Vợ ít nói tệ hơn vợ lắm lời!

Trong khi cánh đàn ông có vợ hay than vợ nói nhiều, thì tôi lại buồn vì vợ suốt ngày im như thóc.

 

Vợ ít nói tệ hơn vợ lắm lời! - 1


Thật ra, hồi còn yêu nhau, cái tính ít nói của Hà, bà xã tôi bây giờ, đã hấp dẫn tôi. Hồi đó, khi đến nhà trọ thăm cô em họ, trong khi các cô gái khác trong phòng thi nhau “thao thao bất tuyệt” thì Hà chỉ lặng lẽ một góc, không nói câu nào. Chính điều đó đã gây ấn tượng, khiến tôi theo đuổi.

 

Yêu nhau, thường chỉ có tôi huyên thuyên đủ chuyện. Còn Hà thì ngước mắt nhìn tôi, say sưa lắng nghe, thỉnh thoảng tủm tỉm cười. Khi đưa Hà về ra mắt gia đình, sau câu nói: “Cháu chào hai bác ạ”, Hà ngồi im suốt thời gian còn lại. Bố mẹ tôi hỏi câu nào, Hà trả lời câu ấy, ngắn gọn, chủ yếu là “vâng”, “dạ”. Mà cách trả lời của cô ấy cũng miễn cưỡng, như bị bắt buộc. Ví dụ, hỏi “Ba mẹ cháu làm nghề gì”, đáp “Công chức ạ!”; “Nhà cháu có mấy anh em?”; “Hai ạ!”… Có khi, Hà không trả lời mà chỉ gật, lắc hoặc cười trừ. Mẹ tôi hỏi: “Cháu và con trai bác có định gắn bó lâu dài không?”, Hà cười, ngượng nghịu. Bố tôi hỏi: “Cháu có định hướng gì cho tương lai sau khi tốt nghiệp chưa?”, Hà lắc đầu, im lặng. Nghĩ là cô con dâu tương lai còn e thẹn nên cả nhà không hỏi nữa.

 

Sau khi cưới nhau, tính nàng vẫn vậy, có khi suốt ngày không mở miệng, mặc dù việc nhà luôn hoàn tất, chăm sóc chồng chu đáo… Nhưng nàng chỉ làm trong im lặng. Buổi sáng, thấy nàng còn ngủ, tôi hỏi: “Dậy chưa?”. Nàng ngồi lên, vuốt tóc, ra khỏi giường, chẳng buồn nhếch mép. Lúc đầu, chưa quen với sự “kiệm lời” của nàng, tôi lo lắng: “Sao thế? Em mệt à?”. Nàng lắc đầu. Tôi hỏi tiếp: “Sao em không trả lời?”. Nàng ngạc nhiên: “Trả lời gì? Anh hỏi dậy chưa? Thì em dậy rồi. Anh không thấy sao?”.

 

Vốn quen với môi trường luôn rộn rã tiếng nói cười lúc ở nhà, thời gian đầu, trong các bữa ăn, tôi muốn trò chuyện với nàng bằng những câu thông thường như: “Đêm qua em ngủ ngon không?”, hay: “Chủ nhật này chúng mình về thăm bố mẹ nhé !”… Thay vì đáp lại, nàng chỉ gật hay lắc.

 

Để có không khí vui vẻ, tôi đành độc thoại, kiểu như: “Tối qua mát trời, anh ngủ ngon ghê!”. Hoặc: “Chiều, em ghé chợ mua ít trái cây nhé!”. Thấy nàng im lặng, tôi hỏi: “Em có nghe anh nói không?”. Nàng ngẩng lên: “Em đâu có điếc!”. Giọng nàng dịu dàng. Chứng tỏ nàng không giận dỗi. Song, cái cách “ngậm hột thị” như vậy khiến tôi không vui. Cứ một mình “độc thoại”, tôi cũng chán nên trong nhà chẳng mấy khi có tiếng nói.

 

Ăn sáng xong, chúng tôi chia tay nhau đi làm. Tôi dắt xe máy ra cổng cho nàng, chờ đợi một tiếng chào hay lời hẹn gặp lại. Nhưng nàng chỉ lặng lẽ leo lên xe. Chiều về, sau một ngày không gặp nhau, tôi mỉm cười hớn hở chứng tỏ niềm vui đoàn tụ. Nàng cũng chỉ hơi nhếch mép thay cho nụ cười rồi đi thay quần áo, xuống bếp… Đến bữa, tôi rất muốn trò chuyện, tâm sự với nàng nên gợi ý, hỏi thăm nàng về công việc, đồng nghiệp, bạn bè... Song, nàng làm như đang mải ăn, thờ ơ: “Bình thường!”, “Không có gì!”, khiến những câu chuyện, câu hỏi của tôi cứ rơi tõm vào im lặng một cách vô duyên.

 

Song, nếu chỉ vợ chồng với nhau còn đỡ. Hôm rồi, bạn bè đến nhà chơi. Nàng pha nước, đặt trên bàn rồi bỏ đi. Đến một câu mời cũng không có khiến cả khách và chủ đều cảm thấy ngượng ngùng. Đặc biệt, hôm đám cưới anh bạn, nàng chỉ gật đầu với mọi người thay cho lời chào. Sau đó, bạn bè gặp tôi trách: “Vợ cậu khinh người quá thể đấy!”. Tôi đành cười trừ.

 

Thấy chưa? Vợ ít nói có khi còn tệ hơn vợ lắm lời!

 

Theo Duy Thảo

PNO