Vui buồn vợ lính thời bình

Bà bác sĩ tròn mắt khi thấy Hải Anh một mình vác cái bụng to tướng đi đẻ lúc nửa đêm. Còn cô chỉ nói một câu gọn lỏn: “Em là vợ bộ đội”.

 
Vui buồn vợ lính thời bình - 1


Khổ mà sướng

 

Hải Anh gặp Thắng, chồng cô, lần đầu tại một buổi giao lưu giữa trường sư phạm của Hải Anh với đơn vị bộ đội thông tin của Thắng. Họ bén duyên ngay từ cái nhìn đầu tiên. Thỉnh thoảng tranh thủ dịp cuối tuần, chàng lính thông tin lại đến ký túc xá đưa cô giáo tương lai đi cà phê, trà đá, hay đèo Hải Anh lang thang ăn những món quà vặt mà cô thích. Vốn là người lãng mạn, Hải Anh thấy tình yêu với chàng lính của mình sao mà đẹp và nên thơ đến thế.

 

Đám cưới ấm cúng được tổ chức khi Hải Anh ra trường và may mắn xin được việc làm tại Hà Nội. Mọi người bảo họ đúng là gia đình chuẩn theo mẫu chồng bộ đội, vợ giáo viên. Thế nhưng, về làm vợ Thắng là cả một thay đổi lớn đối với Hải Anh. Thời còn là người yêu, một hai tuần gặp nhau một lần đã thấy nhớ nhung cồn cào, còn bây giờ, mỗi tháng cô chỉ được ở bên chồng có hai ngày chủ nhật. Mặc dù công tác chỉ cách nhà 4 km nhưng Thắng vẫn phải ở đơn vị chứ không được về.

 

Năm đầu tiên khi chưa có con, bạn bè bảo Hải Anh lấy chồng mà vẫn như thời con gái: sống một mình, cơm nước và làm tất cả mọi việc chỉ có một mình. Những lúc ốm đau, khi có bầu, mệt mỏi, nặng nề mà không có người thân hay chồng bên cạnh, Hải Anh tủi thân nằm khóc.

 

Hải Anh sinh sớm gần 20 ngày. Lúc trở dạ, Thắng không có nhà, còn mẹ thì chưa lên kịp, Hải Anh phải tự bắt taxi vào bệnh viện. Bà bác sĩ tròn mắt khi thấy cô vác cái bụng to tướng đi đẻ một mình lúc nửa đêm. Hải Anh chỉ nói một câu và không giải thích gì thêm: “Em là vợ bộ đội”.

 

Sau đó, Thắng được nghỉ phép một tháng chăm vợ đẻ. Trong một tháng ấy, Hải Anh thấy mình chẳng kém gì bà hoàng. Cô không thể ngờ anh lính thông tin lại khéo léo, đảm đang đến thế. Mẹ cô cũng lên giúp nhưng Thắng không để bà phải động tay vào việc gì: “Bà giúp con trông cháu cho mẹ nó nghỉ ngơi là được rồi”. Mọi việc từ đi chợ, cơm nước đến giặt tã cho con, Thắng đều làm “ngon lành”. Đêm, anh trải chiếu ngủ ngay dưới đất để lúc con khóc còn bế đỡ vợ.

 

Cả việc tắm cho em bé, Thắng cũng nhận. Lúc đầu, cả Hải Anh và mẹ đều kịch liệt phản đối. Cô nói: “Con bé bỏng non nớt chứ có như khẩu súng hay mấy cái máy thông tin ở đơn vị đâu mà anh tưởng lau chùi thế nào cũng được”. Nhưng rồi hai người đều tròn mắt thán phục khi chứng kiến Thắng khéo léo trong từng động tác, từ pha nước, thử độ nóng của nước đến động tác bế con, còn lấy hai ngón tay bịt hai bên tai con rất chuyên nghiệp. Thắng bảo anh đã lén quan sát các cô y tá tắm cho em bé ở bệnh viện nên học làm theo.

 

Một tháng chồng nghỉ phép, Hải Anh thấy những ý nghĩ tủi thân, thiệt thòi của mình tan biến hết. Cô nhớ lời kể của mấy người bạn: Vợ sinh con là chồng sang phòng khác để ngủ cho... ngon giấc, bế con thì sợ làm rơi. Có anh còn tranh thủ cơ hội bù khú với bạn bè khi vợ mải lo cho con không “kiểm soát” chặt chẽ, thậm chí còn bồ bịch vì vợ không đáp ứng được “chuyện ấy”. Hải Anh thấy mình may mắn và ngập tràn hạnh phúc khi lấy được người chồng tưởng khô cứng, vụng về nhưng hóa ra rất khéo léo, tình cảm và chu đáo. Từ đó, những lúc phải xa chồng, một mình chăm con, cô vẫn thấy ấm lòng.

 

Chồng lính lãng mạn và hài hước

 

Ngọc Linh, một “tiểu thư”, cũng chọn chú rể là một chàng sĩ quan đặc nhiệm. Chàng lính lém lỉnh chẳng hiểu bằng cách nào mà “cưa đổ” được cô con gái rượu của thủ trưởng. Ở nhà, Linh là út nên được chiều chuộng, săn sóc từng ly từng tí. Ngày đưa con gái lên xe hoa, mẹ Linh sụt sùi: “Chẳng biết con bé có chịu được những thiệt thòi khi có chồng là bộ đội hay không”, bởi bà quá hiểu vợ bộ đội là như thế nào từ chính kinh nghiệm cuộc đời mình. Còn ông bố thì bảo: “Nó bây giờ thế đã là sướng chán so với thời tôi với bà ngày xưa, không chịu được cũng phải chịu”.

 

Sau đám cưới, vợ chồng Linh định tận dụng nốt số ngày phép còn lại của Hùng để đi nghỉ trăng mật. Chưa kịp thực hiện, Hùng đã bị gọi vào đơn vị để nhận công tác đột xuất. Còn lại một mình trong phòng, Linh cứ mặc cho nước mắt tủi thân tuôn ướt đầm chiếc gối mới. Cô về nhà than ngắn thở dài với mẹ nhưng bị bố mắng cho một trận: “Quân lệnh như sơn, đã là vợ lính thì phải biết thông cảm và chấp nhận những lúc như thế chứ”. Thế là cô lại lủi thủi quay về.

 

Kết thúc chuyến công tác, Hùng “đền” cho tuần trăng mật của Linh bằng... một buổi chiều ngồi ngắm hoàng hôn bên bờ sông Hồng lộng gió, nơi ngày yêu nhau họ thường ngồi. Lúc đầu Linh còn phụng phịu, nhưng những chuyện tếu táo Hùng kể về đơn vị khiến cô cười ngất, quên cả mình đang giận chồng. Không có nhiều thời gian ở gần vợ nên lúc nào về nhà là Hùng làm hết mọi việc không nề hà gì. Ăn xong, anh luôn giành phần rửa bát, lại còn trêu Linh: “Bố em là tướng mà mới chỉ được nửa suất công vụ, còn em chẳng có tí sao, gạch nào cũng được hẳn một thượng uý phục vụ tận tình”. Đúng là Linh chẳng bao giờ giận Hùng được lâu vì anh lúc nào cũng chọc cho cô phải bật cười.

 

Có những lúc Linh khóc vì cảm động trước tình cảm sâu sắc và sự săn sóc đầy yêu thương của chồng. Hôm ấy Hùng về, Linh kêu đau chân vì đôi giầy cao gót mới mua, thực ra cô chỉ muốn nũng nịu với chồng chút thôi. Thế mà khi chuẩn bị đi ngủ, cô thấy Hùng bê vào một chậu nước muối nóng có mấy lát gừng bắt cô ngâm chân. Hùng vừa ngồi massage chân cho vợ vừa giải thích: “Ở đơn vị, nhiều lần đi hành quân về phồng rộp cả chân, anh em chỉ làm thế một lần đã đỡ hẳn”.

 

Nhìn dáng chồng ngồi và cảm nhận bàn tay ấm nóng đầy thương yêu của anh, Linh bật khóc. Hùng thảng thốt ngẩng lên khi thấy giọt nước mắt của vợ rơi vào vai. Linh nghẹn ngào không nói hết câu: “Ở đơn vị anh còn vất vả hơn em nhiều mà chẳng bao giờ thấy anh than thở điều gì cả”. Hùng cười xoà ôm vợ vào lòng: “Em hiểu được như thế là anh thấy rất hạnh phúc rồi”.

 

Có tối thứ bảy, Linh nổi hứng muốn ăn chân gà nướng, Hùng hứa về đưa cô đi. Linh háo hức chuẩn bị mà chờ mãi chẳng thấy bóng chồng đâu. 20h, rồi 21h mới thấy chồng gọi điện xin lỗi không về được vì phải trực thay cho một đồng đội đưa mẹ đi cấp cứu. Nước trong mắt Linh đang chực chảy ra thì cô nghe câu nói tha thiết đến tội nghiệp của chồng: “Anh cũng muốn về đưa em đi lắm nhưng biết làm sao được...”. Nghe giọng chồng nghèn nghẹn, những giận hờn như bay đâu hết, Linh ngạc nhiên thấy mình quay ra... an ủi “ngược” lại chồng.

 

Dạo này về nhà, Linh được bố khen: “Từ ngày lấy chồng chín chắn hẳn ra, biết quan tâm, nghĩ đến người khác chứ không đành hanh như hồi ở nhà nữa”.

 

Chuyện gì cũng tranh thủ

 

Vợ chồng chị Đào đều là người Bắc vào Nam sinh sống. Chị làm công nhân nhà máy may, anh là bộ đội. Cô con gái lên ba thì anh được đơn vị cử đi học ba năm ở Hà Nội. Tính toán mãi, họ quyết định chuyển cả nhà ra Hà Nội vì chị làm công nhân nên có thể nghỉ việc dễ dàng. Vợ chồng thuê nhà ngay cổng trường anh học. Chị mở quán bán hàng, cũng kiếm đủ chi tiêu tằn tiện. Là học viên trường quân sự nên chỉ cuối tuần anh mới được ra ngoài. Buổi tối, anh bảo vợ bế con đứng trước cổng để bố… ngó con, tranh thủ nói chuyện vài câu cho đỡ nhớ.

 

Gia đình Đào có một câu chuyện vừa buồn cười lại vừa đáng thương mà mọi người thỉnh thoảng vẫn nhắc lại. Một lần, chồng Đào phải gác ca đêm, khi hết ca gác là khoảng hai giờ sáng. Anh bỗng thấy nhớ vợ quá nên đánh liều trèo tường trốn về một lúc, định bụng sáng ra sẽ vào trường, vẫn kịp điểm danh buổi sáng. Nhưng thật không may, gần sáng hôm đó thì trường báo động (một hình thức rèn luyện thông thường của các đơn vị quân đội). Không thể vào kịp nên hôm sau anh bị kỷ luật, đã thế còn bị bạn bè trêu mãi khiến cả hai đều ngượng chín người.

 

Chị Đào bảo: “Làm vợ lính nhiều lúc vừa bi vừa hài, việc gì cũng tranh thủ, đến cả chuyện chăn gối nhiều khi cũng phải chớp nhoáng. Có những lần vợ chồng vừa gần gũi nhau xong, anh ấy đã vội vàng chạy một mạch vào trường, chẳng kịp âu yếm gì vợ nữa. Mình thấy hụt hẫng nhưng rồi lại thương chồng đến thắt lòng”.

 

Gia đình mỗi người lính đều có một câu chuyện cảm động riêng, nhưng đều có một điểm rất giống nhau, đó là sự xa cách càng làm cho tình cảm vợ chồng thêm gắn bó. Không có nhiều thời gian dành cho nhau, không được sớm tối cận kề nên họ luôn biết nâng niu, trân trọng những giây phút hiếm hoi được ở bên nhau và làm cho nó thêm nhiều ý nghĩa.

 

Theo Nam Thi

Đất Việt