“Vợ chồng sinh viên” ngày... “củ ấu thôi tròn”

Khi “củ ấu thôi tròn”, những màn lâm ly, lãng mạn thuở nào sẽ được thay thế bằng những trận khẩu chiến.

 
“Vợ chồng sinh viên” ngày... “củ ấu thôi tròn” - 1


Xô xát như cơm bữa

 

Chiều Chủ nhật mùa hè nóng nực là lúc nhiều đôi nam nữ tung tăng vui đùa tại khu nhà trọ hay hẹn hò mặn nồng đi chơi, song lại là khoảnh khắc buồn của cặp “vợ chồng” sinh viên Thanh và Nhàn. Nhàn bị Thanh đánh té tát kêu la thất thanh khiến cả khu trọ phải chạy ra can thiệp. Có lẽ mọi người chỉ chậm can ngăn một chút nữa thì chiếc quần jean Nhàn đang mặc cũng bị Thanh xé toang.

 

Lo ngại tình trạng căng thẳng tiếp tục xảy ra khi mà hai bên vẫn “hăng máu” nhiếc móc, chửi rủa nhau gây mất trật tự, cô chủ nhà liền gọi điện nhờ sự can thiệp của công an phường. Một hồi sau Thanh lẳng lặng ngồi bệt xuống bậc thềm nhà bà chủ, có lẽ sau khi mọi người khuyên giải anh mới thấy hành động của mình đáng bị lên án.

 

Đây không phải là lần xô xát đầu tiên của đôi uyên ương. Lần này có lẽ “tình cạn” nên Thanh không ngần ngại “lành làm gáo, mẻ làm môi” với “vợ”, sau đó mang hết đồ đạc chuyển đi nơi khác.

 

Cũng như bao cặp sinh viên tỉnh lẻ khác lên Hà Nội học tập, sự thiếu thốn về vật chất, tình cảm đã đưa Thanh và Nhàn đến với nhau. Tuy vậy, vì quá yêu nhau nên khi Thanh ra trường và Nhàn học năm thứ 4, họ quyết định sống như vợ chồng, bất chấp lời khuyên can của hai gia đình, lời cảnh báo của người thân. Hai người cam kết sẽ không nhận thêm bất cứ đồng tiền trợ cấp nào của gia đình, Thành hứa có thể bao Nhàn tiền ăn, học bằng đồng lương đi làm của anh...

 

Tan giấc mơ hoa

 

“Yêu nhau củ ấu cũng tròn”, cuộc sống khi đang yêu của Thanh và Nhàn đầy những ước mơ đẹp đẽ và lãng mạn. Tuy nhiên, về chung sống như vợ chồng (không cưới xin) một thời gian thì những gánh nặng kinh tế, sức ép công việc, học tập khiến điểm yếu của hai bên bắt đầu lộ ra. Sinh ra trong gia đình khá giả, hưởng an nhàn đã quen, nay vất vả một chút khiến Thanh trở lên cục cằn hơn vì công việc của sinh viên mới ra trường bấp bênh, lương ít ỏi trong khi phải bao tiền ăn, tiền nhà, tiền học cho người tình, đặc biệt trong hoàn cảnh giá nhà thuê, ăn uống tăng hàng ngày.

 

Trong khi đó càng tới năm cuối thì Nhàn cần nhiều tiền hơn cho việc học tập. Nhiều sức ép cũng khiến cô hay cằn nhằn hơn. Mỗi lần như vậy, Thanh lại chửi Nhàn là loại ăn bám, tiêu quá nhiều tiền của anh mà không biết tiếc. Thấy vậy, cô chủ nhà chỉ biết xuống can ngăn và giữ ý không đuổi Nhàn ra nơi khác trọ, vì trong thâm tâm cô vừa bực vừa thương cảnh con gái như Nhàn, xa quê trong khi đang bị gia đình cự tuyệt, người “chồng hờ” lại đối xử với cô tệ bạc...

 

Cũng tại khu xóm trọ sinh viên Thịnh Liệt - Hoàng Mai tồn tại câu chuyện “lành làm gáo, mẻ làm môi” khác của một cặp vợ chồng sinh viên mà chàng là người Yên Bái tên Hoàn, nàng là người Nam Định tên Linh. Sống cùng xóm trọ nên cả hai bén duyên nhau và đã tự ý về chung sống.

 

Cuộc sống thiếu thốn, “muối mặn gừng cay” đã không làm cho họ hạnh phúc như lúc từng “ thề non, hẹn biển”. Mỗi khi nấu ăn, gạo hết, ga hết, nàng đôi khi lại không tiếc lời cằn nhằn chàng là người lười biếng, vô tích sự. Khi ấy, đầu đang rối bù vì học tập, lại phải trông chờ đồng tiền phụ cấp ít ỏi từ gia đình, Hoàn liền thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với Linh, theo đó, bát đũa, xoong nồi nhiều khi rải khắp mặt sân.

 

Trong một lần mâu thuẫn, Hoàn lột hết quần áo của Linh mang ra sân đốt (nhưng mọi người xung quanh dập được) rồi lặng lẽ bỏ đi mặc kệ Linh ở lại với cái thai to tướng. Học năm cuối, một thân một phận bụng mang dạ chửa, Linh quyết định xin nghỉ học để chuẩn bị sinh con. Không chỉ nợ môn học, Linh còn nợ tiền nhà thuê trọ rất nhiều nhưng chủ nhà không dám đuổi đi vì không ai dám “ra tay” với người một mình bụng mang dạ chửa.

 

Thực trạng nhiều vợ chồng sinh viên như thế khiến cho không ít chủ nhà cấm tuyệt đối chuyện cho nam và nữ ở chung hay cho vợ chồng sinh viên ở với nhau, do sợ bị vạ lây về kinh tế, tai tiếng.

 

Bà Nguyễn Thị Nhung ( Thịnh Liệt, Hoàng Mai) có nhiều phòng trọ cho sinh viên thuê cho rằng: Cấm cửa các cặp vợ chồng sinh viên thuê để đỡ phải rơi vào cảnh sinh viên hay nợ tiền nhà.

 

Còn cô Bùi Thị Hạnh, chủ nhà của Thanh và Nhàn ở câu chuyện kể trên, từ vụ đổ vỡ của cặp uyên ương này cũng cấm cửa các cặp vợ chồng sinh viên, dù có hay không có đăng ký hết hôn tới thuê nhà. Nguyên nhân là do so với các cặp vợ chồng khác đã đi làm, “vợ chồng sinh viên” hay lục đục và nợ nần hơn.

 

Theo Văn Nguyễn

Đời sống & Pháp luật