Vợ và niềm đam mê viết báo
(Dân trí) - Cô tôi và mẹ nàng là chỗ bạn tâm giao, thấy chúng tôi có vẻ hợp nên vun ngay vào. Buổi đầu gặp gỡ, tôi bụng bảo dạ: “Phải chiếm trọn trái tim nàng”. “Nhất cự ly, nhì cường độ”, tôi xung phong thay cô đưa đứa em họ đến nhà nhờ nàng gia sư.
Nàng đánh giá cao sự ga lăng, lãng mạn của tôi, đang có vẻ liêu xiêu và tôi thì “rắp tâm” đốn ngã nàng. Nhờ có quyết tâm cao của tôi mà nửa năm sau chúng tôi cưới nhau.
Nàng là giáo viên dạy Văn, lãng mạn và yêu đời. Nàng cần những câu thơ, bài văn như cần không khí để thở. Nàng yêu nghề, yêu các em học sinh như mẹ hiền yêu con thơ. Mới ra trường nàng bừng bừng trong tim dòng máu sôi sục mong được cống hiến.
Khi nàng trở thành cô giáo có thâm niên, tôi thở phào yên tâm, nàng đã đủ kinh nghiệm. Chỉ qua vài khóa học sinh, các bài giảng như thấm sâu vào tâm trí, đâu cần nhiều thời gian để chăm chút, chuẩn bị, nàng sẽ rảnh hơn, tha hồ chăm sóc gia đình.
Nhưng không đơn giản thế, nàng chờ lâu mà không được biên chế đâm lo. Nghĩ cũng tủi khi công sức mình không được đánh giá đúng. Lương giáo viên dạy hợp đồng chẳng thể đủ cho nàng nuôi thân, nói chi nuôi con. Vậy là không biết nghe ai bày, nàng hí húi viết báo.
Ít lâu sau bài được đăng, có vài người khen vì thích phong cách ấy, vậy là nàng viết đều đều, vừa kiếm thêm thu nhập, vừa thỏa niềm đam mê cho văn học cũng như nhu cầu được tâm sự.
Mới đầu tôi rất tự hào về người vợ đa tài, đảm đang nên đi khoe khắp lượt đồng nghiệp, bạn bè. Sau tôi lại thấy mình dại khi những bài nàng viết có những nhân vật nam chính tốt và sáng ngời thì mọi người thi nhau nhìn tôi thán phục, đến bài có những hình tượng bặm trợn, ngoại tình, cờ bạc… họ lại nửa đùa nửa thật: “Cậu bê bối quá!”.
Lần nàng hào hứng khoe về tác phẩm mới hoàn thành, tôi cười: “Thể nào trong đó chả có người chồng khốn khổ của em”. Nàng tròn mắt: “Anh biết hay vậy?” Tôi vờ than: “Trời đã sinh ra vợ, ắt phải sinh thêm ta. Ai hiểu em bằng anh nào!”. Rồi tôi trêu nàng: “Cô nhân viên mới tưởng anh hai vợ đấy! Do mấy người kháo nhau vợ anh là nhà báo, vậy mà hôm hỏi, anh lại bảo là giáo viên”. Nàng mủm mỉm cười.
Trước, bố mẹ vợ tôi thường rền rĩ: “Một nghề cho chín còn hơn chín nghề. Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” nhưng giờ mọi người đã thay đổi cách nhìn về nàng và nghề viết. Nàng bảo tôi, viết báo rất hữu ích, nó rèn cho nàng biết nhìn nhận vấn đề bao quát, trình bày quan điểm toàn diện, thấu đáo hơn.
Kinh tế nhà tôi nay khá hơn, nàng đã được biên chế, cuộc sống nhìn chung là ổn định, song nàng vẫn viết lách đều đặn tựa một sở thích, thói quen khó bỏ hay như những suy nghĩ cố mong được tỏ bày.
Và hơn cả, văn học là nhân học. Đọc những gì nàng viết, người ta sẽ hiểu nàng là người thế nào. Có một nhà báo trong nhà rất thú vị!
Triệu Bình Yên