Vợ chồng tôi bị chê bất hiếu khi "trốn Tết", nỗi buồn đằng sau ai thấu hiểu
(Dân trí) - Vợ chồng tôi phải chọn cách "trốn Tết" trong khi mọi người quây quần vui vẻ vì nỗi khổ tâm không ai hiểu.
Trong khi mọi người hối hả về quê ăn Tết, vợ chồng tôi chọn ở lại nội thành. Căn hộ chung cư không khác gì ngày thường, ngoài việc có thêm cành đào với chậu quất nhỏ và vài ca khúc nhạc Tết, như vậy là tạm đủ.
Chúng tôi cưới nhau đã 8 năm, đến nay vẫn chưa có con. Trước đây, vợ chồng tôi kế hoạch một thời gian để lo sự nghiệp rồi mới quyết định có con nhưng không đậu thai. Sau khi đi khám, bác sĩ kết luận cả hai vợ chồng đều có vấn đề về sức khỏe sinh sản. Chúng tôi điều trị, kiên trì mang thai tự nhiên nhưng không thành.
Sau 6 năm chờ đợi, chúng tôi mệt mỏi với những câu hỏi của gia đình hai bên và họ hàng về chuyện con cái nên quyết định nhờ biện pháp can thiệp của y học. Tuy vậy đến nay, mọi chuyện chưa thành công. Chúng tôi chọn nghỉ ngơi một thời gian để "tìm con" thêm lần nữa.
Năm vừa qua, vợ chồng tôi thất bại trong chuyện thụ thai nhờ biện pháp can thiệp. Chuyện tốn kém tiền bạc chỉ là một phần, vấn đề tâm lý nặng nề khiến chúng tôi không còn hào hứng với Tết.
Vì vậy, hai vợ chồng đã đặt vé máy bay để tận hưởng 5 ngày Tết ở nước ngoài. Lúc chúng tôi báo tin không về quê ăn Tết, bố mẹ chồng giận dỗi, mắng nhiếc rất nhiều. Bố mẹ cho rằng, Tết là lúc sum họp, về nhà quây quần cùng anh chị em trong nhà là điều phù hợp với lẽ đời. Con cái không về quê là bất hiếu với người lớn tuổi.
Trong câu chuyện qua điện thoại, bố chồng tôi còn trách móc đến nay vẫn chưa có con, không lo tiết kiệm để thực hiện biện pháp can thiệp, còn chi tiêu tốn kém đi chơi. Mẹ chồng tôi yêu cầu trong năm tới phải sinh con, không thể kéo dài lâu hơn.
Tôi hiểu suy nghĩ và mối lo lắng của bố mẹ chồng nhưng áp lực tâm lý mà chúng tôi phải đối mặt rất lớn. Hai vợ chồng cố gắng động viên nhau để năm tới tiếp tục nhờ biện pháp can thiệp. Nếu kỳ nghỉ Tết năm nay chúng tôi về quê, hai đứa đối diện với những câu hỏi chưa có câu trả lời về chuyện con cái càng thêm mệt mỏi.
Mặc dù bố mẹ không đồng ý, chúng tôi vẫn đặt vé để "trốn Tết" ở một nơi chỉ có hai đứa, tận hưởng sự thoải mái và không phải trả lời bất cứ câu hỏi nào.
Tôi nghĩ rằng, cả đời này còn nhiều cái Tết có thể quây quần. Một năm không về quê đón Tết chưa phải là chuyện đáng lên án hay trách móc.
Mọi người có thể nghĩ chúng tôi bất hiếu, không thích sum họp nhưng chuyện đằng sau không phải như vậy. Bất cứ ai cũng mong đến Tết để gặp bố mẹ, anh chị em, con cháu trong nhà nhưng họ không biết được nỗi lòng của những cặp vợ chồng như chúng tôi.
Nếu mọi người không hỏi quá nhiều, mọi chuyện sẽ rất đơn giản. Tuy nhiên, mỗi khi gặp gỡ, câu chuyện đầu tiên là sinh đẻ, so sánh cặp vợ chồng này với cặp vợ chồng khác về chuyện con cái... Tôi cảm thấy những câu nói đó gây căng thẳng và ám ảnh kéo dài.
Có lẽ, chúng tôi "trốn Tết" là cách hợp lý nhất lúc này. Chỉ mong bố mẹ hai bên và gia đình thấu hiểu phần nào, để những Tết sau cả nhà góp mặt đông đủ, không còn ai phải mang tâm trạng buồn bã như những năm vừa qua.
Góc "Chuyện của tôi" ghi lại những câu chuyện trong đời sống hôn nhân, tình yêu. Bạn đọc có câu chuyện của mình muốn chia sẻ vui lòng gửi về chương trình qua hòm thư: dantri@dantri.com.vn. Câu chuyện của bạn có thể được biên tập nếu cần. Trân trọng.