Vợ cũ dẻo mỏ quay về "ám quẻ" hôn nhân mới của chồng cũ
(Dân trí) - Đối với một người đã đi qua một cuộc hôn nhân, lại đã có con, thì sau khi tái hôn sẽ bị ràng buộc bởi nhiều mối quan hệ giữa vợ mới - vợ cũ, con chung - con riêng mà nếu không xử lý khéo léo sẽ gây nên nhiều nỗi phiền hà cho người trong cuộc.
Gặp vợ cũ của chồng liên tục đến nhà làm phiền, chắc chắn người phụ nữ nào cũng sẽ thấy phiền lòng, khi mà người của quá khứ vẫn xuất hiện trong hiện tại. Cô vợ cũ kia thiếu tế nhị thì không nói nữa rồi. Dù gì trong cuộc hôn nhân của mình, cô ấy là người “bị đá”, tất nhiên cũng có những nỗi ấm ức, những chuyện không muốn buông bỏ.
Cô ấy đòi nuôi con dù kinh tế không đảm bảo, theo suy nghĩ của tôi không hẳn vì thương con và muốn chăm sóc con mà là muốn giữ một cái gì đó để nối sợi dây ràng buộc với chồng cũ. Nếu là người có tự trọng và hiểu chuyện, chắc chắn cô ấy đã không cư xử như vậy. Vấn đề là chồng bạn cũng rất thiếu thế nhị trong chuyện này.
Ở tâm thế người làm cha và là một người cha có trách nhiệm, dĩ nhiên anh ấy không thể không quan tâm đến con mình. Việc nhìn con của anh ấy và bạn lớn lên có cha có mẹ đủ đầy càng khiến anh ấy có tâm lý phải bù đắp cho đứa con riêng với người vợ trước. Chính vì lẽ đó anh ấy đã có “thái độ” khi thấy bạn ý kiến vì chuyện vợ cũ hay đưa con riêng đến nhà mà vô tình không để ý đến tâm trạng của bạn.
Hãy đề nghị anh ấy trao đổi thẳng thắn với vợ cũ về việc nên hạn chế đến nhà mình nếu không có lý do gì cần thiết. Về lâu về dài mà cô vợ cũ không thay đổi thì lúc đó bạn hãy trực tiếp gặp cô ấy nói rõ quan điểm của mình. Chẳng cần biết cô ấy hay đến nhà chỉ đơn thuần là xin tiền hay có mục đích gì khác nhưng gia đình của bạn, mái ấm của bạn, bạn nhất thiết phải bảo vệ và giữ gìn, chẳng có gì phải suy nghĩ quá nhiều về việc đó.
Việc cô ấy đưa con về ông bà nội và cư xử như “người nhà” bạn chẳng nên bận tâm, xét cho cùng chẳng ảnh hưởng gì đến bạn cả. Bạn cũng đừng ngần ngại bày tỏ cảm xúc và suy nghĩ của mình về việc vợ cũ của anh ấy hay đến nhà. Hãy thẳng thắn rằng bạn không để tâm đến quá khứ của anh ấy không có nghĩa là sẽ chấp nhận nó như hiện tại. Nếu số tiền trợ cấp nuôi con không đáp ứng đủ nhu cầu ăn học của đứa bé, hãy bàn với chồng tăng số tiền trợ cấp lên. Thỉnh thoảng vào những ngày lễ tết hay đầu năm học, khi mua quà hay quần áo cho con mình, bạn cũng hay chủ động mua thêm một phần đồ cho con riêng của chồng. Nếu bạn có thành ý, chắc chắn chồng sẽ cảm kích và càng nể trọng bạn hơn.
Hôn nhân tan vỡ là điều không ai muốn, nhưng một khi đã chia tay thì phải dứt khoát rõ ràng. Người ta thường bảo “nói phải củ cải cũng nghe”. Bạn đã chấp nhận làm vợ anh ấy thì hãy cùng chung vai làm tròn bổn phận trách nhiệm của cha mẹ đối với cả con riêng của anh ấy. Nếu bạn cư xử đúng mực, có tình có lý thì chồng bạn sẽ không có lý do gì để nghĩ lệch lạc chuyện con chung con riêng gì cả.
Phản hồi của độc giả Lý Xuân
Mời bạn tham gia bình luận gỡ rối cho các bài viết trong chuyên mục "Chuyện của tôi" bằng cách nhập "Nội dung bình luận" phía cuối bài và ấn nút "Gửi bình luận". Các bình luận thú vị, có giá trị sẽ được chọn đăng trên chuyên mục Tình yêu - Giới tính và nhận nhuận bút từ Tòa soạn. Trân trọng!