Vợ không… “sành điệu”

Vợ chồng em sống theo kiểu phân công tự nguyện, anh ấy đi làm cho một công ty nước ngoài, lương cũng trung bình khá so với mức sống hiện nay, và đang tích lũy để thành lập công ty riêng, em thì lo toan gia đình, con cái.


Vợ không… “sành điệu”



Dù em cũng có chuyên môn, nhưng phải hy sinh để có thời gian chăm sóc gia đình. Do không làm ra tiền nên em rất có ý thức dành dụm, tiết kiệm. Anh rủ đi ăn hàng nhiều là em thấy xót ruột, thậm chí đi du lịch nước ngoài em thấy không thật cần thiết là không đi. Nếu có tiền thì để dành cho con đi học sau này. Em hay lo xa. Anh không hiểu nên cho là em quá yêu tiền, không biết hưởng thụ. Những hoạt động giao du của anh nếu chỉ là chơi cho vui thì em ít tham gia, không mặn mà với các cuộc chơi bạn bè. Nhiều người khen em là biết lo thu vén, không ăn chơi phá của hay đua đòi. Vậy mà anh lại có vẻ không hài lòng, dù không thể chê được em. Anh bảo em không biết sống đúng với hoàn cảnh, có khi người ta coi thường. Anh đi đâu mà không có việc cần thiết thì em không thích đi theo. Ai hỏi thì anh còn đùa, tôi bị “độc thân”. Đi picnic với bạn bè, có khi em chuẩn bị thức ăn là anh la rầy, bảo ăn tiệm, đừng “lôi thôi” quá, bạn nó cười.

Không lẽ em phải như các bà vợ của bạn anh, thành thạo chốn ăn chơi, tiêu tiền không tiếc, sành điệu, thế mới là khôn và làm cho chồng tự hào? - Phạm Thị Hảo (Q.1, TP.HCM)

Em Hảo quý mến,

Nhiều người đàn ông thành đạt trong thương trường đang phải chịu nỗi khổ ngược lại kia. Ví dụ như khi chồng làm ra tiền thì vợ ăn chơi, tập làm “phu nhân” bằng cách ra vào các tiệm massage, làm đẹp, mạnh tay tiêu tiền. Có người sợ chồng theo gái nên chạy đua bằng cách trang điểm, chăm chút sắc đẹp quá kỹ, nhiều khi thành lố. Hoặc có bà tìm cách săm soi quản lý chồng. Nhiều người còn giết thời gian bằng cách đánh bạc, đi shopping liên miên, việc nhà thì giao cho ôsin, dần dần họ đánh mất vai trò của mình trong gia đình.

Chồng em muốn vợ quảng giao, cùng chồng tạo thêm các mối quan hệ hỗ trợ cho mình, còn em lại cho đó là phù phiếm. Khi chồng làm ăn thành công, có nhiều mối quan hệ bạn bè, có một số cuộc vui chơi, tiệc tùng, nhìn qua những điều đó em không thấy có mục đích gì, không thấy có “lợi “ gì cụ thể, nhưng phù phiếm thì không hẳn, phải xem xét thêm.

Bảo em phải thay đổi thành một người khác không đúng với bản chất và thói quen của mình trong sinh hoạt, cũng thật khó. Nhưng vậy không có nghĩa là em vẫn cứ giữ lấy các thói quen làm tổn hại đến mối quan hệ với chồng mình. Hạnh Dung nghĩ em có thể thay đổi một chút, cần có một số kỹ năng để giúp cho cuộc sống và công việc, các mối giao tiếp của chồng có hiệu quả và dễ chịu hơn. Em cũng có nghe các bà các cô, kể cả con cái doanh nhân theo học các lớp giao tiếp, từ đi đứng, ăn mặc trong tiệc tùng… Những điều đó không phải phù phiếm. Em có thể điều chỉnh mà vẫn giữ bản chất con người mình, thay đổi một chút để giúp chồng không cảm thấy “bị bỏ rơi” trong mắt mọi người. Anh ấy cần có em bên cạnh, vậy phải thấy vui, vì trên thực tế có nhiều đàn ông hay thấy phiền hà tù túng khi có vợ bên cạnh.

Thế em nhé. Giao tiếp thành công, sành điệu, am hiểu cuộc sống cũng là một ưu điểm, một lợi thế của người vợ mà.

Theo Hạnh Dung
PNO