Xin đừng nói với con…

(Dân trí) - Ở khu tôi ở mấy ngày nay lao xao chuyện một cô bé tự tử nhưng không thành nhờ có người kịp thời phát hiện. Tự kết thúc cuộc đời mình dù là vì lí do gì cũng đáng trách. Nhưng khi biết lí do khiến em nghĩ quẩn, tôi lại thấy thương em nhiều hơn.

Xin đừng nói với con… - 1

Em là con gái duy nhất của một gia đình giàu có. Bố mẹ em là dân buôn bán, tiền kiếm được dư sức để cho em một cuộc sống đủ đầy. Là con một, đương nhiên em trở thành niềm kì vọng lớn lao của bố mẹ. Tuổi thơ em không được tự do chạy nhạy nô đùa. Từ thưở lên ba, em đã quay trong một guồng quay học tập đủ các thể loại từ đàn, đến vẽ rồi học tiếng Việt, tiếng Anh…

Thế nhưng, có lẽ trời không cho em một tư chất thông minh, vậy nên suốt những năm đi học em chưa bao giờ có thành tích nào nổi bật để có thể khiến bố mẹ tự hào. Đợt thi vừa qua em không đủ điểm để lọt vào một trong những trường Đại học mà bố mẹ mong muốn. Kết quả đó khiến mẹ em thất vọng, sự thất vọng không thể giấu giếm qua từng lời cay nghiệt: “Mày nhìn con nhà người ta kìa, thiếu thốn đủ bề, con nhà nông dân mà đậu thủ khoa mấy trường Đại học. Mày thì học chính học thêm, có cả gia sư về dạy tận nhà, chỉ có ăn và học thôi mà không bằng một góc con nhà người ta. Sao tao lại có một đứa con vô dụng như mày? Mày còn khóc à, đi đi, đi đâu cho khuất mắt tao”. Và em đã chọn cách “đi cho khuất mắt” bố mẹ bằng cách uống thuốc ngủ để kết liễu cuộc đời mình. Tại phúc bố mẹ em dày, hay là do em chưa đi hết con đường số mệnh nên cuối cùng em vẫn được sống. Thật sự không muốn nghĩ đến chuyện nếu em không được phát hiện kịp thời thì mẹ em sẽ sống thế nào trong nỗi day dứt đớn đau suốt phần đời còn lại.

Nhiều bậc cha mẹ thường hét lên với con “Tao đẻ ra mày mà không dạy được mày à?”. Nhưng dạy con đúng là cả một nghệ thuật. Không có ai sinh ra đã là một thiên tài. Cũng không phải ai được đầu tư giáo dục đàng hoàng cũng sẽ trở nên giỏi giang xuất chúng. Kì vọng về con cái là điều có hầu hết ở các bậc cha mẹ, nhưng kì vọng để trở thành một áp lực, một nỗi ám ảnh đáng sợ đối với con thì chẳng những không đem lại kết quả tốt mà nhiều khi hoàn toàn ngược lại.

Thưở nhỏ, tôi rất ít khi bị mắng. Nhưng có một lần bố phát hiện cái vòi nước bị gãy, và ngay lập tức bố hỏi tôi. Tôi không làm thì đương nhiên tôi chối. Nhưng bố tôi nói: “Không phải mày thì còn ai vào đây nữa. Định im lặng để đổ tội cho người khác phải không?” Đó quả thực chỉ là một câu mắng thôi, nhưng với suy nghĩ của một đứa trẻ như tôi lúc đó, cảm thấy uất ức kinh khủng. Tôi đã không thể tự bào chữa cho mình, và đương nhiên đó là một lời kết tội. Điều đó đã trở thành một nỗi ám ảnh sâu trong lòng tôi, vô tình khiến tôi cảm thấy trong con mắt bố, mình là một kẻ xấu xa, lừa dối.

Tôi đã chứng kiến một người cha là tiến sĩ mắng con trai mình “Mày không phải con tao. Tao không có đứa con dốt nát như mày”. Tôi cũng đã từng nghe một người mẹ nói với con mình một cách khinh miệt:“Loại như mày thì làm nên trò trống gì?” Và một người mẹ khác, có chồng bài bạc nghiện ngập đang trong trại cải tạo, một lần con trai chị mải chơi không làm việc nhà như lời chị dặn, chị đã đem nỗi bất hạnh của cuộc đời mình biến thành nỗi bực tức giáng xuống đầu con trẻ: “Số tao thật chẳng ra gì. Chồng thì nghiện ngập hút sách. Còn mày rồi cũng sẽ hư hỏng như bố mày thôi”.

Tôi thật sự không muốn đặt mình vào vị trí những đứa trẻ kia để có thể hiểu chúng thực sự cảm thấy như thế nào sau mỗi lời đay nghiến của cha mẹ. Tôi cũng không muốn nghe những câu nói ấy. Nhưng sự thật là tôi đã nghe, không chỉ có thế thôi mà nhiều hơn nữa. Ở khắp mọi nơi, có rất nhiều bậc làm cha làm mẹ miệt thị con mình. Tại sao lại thế? Tại sao khi con cần sự sẻ chia thì cha mẹ lại buông lời mạt sát. Khi con cần động viên an ủi thì bố mẹ chửi rủa, chê bai. Khi con cần có người cho con động lực niềm tin thì chính bố mẹ lại nói với chúng rằng chúng là đồ bỏ đi, là kẻ vô dụng.

Không phải ngẫu nhiên mà tội phạm trẻ vị thành niên ngày càng nhiều. Không phải ngẫu nhiên mà số trẻ bị mắc tự kỷ ngày càng tăng. Cũng không phải tự nhiên mà người ta cố gắng tìm cách chứng minh rằng những trẻ được cha mẹ yêu thương sẽ thông minh hơn. Không có sự quan tâm của cha mẹ, cảm thấy cô đơn ngay trong chính ngôi nhà của mình, thường xuyên bị mẹ cha đay nghiến chì chiết chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều bi kịch đau lòng.

Chúng ta làm cha làm mẹ, đương nhiên chúng ta có quyền dạy con và dạy theo cách riêng của mình. Làm sao có thể vừa nghiêm khắc với con lại có thể cởi mở với con như một người bạn? Làm sao để con có thể tự do hòa nhập mà vẫn bảo vệ được con. Làm sao để vừa có thể mưu sinh vừa chăm sóc con cái đủ đầy. Những vấn đề nan giải, những gánh nặng áp lực của chúng ta, chúng ta không thể đòi hỏi các con phải hiểu hết. Vì chúng, dù sao đi nữa vẫn- còn- là- những- đứa-trẻ.

Người ta vẫn nói: Không có cha mẹ nào lại không thương con, chỉ là cách thể hiện mỗi người mỗi khác. Đồng ý rằng thể hiện thế nào là theo quan điểm và tính cách của từng người. Nhưng chí ít thì sự thể hiện đó phải làm sao cho con hiểu được rằng mình làm thế là vì lo lắng quan tâm thật sự cho con, chứ không phải chỉ vì sự kì vọng của mình không được đền đáp hay vì sĩ diện của bản thân mình không được thỏa mãn. Và con cái cũng không phải là nơi để ta trút bỏ những đớn đau uất ức của cuộc đời cho hả hê buồn tủi. Chúng ta có thể nói với con những gì chúng ta mong, những điều chúng ta nghĩ, nhưng trước khi nói có lẽ hãy học cách lắng nghe con bằng cả trái tim mình.

Lê Giang

Xem cách lồng ruột chăn bông siêu nhanh