Vu lan, nhớ bông hoa cài áo
(Dân trí) - Cứ tới rằm tháng Bảy nỗi nhớ quê hương, nhớ mẹ lại đong đầy và bùng lên dữ dội trong lòng con. Cũng bởi những câu chuyện mẹ kể ngày nào giờ vẫn in đậm trong tâm trí.
Rằm tháng Bảy còn có tên Tết Trung Nguyên - Xá tội vong nhân. Theo sách Phật, ngày này các vong nhân không nơi nương tựa, không còn ai thân thích trên cõi trần gian để thờ phụng hoặc những linh hồn vì một oan khiên nào đó phải vật vờ, sẽ được đại xá. Khi còn ở quê, con thấy mẹ và nhiều người trong làng thường làm lễ cúng chúng sinh, bày ra rất nhiều đồ ăn cho các linh hồn đó.
Mẹ lại lý giải vì sao gọi là tháng ngâu, mẹ kể con biết chuyện Ngưu Lang - Chức Nữ, mải yêu nhau nên chểnh mảng việc nhà Trời, bị Trời giận, trừng phạt không cho sống cùng, may có đàn quạ tốt bụng thương tình nối đuôi nhau kết thành chiếc cầu Ô Thước bắc qua sông Ngân Hà, một năm được gặp nhau một lần vào tháng bảy để rồi cứ tháng đó hạ giới cũng khóc cùng họ, thành mưa ngâu. Do câu “Mùng bảy Ngâu ra, mùng ba Ngâu vào” nên mọi người tránh làm những việc hệ trọng vào tháng bảy, đặc biệt là hai ngày ấy…
Cũng là sách nhà Phật đã kể về Mục Kiều Liên, đệ tử của Phật môn, một hôm qua thiên nhãn thấy mẹ mình là bà Thanh Đề vì khi còn sống mắc lỗi nên lúc chết bị đầy đoạ, khổ cực bên bầy quỷ đói, ông mang cho mẹ bát cơm thì lập tức bị biến thành than, lòng quá xót xa bèn xin với đức Phật ra tay cứu giúp. Phật nói phải lập lễ đàn, có nhiều người cùng cầu nguyện cho thì mới linh ứng... Vậy là nhờ tấm lòng hiếu thảo hết lòng với mẹ mà mẹ Mục Liên đã thoát khỏi bầy quỷ đói. Câu truyện trên có giá trị cao bởi mang ý nghĩa giáo dục con người ta phải sống tốt, hiếu đễ và vẹn tròn đạo nghĩa với đấng sinh thành.
Qua nhiều tích truyện, mẹ lại bâng khuâng kể về những ngày xưa, về quê nhà và bà ngoại. Ông mất sớm, mình bà nuôi dạy hai con gái trưởng thành. Mẹ và bác cả đều thoát ly công tác, rồi lấy chồng xa. Làm sao bỗng chốc rũ bỏ tất cả để về phụng dưỡng mẹ sớm hôm. Xin đón bà về ở cùng, bà nhất quyết không rời bỏ nơi chôn rau cắt rốn. Vậy là mẹ chỉ có thể mỗi dịp hè, tết lại cho các con về thăm.
Với ký ức của một đứa trẻ, con chỉ nhớ bà hiền lắm, chưa một lần bà mắng mỏ các cháu, dù con tham ăn làm đổ hết lọ nước sấu bà ngâm, dù con nghịch, quăng cái ghế gỗ làm vỡ chiếc tủ kính của bà… Và con vẫn luôn miệng thắc mắc hỏi: “Bà già thế rồi còn suốt ngày đi chợ làm gì cho mệt”, ra là bà chịu khó nhặt nhạnh kiếm sống, không phải phiền đến các con. Thậm chí bà chắt chiu để dành được cho cháu gái hai chỉ vàng làm của hồi môn sau này đi lấy chồng, dù khi đó con mới tám tuổi…
Chẳng bao lâu bà mất. Mẹ khóc và buồn rất lâu. Có những đêm thảng thốt vùng dậy người ướt đầm mồ hôi, gọi bà... Dịp đó cũng vào tháng Ngâu, mưa liên tục, ngày qua ngày không ngớt. Và đến giờ mẹ vẫn mang trong lòng một niềm day dứt, mẹ tiếc vì đã chẳng dành thời gian ở cạnh bà nhiều hơn, dòng đời cứ miên man, vô tình xô đẩy hết việc nọ đến việc kia, theo quy luật “nước mắt chảy xuôi”, mải lo cho con cái, gia đình, khiến mẹ trở nên vô tâm, ít nhớ, ít về thăm quê hẳn. Để đến lúc tỉnh ra thì trên đầu đã chít dải khăn tang lạnh lùng…
Mẹ còn kể nhiều nữa, mẹ dạy bảo con bao điều hay lẽ phải. Nên biết quý trọng hạnh phúc khi nó đang trong tầm tay mình. Con may mắn hơn mẹ vì con còn mẹ, ngày Vu Lan tới con sẽ hạnh phúc và tự hào được mang trên ngực bông hoa cài áo màu hồng. Con ngộ ra, rồi biết mình cần và nên làm gì lúc này.
Con đã sắp xếp công việc và sẽ nghỉ phép vài ngày về thăm nhà, con sẽ cùng mẹ sắp đồ cúng như mọi năm. Nấu thật nhiều cháo lá đa, múc vào các bát con, mang ra trước hiên nhà và cúng. Rằm tháng bảy đến. Lễ Vu Lan về. Ngưu Lang gặp Chức Nữ. Vong nhân được xá tội. Còn con sẽ được ngồi cùng mẹ ôn lại những chuyện đã qua, bao kỉ niệm đẹp và chắc chắn nhờ đó con luôn biết nhớ và khắc ghi công ơn mẹ cha.
Mẹ ơi con đã về!
Triệu San