Xinh đẹp, giỏi giang tôi vẫn "toát mồ hôi" khi làm dâu phố cổ

Về làm dâu phố cổ, tôi phải trải qua những màn thử thách đến toát mồ hôi của gia đình nhà chồng.

Tôi từng có thời gian du học, sinh sống bên ngước ngoài nhiều năm nên tư tưởng khá hiện đại. Trở về nước làm việc, tôi dễ dàng tìm được công hợp phù hợp với năng lực của mình.

Thu nhập khá, xinh đẹp, được nhiều người để ý tuy nhiên tôi chỉ thích hẹn hò với những anh chàng tây. Trong suy nghĩ, tôi vẫn sợ sự gia trưởng của đàn ông Việt Nam.

Nhất là khi nghe bạn bè hay than thở chuyện chồng con, về trách nhiệm làm dâu, làm vợ, tôi càng chán ngán, không cho các đồng nghiệp nam có cơ hội bày tỏ tình cảm với mình.

Thế nhưng nhân duyên đưa đẩy, cuối cùng tôi lại về làm dâu một gia đình người Việt truyền thống, sống lâu đời ở khu phố cổ Hà Nội.

Ảnh: VietNamNet.
Ảnh: VietNamNet.

Hai vợ chồng tôi gặp nhau lần đầu khi tôi sang Trung Quốc công tác, còn anh làm nghiên cứu sinh.

Anh am hiểu văn hóa, lối sống bên đó không khác gì dân bản địa. Nhờ anh giúp đỡ nên công việc của tôi hoàn thành khá trôi chảy. Chuyến đi thành công ngoài sức tưởng tượng của tôi, mang về khoản hợp đồng xuất khẩu béo bở cho công ty.

Sau hôm đó, tôi và anh vẫn giữ liên lạc, trò chuyện. Anh dần dần khiến tôi gạt bỏ định kiến về đàn ông Việt Nam. Thông minh, hài hước và cực tâm lý là những tính cách ở anh khiến trái tim tôi xao động.

Một năm sau, chúng tôi tổ chức đám cưới trong sự hân hoan của cả hai gia đình. Trước đó, tôi dành thời gian tìm hiểu phong tục, nếp sống nhà anh cho khỏi bỡ ngỡ. Vì tôi vẫn thường nghe nói người Hà Nội gốc, đặc biệt là sống ở phố cổ như gia đình anh sống rất nề nếp, gia phong.

Với cô gái sinh ra ở tỉnh lẻ, không giỏi bếp núc, cư xử phóng khoáng như tôi, về làm dâu gia đình anh quả thực là gánh nặng tâm lý rất lớn.

Mặc dù đã chuẩn bị sẵn tâm lý nhưng tôi đã gặp phải cú sốc về văn hóa rất lớn khi về làm dâu phố cổ. Tôi liên tiếp phải trải qua những màn thử thách “mướt mồ hôi” của mẹ và các bác dâu nhà chồng.

Ngày giỗ đầu tiên, các bác dâu ưu ái phân công tôi nhiệm vụ bày cỗ. Được giao nhiệm vụ nhẹ nhàng, tôi đỡ căng thẳng, hăng hái đi lấy mâm bát bày biện, cố gắng ghi điểm trong mắt mọi người.

Nhưng hỡi ôi, lần đó sự cố xảy ra khiến tôi chỉ muốn độn thổ. Quê tôi bày biện mâm lễ rất đơn giản. Đồ ăn cho vào bát đĩa loại to, để lên ban thờ.

Theo thói quen, tôi cũng làm vậy, hăm hở bê đồ lên phòng thờ. Bất ngờ, thím chồng nhìn thấy kêu thất thanh, bắt tôi bắt mang mâm lễ xuống bày lại.

Thím dặn đồ ăn phải đặt trong bát đĩa loại nhỏ, xinh xinh, món xào bày ra sao, tỉa hoa trang trí thế nào…

Tôi chưa chặt thịt gà bao giờ, lóng ngóng, để cả con gà gần như nát tươm. Thím chồng lại được dịp kêu toáng lên, bảo “đĩa gà cúng sao chặt xấu thế này?”.

May mắn chồng tôi tâm lý, chuyển đồ xuống bếp, tỉ mỉ hướng dẫn tôi cách sắp đặt món ăn sao cho ngon mắt, đầy đặn. Anh còn chạy ra chợ gần đó, mua con gà mới luộc sẵn mang về thay. Lần khác, tôi rút kinh nghiệm, chỉ quanh quẩn làm việc vặt, ngồi thái hành, gói nem và gọt rau củ quả.

Tôi đang gói nem, mẹ chồng tôi xuống bếp, chắc có ý “kiểm tra” tay nghề con dâu. Thấy tôi gói nem to bằng quả chuối hột, bà kêu tôi gói lại, kẻo các bác mắng. Mẹ chồng tôi nói, người Hà Nội ăn lấy ngon, để nhớ mãi chứ không ăn lấy no căng bụng.

Bởi vậy bà chỉ gói nem nhỏ, vừa vặn bằng ngón tay cái, bày đẹp mắt mà khi ăn, đưa lên miệng cũng thanh lịch, nhẹ nhàng.

Không chỉ món nem mà các món ăn khác, mẹ chồng đều yêu cầu tôi học cách chế biến cầu kỳ của Hà Nội. Làm bánh trôi, bánh chay Tết Hàn thực phải chuẩn bị nguyên liệu trước một tuần, ướp hương bưởi…

Chè mạn dùng hàng ngày là loại ướp sen, được hãm bằng chiếc ấm nhỏ. Mẹ chồng tôi dạy rằng, đó nghệ thuật thưởng thức chè chứ không chỉ để uống.

Đã vậy, tôi phải đăng ký đi học nấu ăn 3 tháng theo yêu cầu của mẹ chồng. Theo bà, tôi chấp nhận lấy chồng là trưởng họ, đồng nghĩa với việc mình phải quán xuyến toàn bộ những việc đại sự của nhà chồng. Vì vậy, việc tề gia nội trợ rất quan trọng. Ngoài ra, tôi còn gặp phải rất nhiều va chạm, nhỏ nhặt khác.

Gia đình chồng tôi ai cũng ăn nói chừng mực, âm thanh vừa đủ nghe, điềm đạm. Trong khi tôi có tật hay cười lớn, nói to. Về nhà chồng, thói quen đó có vẻ không phù hợp. Bất kể vui vẻ ra sao, trước mặt bố mẹ chồng, tôi chỉ được phép nói đủ nghe, lời lẽ tiết chế.

Nhiều hôm đi làm cả ngày, mệt quá tôi nằm trên gác ngủ. Họ hàng đến nhà chơi, tôi không xuống chào. Hôm sau đã nghe bác dâu bóng gió chuyện tôi sống lạnh nhạt, không tôn trọng người lớn tuổi.

Trưa chủ nhật tuần trước, ông nội chồng ốm nặng, các bác đến thăm tầm 10 giờ trưa. Tiễn các bác ra về, mẹ chồng gọi tôi xuống giáo huấn: "Lần sau bác đến nhà, con phải có lời mời các bác ở lại ăn cơm. Họ không ăn cũng phải mời, đó là phép lịch sự tối thiểu, kẻo họ nói mình không hiếu khách".

Lúc nào, mẹ chồng tôi cũng đặt nặng vấn đề quy tắc ứng xử, giữ gìn hình ảnh, lời ăn tiếng nói. Nghe bà nhắc nhở, tự nhiên tôi thấy mệt mỏi thực sự.

Tôi vẫn được mọi người nhận xét là biết lễ nghĩa, vậy mà lấy chồng tôi thấy mình chẳng biết gì, mọi quy tắc ứng xử tôi phải học lại từ đầu. Bản thân tôi cho rằng, lối sống gia giáo, nề nếp là rất tốt nhưng cần điều chỉnh cho phù hợp cuộc sống hiện đại chứ không nên gò bó, khiên cưỡng.

Tôi định sẽ ngồi nói chuyện với mẹ chồng về tâm tư của mình nhưng không biết làm vậy có đúng đắn không hay lại gây ra hiểu lầm, khiến mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu thêm căng thẳng. Xin các độc giả cho tôi lời khuyên.

Theo Hòa Bình
Vietnamnet