Vợ chồng trẻ siết chặt chi tiêu trong bão giá: Cắt spa, giảm giải trí
Từ khi giá cả tăng dần, chị Quỳnh Anh phải hạn chế hoặc cắt bỏ một số khoản chi tiêu như đưa con đi khu vui chơi, xem phim, mua sắm cho bố mẹ.
Dạo một vòng chợ, chị Thu Quỳnh (Hà Nội) khá "choáng" khi các mặt hàng tăng giá chóng mặt. Với 25 nghìn đồng, chị mua được một mớ rau muống, một mớ mồng tơi, 5 quả sấu và vài cọng hành lá.
"Giá trứng gà công nghiệp cũng lên 32 nghìn/chục. 100 nghìn mua được 4 lạng thịt lợn và 2 lạng thịt bò. Hỏi chị bán hàng thì người ta bảo giá cả lên lâu rồi và còn lên nữa vì giá xăng vẫn đang tăng".
Bà mẹ hai con cho biết, việc tăng giá đang hiện diện rõ rệt trên mâm cơm, túi tiền của những người nội trợ mỗi ngày.
"Với một gia đình trẻ nhẩm tính sơ, mỗi ngày tiền gạo, dầu mắm muối cũng hơn 200 nghìn, chưa kể sữa, bỉm, ăn sáng cho con. Hai vợ chồng, 2 đứa con sống tằn tiện cũng hết 8-9 triệu đồng, chưa kể thuê nhà, con ốm mẹ đau, và hàng trăm thứ chi khác, thứ nào cũng tăng giá.
Ước mơ mua nhà là quá xa xỉ vì giá đất đã cao gấp hơn 20 lần thu nhập trung bình. Chi phí tinh thần như xem phim, nghe nhạc, đi chơi thì thôi đừng tính".
Theo chia sẻ của các bà nội trợ, giá cả các mặt hàng thực phẩm tăng lên rõ rệt.
Giống như nhà chị Quỳnh, gia đình chị Phương Anh (Long Biên, Hà Nội) cũng phải cân đối lại chi tiêu dạo gần đây. Nhà chị có 4 người - gồm 2 vợ chồng và 2 con 10 tuổi và 7 tuổi. Bữa ăn hằng ngày chủ yếu có rau, thịt lợn, thịt gà vịt, trứng... Mỗi ngày, chị cân đối tiền chợ từ 200-300 nghìn/ngày. Việc xăng tăng giá kéo theo rất nhiều mặt hàng tăng theo như dầu ăn, đường, rau, thịt, cá… "Một mớ rau tăng từ 8 lên 16 nghìn, thịt lợn tăng từ 100 lên 130-140 nghìn/kg".
Thỉnh thoảng, chị không nấu cơm thì cả nhà ra ngoài ăn bún, phở... giá cả cũng tăng từ 35 lên 45 nghìn/bát.
Từ khi giá cả tăng dần, chị phải hạn chế hoặc cắt bỏ một số khoản chi tiêu như đưa con đi khu vui chơi, xem phim, cắt giảm mua sắm cho bố mẹ. "Việc đi spa là mình gần như cắt hẳn", chị chia sẻ.
Tính toán kỹ lưỡng như vậy nhưng mỗi tháng gia đình chị đều tiêu tốn khoảng 30 triệu đồng, bao gồm cả khoản trả góp mua nhà 10 triệu, 2 con học hành 10 triệu, sinh hoạt phí và điện nước 9-10 triệu.
Chị Quỳnh Anh tâm sự, giống như nhiều cặp vợ chồng trẻ khác, hiện tại gia đình chị có 2 khoản tiêu cố định là trả nợ tiền nhà và tiền cho các con đi học. Ngôi nhà được mua từ năm 2018, trả góp trong vòng 15 năm.
Trước năm 2018, vợ chồng chị đều là công chức Nhà nước, lương mỗi người từ 3,5-5 triệu đồng/tháng. Xét thấy thời gian và lương đi làm không đủ chi tiêu nên 2 vợ chồng quyết định nghỉ việc ra ngoài kinh doanh tự do. Bây giờ, chồng chị mở studio, còn chị bán hàng online và chăm sóc con cái.
"Mấy năm dịch bệnh nên công việc của chồng mình bị ảnh hưởng nhiều. Còn việc bán hàng của mình, vì ảnh hưởng sau dịch và giá cả các mặt hàng tăng nên buôn bán cũng chậm hơn rất nhiều".
Đồng cảm với việc này, chị Lê Ngát (Nam Từ Liêm, Hà Nội) - một bà mẹ có nghề tay trái là bán hàng online - cũng thừa nhận, giá cả tăng lên khiến sức mua giảm xuống, từ đó dẫn đến thu nhập của chị cũng giảm.
"Có những mặt hàng thực phẩm tăng gần gấp đôi, quạt máy, nồi chiên không dầu, máy ép hoa quả… cái gì cũng thấy tăng vì xăng tăng, kéo theo chi phí vận chuyển tăng".
Đó là thu nhập đầu vào, còn chi tiêu trong gia đình chị trước giờ vẫn theo tiêu chí tiết kiệm nhất có thể vì 2 vợ chồng vẫn còn món nợ mua nhà chưa giải quyết xong. Tuy nhiên, chị Ngát chia sẻ, nhà chị chỉ đi xe máy, không có ô tô nên chi phí xăng xe vẫn còn "nhẹ nhàng" so với nhiều gia đình khác.
Nhà chị Hằng hàng xóm của chị Ngát có một chiếc ô tô để người chồng đi làm hằng ngày và thường xuyên đi công tác các tỉnh miền Bắc. Bây giờ mỗi chuyến đi, chi phí đi lại gần như gấp đôi so với trước mà thu nhập của anh thì không thay đổi. "Tính trung bình tháng đi 5-7 chuyến công tác là xăng xe đã tốn hơn so với trước khoảng 2 triệu đồng", chị Hằng cho biết.
Còn chị chỉ đi xe máy nhưng thường xuyên đưa đón con đi học thêm dịp hè, tiền xăng cũng chiếm một khoản đáng kể. "Trước tôi đổ 100 nghìn được đầy bình, giờ phải 200 nghìn mới đầy. Trước, hôm nào nắng nóng, mưa to hay đường xa tôi bắt taxi công nghệ nhưng bây giờ cước xe quá cao. Đưa đón con cả đi cả về lại mất 100-200 nghìn, nghĩ tiếc tiền tôi lại thôi, chịu khó đi xe máy".
Chị Hằng cho biết, giá cả thực phẩm tăng có thể không ảnh hưởng nhiều đến gia đình chị vì nhà chỉ có 3 người, ăn ít, lại hay được ông bà ở quê gửi đồ ăn lên. Nhưng cái ảnh hưởng nhiều nhất đến sinh hoạt của gia đình là giá xăng vì nhà chị đi lại nhiều:
"Đợt này trời lại nắng nóng, mỗi lần ở ngoài đường về là chỉ muốn nằm vật xuống giường, bật điều hòa hết cỡ. Tháng này, theo dự kiến của tôi, chắc phải tầm 2 triệu tiền điện.
Vợ chồng nhiều khi lời ra lời vào vì ai đi làm về cũng mệt, ra ngoài ăn mãi cũng tốn, mà trời nóng bức, mệt mỏi thì thực sự không muốn vào bếp nấu cơm".