Vũ phu “dạy” vợ

Theo bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc TT Nghiên cứu & Ứng dụng Khoa học Về giới, gần đây, TT đã tiếp không ít phụ nữ bị bạo hành về tinh thần lẫn thể xác. Mỗi trường hợp lại là một nỗi đau khác nhau không biết bao giờ lành.

Đôi mắt quầng thâm, khuôn mặt đờ đẫn, chị Phương ở Phú Thọ, khóc nức nở khi tâm sự với nhân viên tư vấn của Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Về giới: “Đi suốt ngày, hễ về đến nhà, anh ta không tiếc lời tục tĩu thóa mạ em là đồ ngu dốt, cho ăn, cho mặc mà có mỗi việc đẻ cũng không biết. Không những thế, anh ta còn ngang nhiên đi lại với người đàn bà khác”.

 

Chị Phương là một viên tạp vụ, còn chồng chị làm trưởng phòng của một công ty. Chị nghẹn ngào khi kể về những chuỗi ngày đau khổ của mình. Lấy chồng gần 5 năm thì có tới 4 năm chị bị chồng dằn vặt, chửi mắng và “bỏ lửng” sau khi sinh liền hai cô con gái. Anh còn ngang nhiên muốn có con trai với người đàn bà khác.

 

Trường hợp khác, chị Hà, viên chức nhà nước, có chồng làm bảo vệ của một công ty. Chung sống với nhau đã có một mặt con. Khi chị đang mang thai đến tháng thứ 7 thì chồng chị nảy nòi ra chuyện “tình tang” với người phụ nữ khác. Mỗi lần về đến nhà là lại tìm cớ để gây sự, thóa mạ, hành hạ vợ cho bõ ghét.

 

Đôi khi chỉ vì những lý do rất cỏn con mà chị bị chồng đánh tới tấp. Nhiều đêm, lên giường với nỗi đau về thể xác dày vò khiến chị càng tủi nhục hơn. Đau đớn vì chẳng biết kêu ai, cũng không thể tâm sự với ai vì xưa nay vợ chồng chị luôn được hàng xóm coi là hình mẫu lý tưởng về cặp gia đình thương yêu hòa thuận. Những vết bầm dập trên mặt xuất hiện liên tục chưa kịp đợi vết thương cũ lành da.

 

Thế rồi những căm phẫn và uất hận trong lòng người phụ nữ ấy đã đưa chị đến ý nghĩ tiêu cực. Vào một ngày bình thường như mọi ngày, chị đón chồng và con trong bộ dạng tiều tụy của mình. Nhưng khác với ngày thường, hôm nay bữa cơm có đầy đủ các món ngon mà chồng chị rất thích.

 

Không ai có thể biết rằng ngày hôm đó là ngày cuối cùng người ta nhìn thấy chồng và con chị. Chị đã tẩm xăng khắp nhà rồi châm lửa đốt. Cả chồng và đứa con lớn bị thiêu cháy, còn đứa con trong bụng chị do không chịu được sức nóng mà chết.

 

Cũng theo bà Nguyễn Vân Anh, có những vụ chồng ngược đãi vợ đến mức người vợ phải vào bệnh viện điều trị và để lại thương tật suốt đời.

 

Câu chuyện của chị Uyên (Yên Bái) là trường hợp đau lòng. Chị là giáo viên trường cấp II của xã. Chồng chị anh Tuấn vốn tính hay ghen nên lúc nào cũng nghi ngờ vợ mình. Hễ khi nào thấy vợ về muộn là anh tra hỏi vợ cho bằng được.

 

Ban đầu chị trả lời qua loa cho xong chuyện nhưng về sau sự im lặng của chị khiến anh phát điên rồi đánh đập rất dã man. Trong một lần quá chén, lại thêm sự ương bướng của chị mà anh ta đã nhẫn tâm lột sạch quần áo của vợ anh và trói 2 chân, 2 tay lại. Sau đó anh dùng một chiếc chăn quấn quanh vùng kín của chị và tẩm xăng đốt. Chị Uyên đau đớn giãy giụa và kêu cứu trước sự lạnh lùng của chồng. Kết quả của “trận đòn nhớ đời” này là chị bị bỏng nặng và để lại thương tật 60-70%.

 

Sau sự việc, chị Uyên quyết tâm ly dị chồng. Thế nhưng khi vụ việc được Hội phụ nữ địa phương đem ra chính quyền giải quyết thì anh cán bộ tư pháp đã “hồn nhiên” nói với rằng: “Giống đàn bà lăng nhăng ấy thì vào tay tao, tao cũng làm thế, chứ để yên mà loạn à?”.

 

Một trong những nguyên nhân của sự gia tăng bạo lực là do vấn đề này còn chưa được các địa phương quan tâm. Họ nghĩ rằng đó là chuyện riêng của mỗi nhà, không thuộc chức năng, nhiệm vụ giải quyết của chính quyền. Có những cán bộ tư pháp đã hồn nhiên nói với cán bộ phụ nữ rằng, xung đột gia đình là điều... bình thường, chồng có tát vợ một đôi cái cũng không sao. Xung đột gia đình chỉ nên tự giải quyết trong gia đình, và chín bỏ làm mười cho gia đình trong ấm ngoài êm. Chỉ những người không biết suy nghĩ mới đi trình báo chính quyền.

 

Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới (CSAGA) hàng năm tư vấn cho rất nhiều phụ nữ là nạn nhân của bạo hành trong gia đình. Cuộc sống hiện tại của nhiều chị em đang phải chịu nhiều nỗi đau về thể xác và tinh thần vì vậy mà họ mang nặng tâm lý tự ti, sống thu mình. Từ tâm thế đó, họ thấy mình lạc lõng và cô đơn khi không được sự ủng hộ giúp đỡ của người thân và những người xung quanh. Có một số người lại nghĩ rằng, bị đánh đập là điều bình thường, là lỗi tại mình. Sự cam chịu của họ dần dần tiếp tay cho sự tái phạm của chồng.

 

Chị Sen (Thái Bình) bộc bạch, chồng chị là người học thức, có địa vị trong xã hội. Song đám cưới ngọt ngào ngày nào nhanh chóng phai mờ khi chị Sen phải sống trong sự tủi nhục và tù đày.

 

Chồng chị bắt nghỉ làm lo chuyện gia đình, anh không cho chị đi đâu ngoài việc đi chợ mua thức ăn. Vốn là một người phụ nữ cam chịu, chị Sen không hề than vãn một lời, nín nhịn trước những trận đòn vô cớ của chồng để mong có một cuộc sống gia đình bình yên và không muốn ông xã phải mang tiếng bạo ngược mà ảnh hưởng địa vị. Suốt 19 năm chị cam chịu cuộc sống mất quyền làm người. Chị đau đớn nói: “Trong một lần cáu giận ở cơ quan, anh về nhà mắng mỏ vợ, tôi cãi lại. Anh nổi khùng đã khóa cổng và lôi tôi vào trong nhà đánh đập”. Trận đòn dã man của chồng đã khiến đầu chị bị vỡ chảy bê bết máu, đuôi mắt bị rách và gãy cột sống.

 

Có rất nhiều lý do khiến các ông chồng đánh đập vợ. Chị Hải (Gia Lâm, Hà Nội) là một viên chức nhà nước, còn chồng đang thất nghiệp. Chính điều đó đã khiến trong đầu anh ta luôn suy nghĩ phải làm sao để hành hạ vợ không còn sức để đi “lằng nhằng” với kẻ khác.

 

Sẵn có thói ghen tuông và tính tình cục súc thô lỗ, anh ta liên tục cưỡng ép chị quan hệ tình dục. Quá sợ hãi, buổi tối chị thường trốn đến nhà bạn bè hàng xóm, nhưng đều bị chồng lôi cổ về. Có lần, chị chống cự quyết liệt, liền bị anh trói vào chân cầu thang, đánh đập và cưỡng bức nhiều lần. Khi được đưa đến bệnh viện cấp cứu, cơ quan sinh dục của chị bị viêm loét nặng, tinh thần hoảng loạn.

 

Một trường hợp khác cũng tìm đến sự tư vấn của Trung tâm là chị Minh. Chồng chị, anh Hùng, là người rất gia trưởng với quan niệm chồng là người quyết định mọi việc, vợ không được cãi lại.

 

Vốn là người được học hành tử tế, lại có vị trí xã hội nên chị không chấp nhận. Khi tranh luận xảy ra giữa hai vợ chồng, anh Hùng thường “dạy vợ” bằng cách tung ra những cú đấm, cú đá liên tiếp. Không chỉ thế, cả gia đình chồng đều vào hùa chỉ trích, xỉ vả chị.

 

“Rất nhiều trường hợp khi đến Trung tâm với tâm trạng rụt rè lo sợ. Một phần chị em sợ người chồng sẽ lại mượn thêm cớ để đe dọa đánh đập, một phần khác trong họ vẫn còn tình cảm với người chồng. Họ không dám tố cáo những hành vi bạo hành của chồng.

 

Cuộc sống của họ quẩn quanh trong vòng tròn bạo hành: đánh đập, xin lỗi, chiều chuộng, đánh đập. Đôi khi chính bản thân chị em bế tắc đến độ không biết mình muốn gì và cần gì.

 

Chúng tôi luôn cố gắng làm cho họ tĩnh tâm, định hướng cho chị em có cái nhìn đúng đắn để giải quyết sự việc. Mọi mâu thuẫn cần phải được giải quyết trên cơ sở đối thoại ôn hòa.

 

Trong gia đình, chỉ có tình yêu thương sự tôn trọng và bình đẳng mới làm nên hạnh phúc và gắn bó lâu dài. Điều quan trọng nhất để thoát khỏi bạo hành gia đình là người phụ nữ phải biết tự bảo vệ mình", bà Vân Anh kết luận.

 

Tên nhân vật đã được thay đổi.

 

Theo Chi Anh

Ngôi sao

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm