"Xin lỗi con" - Chỉ sợ không làm được
16 tuổi, nó chưa một lần cãi lời bố mẹ, thậm chí nói gì nghe nấy nhưng gần đây nó bắt đầu… dở chứng. Mỗi lần anh nói oan cho nó chuyện gì, nó không im lặng mà "dặm" một câu: "Ba biết mình sai mà không chịu nhận lỗi".
Nhân chuyện này, tôi bỗng nhớ đến lần họp mặt đồng hương, mấy bậc cha mẹ tuổi xấp xỉ 40 ngồi kể chuyện gia đình, con cái. Câu chuyện dần nóng lên khi một chị bạn đang làm chuyên viên tâm lý đặt câu hỏi: "Có bao giờ mấy anh chị xin lỗi con cái chưa?". Thú thật, cả đời tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện nhận lỗi trước mặt chúng huống chi là xin lỗi.
Thời của tôi, mỗi lần bị bố đánh oan, tôi chỉ biết nuốt nước mắt, các cụ không có lấy một câu hỏi han, nói gì đến xin lỗi. Nhưng hình như, thời bây giờ đã khác. Nói như chị bạn chuyên viên tâm lý, muốn nuôi dạy con tốt, cha mẹ không chỉ biết trách phạt hay đổ lỗi cho con cái mà còn phải biết nhận lỗi, thậm chí còn xin lỗi trong những tình huống đặc biệt.
Chị kể, con gái chị năm nay vừa tròn 13 tuổi. Mỗi lần đi học về, cháu thường tâm sự với chị chuyện trong lớp. Có lần cháu kể cô giáo bắt phạt cả lớp vì không ai làm bài tập đem về nhà. Mọi người đã một mực phản đối vì rõ ràng cô giáo không hề căn dặn làm bài tập gì cả. Sau một hồi đưa ra những "bằng chứng", cô giáo phải xin lỗi trước lớp vì sự lơ đễnh của mình. Kể xong câu chuyện, con bé có vẻ rất thích vì theo lời của nó "hiếm khi nào tụi con nhận được lời xin lỗi từ thầy cô" và nó còn hỏi ngược lại chị bạn của tôi rằng: "Vậy ba mẹ có bao giờ xin lỗi con cái không hả mẹ?". Tất nhiên, câu trả lời của chị bạn tôi là "cũng có" nhưng khi trở thành đề tài bàn luận lại ít người tán đồng chuyện này.
Anh Hoàng Minh, giám đốc chi nhánh công ty xuất nhập khẩu cho rằng: "Nếu cha mẹ cứ xin lỗi con cái thì chắc chúng nó loạn lên hết". Còn chị Hiền Mai, kế toán văn phòng đưa ra ý kiến: cha mẹ đâu phải ngang hàng phải lứa với tụi nó mà xin lỗi. Và không ít người trong buổi họp mặt đó cũng đồng ý rằng, chuyện cha mẹ xin lỗi con cái là hoàn toàn vô lý. Như anh Minh Tuấn thẳng thắn: "Mình lo cho nó đã mệt lắm rồi. Chỉ có mỗi cái quyền dạy dỗ, rầy la mà còn bắt phải xin lỗi thì thôi, tôi khỏi làm cha cho rồi!".
Thế mới biết, quan niệm về chuyện nuôi dạy con cái của mỗi người mỗi khác và để cho mọi người tiếp thu quan điểm của người khác không phải là chuyện dễ dàng. Chị kể cho chúng tôi nghe câu chuyện của một khách hàng nhờ tư vấn. Con trai vị khách hàng đó năm nay 17 tuổi. Một hôm, mẹ thằng bé phát hiện trong ba lô của con trai mình có rất nhiều bao cao su. Quá bất ngờ và không kềm được tức giận, chị đã tát thẳng vào mặt con trai mình. Thế là, trong mắt mọi người, thằng bé trở thành kẻ xấu xa và bị cả gia đình lên án. Ngay đêm hôm đó, thằng bé bỏ nhà đi. Hoảng hốt, cả nhà phải tìm gặp thầy giáo trình bày sự việc nhờ giúp đỡ. Khi đó mới vỡ lẽ ra, con trai của mình làm tuyên truyên viên cho đội công tác xã hội của trường nên… Và thế là, một tin nhắn "ba mẹ xin lỗi, mong con mau quay về" được đăng tải.
Kết thúc câu chuyện, có lẽ mỗi người đều đã tìm thấy cho mình câu trả lời nhưng còn "áp dụng" thì chắc chưa ai cũng làm được. Riêng tôi, xuất hiện những câu hỏi chồng chéo lên nhau. Liệu chúng ta có nên xin lỗi con cái trong những trường hợp đặc biệt hay không? Và liệu, có nên chăng, cha mẹ nên thẳng thắn và nhìn nhận vấn đề này ở một góc độ tốt? Sau một hồi suy nghĩ, tôi đã gọi hai đứa con của mình đến và hỏi: "Nếu ba làm lỗi, tụi con có muốn nhận ở ba lời xin lỗi không?". Sau một thoáng bất ngờ và lúng túng, chúng đồng thanh: "Ba ơi điều đó khó lắm ạ. Con chỉ sợ, ba không làm được…"(?!).
Theo Sài Gòn Tiếp Thị