Vợ oai, chồng oải

Lấy phải bà vợ có sở thích sai vặt, các ông chồng dù chỉ muốn được yên một lát cũng không xong.

 
Vợ oai, chồng oải  - 1


Tự hào là được chồng chiều chuộng nên Kim luôn lấy le với bạn bè bằng cách sai chồng mọi việc lớn nhỏ.

 

Buổi chiều hết giờ làm, Kim hẹn với mấy cô bạn đi mua sắm rồi đi ăn nên gọi ngay chồng đến “mang xe về cho em, vì em đi chung với bạn, tối về muộn đi xe một mình sợ lắm”. Thế là Hào lóc cóc đi xe ôm lên cơ quan vợ để lấy xe, khiến mấy cô bạn Kim cứ xuýt xoa ghen tỵ mãi.

 

Mấy lần quên điện thoại, Kim nhờ chồng, lúc đó cũng đang đi làm, về nhà lấy mang đến cho cô. Rồi những lần mời bạn đến nhà chơi, cô bảo chồng làm hết cái nọ đến cái kia, kể cả những việc trong tầm tay mình, cốt để “khoe” quyền lực với bạn. Đúng là Hào chiều vợ thật nhưng cuối cùng cũng chịu không nổi khi cứ phải thường xuyên phục vụ vợ những việc hết sức nhỏ nhặt như thế.

 

Lần ấy mấy cô bạn đến rủ Kim đi xem hàng tại một siêu thị mới khai trương, vội xuống tầng một mà quên mang theo ví, tiện miệng Kim “nhờ” luôn chồng đang đứng tỉa cây: “Anh lên lấy hộ em cái ví ở ngăn kéo”. Trước mặt mấy cô bạn mà bị vợ sai chẳng khác nào… “thằng ở”, Hào bốc hỏa, gắt lên: “Cô vừa phải thôi, muốn lấy thì tự đi mà lấy”, rồi quay lưng bỏ vào nhà. Lần ấy Kim được phen tẽn tò trước mặt mấy cô bạn.

 

Quay chồng như chong chóng

 

Anh Dũng lấy vợ khi đã gần tứ tuần. Thoa, vợ anh kém chồng gần chục tuổi, là một phụ nữ đảm đang và đặc biệt lúc nào cũng ngọt ngào. Cô đơn lâu ngày, nay có vợ trẻ, lại suốt ngày được nghe vợ ríu rít “anh ơi, anh à” nên Dũng hạnh phúc lắm. Thoa làm việc gì cũng muốn có chồng bên cạnh, làm cùng. Đầu tiên Dũng không những nhiệt liệt hưởng ứng mà còn cảm thấy thích thú vì vợ chồng như đôi chim cu bên nhau. Nhưng dần dà anh nhận ra được cái “bệnh nan y” của vợ là thích sai vặt, toàn những thứ mà cô hoàn toàn có thể tự làm lấy được.

 

Thoa đang nhặt rau bí trong bếp, Dũng về, còn chưa kịp dựng chiếc xe đã nghe vợ gọi “anh ơi vào bóc giúp em mấy củ tỏi”. Có lần đang ở cơ quan làm vội cái báo cáo cho sếp, anh nhận được tin nhắn của vợ: “Anh ơi tí về mua cho em quả chanh nhé, hôm nay em làm món nộm rau muống”. Dũng bận chưa trả lời, thế là Thoa gọi điện ngay, đúng lúc anh đang vò đầu bứt tai vì bị sếp vặn vẹo mấy con số trong bản báo cáo. Vừa nghe mấy chữ “mua chanh”, Dũng đã hét lên trong điện thoại: “Không có thì nhịn đi” rồi tắt phụt máy.

 

Dũng bực nhất là lần mời gia đình một người bạn của anh đến ăn cơm vào cuối tuần. Vì đã quen “nhờ” chồng nên Thoa chẳng cần để ý gì đến khách, cứ hồn nhiên “quay” chồng như chóng chóng khi chuẩn bị món ăn. Dũng ngồi nói chuyện với bạn ngoài phòng khách, chốc chốc lại nghe tiếng vợ véo von trong bếp: “Anh ơi vào em nhờ chút”. Nội dung cái sự “nhờ” ấy lúc thì là “cho em nắm muối vào chậu rau để ngâm”, lúc thì “vặn nhỏ giúp em cái bếp ga, em đang dở tay”. Có lúc Thoa gọi với luôn ra phòng khách: “Anh ơi, chạy ra đầu ngõ mua giúp em nghìn hành, vừa nãy em quên mất”. Bực mình lắm nhưng Dũng vẫn phải cố kiềm chế vì chả lẽ lại quát vợ trước mặt khách.

 

Biện minh cho tính thích sai chồng, Thoa cho rằng dù chỉ là việc nhỏ nhưng vợ chồng cùng làm thì sẽ vui và tình cảm hơn, thời gian hai người ở bên nhau càng ý nghĩa. Thế nhưng, ngược với mong muốn của Thoa, Dũng thường tránh về nhà sớm vì sợ phải nghe những lời “ngọt ngào” kiểu đó. Còn Kim, ấm ức vì lần bị chồng làm bẽ mặt trước bạn bè, cũng thanh minh: “Mình đâu có coi chồng là thằng ở như anh ấy kết tội, chỉ muốn tỏ ra nũng nịu chồng chút thôi mà”.

 

Chuyên gia tâm lý Lê Thu, Trung tâm tư vấn Người bạn tri kỷ, thừa nhận, vợ chồng cùng làm việc chung như cùng nấu ăn, làm vườn, dọn dẹp nhà cửa… là cơ hội rất tốt để tăng cường sự gắn kết tình cảm. Tuy nhiên, không phải việc gì cũng làm chung, hay việc gì người vợ cũng nhất quyết phải để chồng làm một nửa. Việc có thể sắp xếp cùng làm phải do cả hai tự nguyện và cảm thấy thật thoải mái.

 

Còn nếu một bên cảm thấy bị bắt buộc hay có cảm giác bị sai khiến thì sẽ đem đến sự khó chịu, ức chế. Đặc biệt là đối với đàn ông, họ sẽ vui vẻ làm việc nhỏ giúp vợ nhưng phải là với tư thế tự nguyện. Còn khi bị vợ sai khiến, nhất là trước mặt người khác, họ sẽ cảm thấy bị coi thường và khó chấp nhận, chuyện phát khùng lên cũng là dễ hiểu. Vì thế, nếu muốn “sai” chồng, chị em cần phải khéo léo.

 

Theo Báo Đất Việt