Vợ chồng “phường chèo”

Gọi họ là những cặp vợ chồng phường chèo, bởi những câu chuyện hài hước về họ luôn là tâm điểm chú ý. Và cũng như những vở kịch hàng đêm sáng đèn trên sân khấu, đằng sau sự hài hước luôn là bao điều khiến người ta phải suy nghĩ.

Vợ chồng “phường chèo”  - 1


Phường chèo kiểu xì tin

 

Bà Ngân hốt hoảng khi nghe tiếng cãi vã của vợ chồng cậu con trai út ở trên tầng lẫn tiếng khóc của đứa cháu nội. Bà vội vàng chạy lên, tưởng hai đứa có chuyện gì ghê gớm, ai dè hai vợ chồng đang cãi nhau chuyện đứa nào sẽ phải thay bỉm cho con.

 

Chẳng ai nhường ai, hai vợ chồng để mặc cho đứa con mới hơn 3 tháng tuổi khóc váng lên vì sợ. Bực con, xót cháu, nhưng bà không biết làm gì hơn ngoài việc thở dài ngao ngán và bế cháu đi thay bỉm. Có lẽ bà đã quá quen với những cảnh như thế, và những lời khuyên nhủ cũng như răn đe của bà cũng không có tác dụng với cặp vợ chồng “xì tin” này.

 

Phong, con trai bà lên chức bố khi mới tròn 20 tuổi. Còn con dâu bà, Hà Vy mới chỉ có 19. Cái thai trong bụng đã lớn, hai đứa lại đòi lấy nhau bằng được, hai gia đình không có cách nào khác là tổ chức đám cưới trong một tâm trạng vô cùng lo lắng. Không lo lắng sao được khi cả hai đều ở trong tuổi ăn tuổi chơi, lo cho bản thân còn chưa nổi, huống chi làm cha làm mẹ.

 

Không ngoài sự lo lắng của bà, hai vợ chồng quen thói được cưng chiều, suốt ngày chỉ có việc chăm con thôi nhưng cũng chành chọe đến khổ. Mà những chuyện khiến hai vợ chồng cãi cọ mới thật khôi hài làm sao. Chả là sau khi sinh, vòng hai của Hà Vy không được như ý nữa. Nếu một ông chồng chững chạc sẽ không quan tâm, hoặc vợ có nói thì cũng tìm cách để an ủi vợ. Còn Phong không ngại ngần gì so sánh dung nhan vợ với những cô thắt đáy lưng ong khác.

 

Cô vợ cũng chẳng phải vừa, lên giọng “vì đâu mà tôi thế!”. Lời qua tiếng lại, cô vợ lập tức nhịn ăn để thể hiện với chồng. Đang cho con bú, cô bị mất sữa, cả nhà lại tán loạn tìm mọi cách lo cho cô có sữa lại. Nịnh mãi mà cô vẫn cứ đòi cho con bú bình chứ không bú mẹ nữa.

 

Những chuyện cãi cọ như thế rất “thường” ở nhà bà Ngân. Hai vợ chồng suốt ngày tị nhau chuyện chăm con. Chồng đi đá bóng một tý, cô vợ lẵng nhẵng không cho đi. Đến khi Phong “trốn” đi được tý thì Vy bế con ra tận nơi gọi chồng về, đòi chồng phải trông con. “Vì ai mà tôi bụng mang dạ chửa, anh về mà bế con anh ngay”. Cực chẳng đã, Phong xấu hổ với bạn bè, cáu với vợ, còn Vy thì làm lu loa lên.

 

Trung niên cũng chưa hết… “phường chèo”

 

Nếu nhiều cặp vợ chồng “có gì đóng cửa bảo nhau” thì vợ chồng Tâm - Trường lại thích lôi nhau ra giữa chốn đông người để lời qua tiếng lại. Có lần anh Trường đi uống rượu với bạn say sưa về khuya, hai anh chị cãi cọ ầm ĩ. Muốn cho hàng phố biết chồng mình là người “chẳng ra gì”, chị Tâm cố hết sức gào to cho mọi người nghe thấy. Chị kể lể, nào là làm được đồng nào thì đánh bạc hết đồng ấy, suốt ngày nhậu nhẹt không chăm lo gia đình, rằng anh là ông chồng bất tài, vô dụng. Lần nào cũng thế, hễ cãi nhau là chị lại kể lể “ngày xưa bao nhiêu người tử tế yêu tôi, không hiểu sao tôi lại đâm đầu vào lấy ông”.

 

Rượu say, lại nghe vợ nói những lời như thế, ông chồng làm nghề lái xe vốn đã không quen với sự mềm mỏng lại càng trở nên cục súc. Sau mỗi lần cãi nhau như thế, mặt chị Tâm thâm tím bởi những trận đòn khi say men của chồng.

 

Nhưng có khi chỉ ngay hôm sau thôi là hàng xóm lại có thể chứng kiến cảnh hai vợ chồng tình cảm bên nhau như đôi chim câu. Anh chồng lại mua đâu được mật gấu để nặn vết thâm tím cho vợ. Hai người lại vui vẻ với nhau như chưa từng có chuyện gì xảy ra.

 

Ấy thế rồi có khi ngay ngày mai chị Tâm lại nằng nặc đòi li hôn. Công việc lái xe khiến cho anh Trường phải xa nhà nhiều, và tin đồn anh có bồ không hiểu sao lại xuất hiện, đến tai chị. Thế là mọi người lại được chứng kiến cảnh khôi hài khi chị vật vã. Anh chồng tức vợ, cũng hùng hồn đồng ý ly hôn.

 

Gia đình, bè bạn cũng như hàng xóm đã cảm thấy quá quen với những cảnh ấy, chẳng ai buồn khuyên nhủ hay ngăn cản gì. Bởi bao nhiêu lần cãi nhau là bấy nhiêu lần họ tuyên bố ly hôn.

 

Va chạm là chuyện hết sức bình thường trong đời sống vợ chồng. Tuy nhiên, mỗi cặp vợ chồng lại có cách cư xử riêng. Biến chuyện vợ chồng thành màn hài kịch cho mọi người “thưởng ngoạn” như thế có nên chăng?

 

Theo Phununet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm