Vũ khí trả thù chồng

Chia tay vợ, anh nuôi đứa con trai sáu tuổi. Một năm sau, anh và tôi gặp nhau. Một năm sau nữa, anh ngỏ lời.

 

Trước lễ cưới một ngày, vợ cũ của anh gọi điện thoại: “Tôi với cô không nợ nần gì, nhưng tôi hận anh ta, cô không tránh ra, sau này đừng trách”.
 
Vũ khí trả thù chồng


 

Cú điện thoại khiến tôi lo lắng kinh khủng, thậm chí còn có ý nghĩ... sao cô ấy không hăm dọa sớm hơn, giờ làm sao tránh ra kịp được chứ? Sau này, khi mệt mỏi quá, tôi lại tự hỏi, nếu tránh kịp, liệu mình có tránh không? Chắc là không! Vì tôi yêu anh nhiều lắm. Nói vậy không có nghĩa là bây giờ tình yêu tôi dành cho anh cạn dần theo nỗi ngao ngán, mà vì tôi không biết mình sẽ tiếp tục như thế nào.

 

Suốt tiệc cưới tôi hồi hộp chỉ sợ có điều gì đó xảy ra, nhưng không. Cu Bin - con trai của anh, từ chỗ ngần ngại dần trở nên thân thiết, vui vẻ. Tôi quên đi cú điện thoại đó thì chuyện bắt đầu, cứ như cô ấy chờ đến khi chúng tôi đã là một gia đình yên ấm mới ra tay.

 

Cu Bin học yếu nên mùa hè là thời gian để củng cố kiến thức mà không bị áp lực học nhồi. Nhưng, vừa nộp tiền nguyên khóa hai tháng xong, mới đi học được một buổi, cháu lại nói nhớ mẹ, đòi về với mẹ. Mùa hè là để chơi, cô ấy nói vậy. Rồi sau đó là những cú điện thoại Bin vòi vĩnh ba cho tiền để đi chơi. Hết hè, cháu quay trở về với những món đồ chơi đắt tiền, ăn mặc lòe loẹt, tóc nhuộm vàng hoe. Anh nổi giận la mắng không được học đòi kiểu đó thì cháu lăn ra khóc, nói mẹ thương con mà ba không thương. Đến bữa ăn, cháu chọc chọc đũa vào đĩa cá kho, nói ở với mẹ ngày nào cũng được ăn gà KFC ngon lắm. Anh và tôi đang xem chương trình thời sự, cháu nói ở với mẹ được xem phim đã đời, rồi thản nhiên bấm nút chuyển sang kênh hoạt hình…

 

Cứ như vậy, anh nổi nóng, rồi cu Bin la khóc om sòm, hờn lẫy bỏ ăn, bỏ cả học nên học lực đã yếu càng yếu hơn, mà càng yếu thì càng muốn bỏ học, nên kiếm cớ giận dỗi để khỏi phải học và cái cớ chính đáng nhất khiến cả anh và tôi phải khó xử là “con nhớ mẹ quá”. Mỗi cuối tuần về với mẹ, khi quay trở lại, thế nào cu Bin cũng khác đi. Nhà trường cấm học trò nhuộm tóc thì cắt kiểu sao cho thật bụi bặm, khi thì một bên tai đeo bông tòn ten… Đến khi cu Bin cầm về món đồ chơi bạo lực là cặp dao găm thì chồng tôi nổi cáu bẻ đôi quăng thùng rác. Thế là lại khóc nói mẹ thương mà ba không thương.

 

Vòng luẩn quẩn đó khiến gia đình tôi căng thẳng, bức bối vô cùng. Mỗi buổi tối “dụ” cu Bin chịu ngồi vào bàn học là cả một cuộc chiến cam go. Rồi đến lượt những trận cãi nhau của chúng tôi bắt đầu nổ ra vì tôi quá mệt mỏi mà anh thì giận dữ, gắt gỏng. Chưa hết, có những buổi tối không phải cuối tuần, cô ấy cũng gọi điện thoại đến nói nhớ con, đòi đưa cu Bin đi xem kịch hoặc ăn kem. Anh cáu kỉnh đưa ra lý do cu Bin phải học bài ngày mai thì thế nào hôm sau cô ấy cũng lên lớp xin gặp cu Bin, bảo là cho đỡ nhớ và than phiền với cô giáo là vợ chồng tôi cấm đoán…

 

Năm cu Bin học lớp cuối cấp, tôi có thai. Mọi người khuyên khi có thai hãy nghĩ tới những điều vui vẻ để con mình được tươi tắn. Tôi cố vui nhưng làm sao vui nổi. Cô giáo thông báo cu Bin nằm trong nhóm yếu nhất lớp về cả học lực lẫn hạnh kiểm. Nếu cháu không vào được trường cấp II công lập với những nền nếp ổn định thì sẽ ra sao? Bây giờ, không chỉ cu Bin mà tôi còn muốn đứa con mình sinh ra thật ngoan và được sống trong không khí gia đình nhẹ nhàng đầm ấm.

 

Sau nhiều đắn đo suy nghĩ, tôi quyết định gặp vợ cũ của chồng tôi để thuyết phục cô ấy hợp tác trong việc dạy dỗ cu Bin. Nhưng vừa gặp, câu đầu tiên cô ấy nói kèm theo cái cười mũi là: “Tôi đã nói cô tránh ra rồi, tại cô không chịu nghe”. Tôi nhận ra, cuộc gặp này là vô ích. Nhìn cô ta thật đáng ngại, nhất định không chịu lùi bước, nhất định sử dụng con của mình làm vũ khí trả thù chồng cũ.

 

Theo Nguyên Hương

PNO

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm