Nhân ngày lễ Vu lan:
Vu lan này con không còn mẹ
(Dân trí) - Mẹ giờ đã về trời, vu lan này con cài lên ngực bông hồng trắng, có ân hận, tiếc thương đến mấy cũng không thể níu mẹ lại trần gian.
Nhớ năm ngoái tầm này mẹ vẫn đi bộ từ trong ngõ nhà mình ra ngoài đường cái, xin xe máy người ta quá giang đến nhà con, mang cho con ít quả na, quả thị vườn nhà để cúng rằm tháng Bảy. Vậy mà giờ cỏ đã bắt đầu xanh trên mộ mẹ.
Mẹ đi mấy tháng rồi, nỗi hụt hẫng, tiếc thương trong lòng con giờ còn lớn hơn lúc mẹ mới mất. Càng có tuổi, dường như nỗi mất mát càng thấm thía dần theo thời gian.
Giới văn nghệ sỹ không ngoa chút nào khi nói mẹ là tuổi thơ, là quê hương. Con dù đầu đã hai thứ tóc, còn có mẹ thì còn là đứa trẻ. Giờ con về nhà không thấy mẹ, đi đâu cũng không tìm ra mẹ, những hôm trái gió trở trời, không còn ai gọi điện nhắc con - đứa trẻ lớn đầu, phải giữ ấm họng, uống bia đừng cho đá nhiều.
Một đêm con nằm ngủ mơ củ khoai con giấu trong đống rơm sau nhà biến mất. Con chạy vào bếp tìm mẹ, hỏi hai thằng em con đâu, có phải chúng nó ăn hết khoai rồi, mẹ ngồi im không nói. Con cứ gọi: “Mẹ ơi, mẹ ơi” rồi giật mình thoát khỏi giấc ngủ. Quái lạ, cái đói, cái trò tinh nghịch, cái củ khoai lăn lóc từ thời thơ ấu, lăn cả vào giấc mơ con. Mẹ cũng vẫn ở đó, trong giấc mơ tuổi thơ, nhưng không còn nói gì.
Mọi năm Tết đến con vẫn cãi nhau với vợ vì sẽ về với mẹ mình hay mẹ vợ. Năm nay thì mọi tranh cãi đều vô nghĩa, con không còn mẹ để về, ngôi nhà mẹ giờ vắng tanh, mất mẹ, con như thể trẻ lang thang mất nhà.
Con hối hận vô cùng vì lúc mẹ còn sống đã không quan tâm, chăm sóc mẹ đủ nhiều. Mẹ sinh được ba đứa con trai, ai cũng khen mẹ có phước. Cha đi chiến trường, hy sinh không rõ ngày mất. Ngày cả nước mừng giải phóng cũng là ngày mẹ con ta nhận giấy báo tử.
Nhiều khi con vẫn ước giá mà mẹ có một mụn con gái. Không phải phân biệt nam nữ gì, chỉ là con thấy ba thằng con mẹ vô tâm, kiệm lời quá, con dâu lại khắc tính mẹ. Mẹ đã cô đơn nhường nào kể từ khi chúng con lần lượt lập gia đình, giá mà có cô con gái tỉ tê, tâm sự, mẹ đã bớt cô độc.
Trong nhà từ chuyện bé đến lớn, ba nàng dâu luôn tị nạnh nhau, cuối cùng là mẹ làm hết. Anh em cũng có lần bất hoà, xích mích vì những chuyện không đâu. Mẹ gồng gánh nuôi con đến còng lưng, về già lại chứng kiến những cảnh như vậy, chắc mẹ đã đau lòng lắm.
Mấy năm trước mẹ nhập viện mổ chân, các con thay phiên nhau vào chăm mẹ. Mới được hai tuần thì đã bắt đầu lời qua tiếng lại: “Sao chị là dâu cả mà không cáng đáng phần nhiều?”, “Chú út làm việc tự do, thời gian tự chủ, sao không vào chăm mẹ hẳn luôn?”, “Từ hôm mẹ ốm đến giờ, chị dâu thứ đã ló mặt được ngày nào?”, “Hay là thuê người trông hộ?”…Vô tình mẹ nghe được, mẹ không trách các con, chỉ lặng lặng xin bác sỹ cho xuất viện sớm. Nhưng bác sỹ không đồng ý. Cuồi cùng ba con trai thay phiên nhau trông mẹ, không phiền đến vợ con nữa.
Cuối đời, mẹ dù ốm yếu vẫn không muốn đi ở với người con nào vì mẹ biết ở với ai cũng sẽ khiến con dâu phật ý, gia đình con lục đục. May mà có dì út ở gần, chạy qua chạy lại cơm nước cho mẹ.
Mẹ giờ đã về trời, vu lan này con cài lên ngực bông hồng trắng, có ân hận, tiếc thương đến mấy cũng không thể níu mẹ lại trần gian. Những ai còn có bông hồng đỏ, xin hãy biết trân trọng vì sinh lão bệnh tử rồi sẽ đến không lời hẹn trước, cũng không hề cảnh báo sẽ mãi mãi cướp đi những gì thiêng liêng nhất.