểnh mảng. Cô ấy vừa la, vừa làm đồ ăn sáng cho cả nhà, thi thoảng mắng quẹo sang tôi, yêu cầu tôi thay cái áo khác cho tươm tất.

 

Tối về, cô ấy lại tiếp tục điệp khúc, rên rẩm từ cân thịt đắt đỏ ngoài chợ đến nhà cửa bừa bộn. Dọn mâm tối lên lại càu nhàu chồng con chậm trễ. Tôi có nói chuyện bảo cô ấy đừng làm chồng con chán ngán thì cô ấy lại vận dụng trình độ của cô giáo dạy văn, bảo: “Các cụ chẳng bảo: “Yêu nhau lắm cắn nhau đau” là gì. Đấy là em còn quan tâm đến gia đình này nên mới nhọc công như vậy”. Liệu đấy có phải là cách yêu “bạo lực” của phụ nữ không? (Trần Hùng Văn, Huyện Diễn Châu, Nghệ An)

 

Trả lời:
 
Đàn ông luôn thắc mắc tại sao phụ nữ nói nhiều và nói những chuyện vụn vặt, vớ vẩn. Đó chẳng phải vì phụ nữ thường phải quan tâm mật thiết tới chuyện mớ rau con cá, chuyện dạy dỗ con hay sao? Càng quan tâm, càng “cọ xát” nhiều thì mâu thuẫn, mệt mỏi cũng từ đó mà phát sinh.

 

Hơn nữa, cằn nhằn cũng là cách người phụ nữ thu hút sự chú ý của người chồng. Chị em không yêu cầu chồng phải lao bổ ngay vào dọn dẹp và chia sẻ việc nhà với họ mà mong muốn các anh chú ý đến mình hơn và đến sự mệt mỏi, buồn rầu suốt một thời gian dài của họ.

 

Trong bức tranh mà anh “vẽ” về gia đình, vợ anh giữ vai trò xuyên suốt và bao quát. Cô ấy lo lắng toàn bộ việc nhà, chăm sóc chồng con từ sáng sớm đến đêm khuya. Anh giống như “khách bộ hành” ghé chơi, ngắm nghía và bình phẩm. Khó có người phụ nữ nào đơn độc cáng đáng công việc nặng nề như vậy suốt 13 năm mà lại không thấy bực bội và mệt mỏi.

 

Vì thế, việc anh “nói chuyện” không thể thay đổi được “điệp khúc” của cô ấy, thậm chí, vợ anh còn thấy bực hơn vì anh chỉ nhìn thấy sự “cằn nhằn và quá đáng” mà không hiểu nỗi khó nhọc, vất vả vì gia đình của cô ấy. Muốn “tắt đài”, anh hãy làm một việc gì cụ thể khiến cô ấy cảm động.

 

Ví dụ như dậy sớm để chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà thay vì ngồi chờ vợ. Một ngày anh về sớm, cùng các con dọn dẹp và đề nghị “mẫu hậu” ngồi ở vị trí mà anh vẫn hay ngồi và chờ cơm. Có thể là tặng mảnh vải để cô ấy may chiếc áo mới và đi khoe với đồng nghiệp…

 

Phụ nữ, đôi khi chỉ cần có thế, để yêu nhiều hơn mà không “cắn”.

 

Theo Dân Việt