Vợ chồng phường chèo

Sở dĩ có câu này là vì họ cãi vã, thậm chí đánh đập nhau nhưng khâu "cuối giường" lại nhiệt thành hơn bao giờ hết. Cãi nhau, giận nhau vài ngày, tối về lại rúc rích, thậm chí rúc rích xong lại cãi nhau ngay được.

Vợ chồng tranh luận căng thẳng thậm chí nảy lửa để tìm ra tiếng nói chung, để giải quyết vấn đề, để hiểu nhau hơn là chuyện thường tình.

 

Những cuộc đối thoại kết thúc có hậu như vậy thì không có gì bàn cãi, thậm chí là điều tất yếu của cuộc sống vợ chồng vốn không chỉ là sông bằng nước phẳng.

 

Thế nhưng những cuộc đối thoại theo kiểu ăn miếng trả miếng theo kiểu "nó" nói mình đau thì mình cũng phải cho "nó" buốt lại là chuyện khác.

 

Không ít các cặp vợ chồng trí thức, bằng nọ cấp kia, làm việc trong môi trường hiện đại, văn minh, mà khi khẩu chiến thì nghe như dân chợ. Anh chửi chị, chị "lại quả" anh không kém.

 

Anh chì chiết thì chị đay nghiến. Anh thóa mạ thì chị xúc phạm. Bao nhiêu mỹ từ sưu tầm được đầu đường xó chợ, cách ví von có khả năng làm đối phương tức hộc máu, cắn vào lưỡi hay “sống để bụng chết mang theo” đều được lợi dụng triệt để.

 

Ai là người “bắn” được câu cuối cùng được coi là người thắng tuyệt đối. Cứ như vậy, cuộc đối thoại ngày càng nóng, mỗi người lại đổ thêm một chút dầu, kết quả là cả hai đều bị bỏng.

 

Tệ hơn nữa, nhiều cặp vợ chồng to khỏe, ít vận động chân tay, mê kiếm hiệp, vốn từ ít, cãi nhau mỏi miệng liền chuyển sang đối đầu. Từ cấu véo, giằng giật, đấm đá đến phi đồ vào người nhau giống hệt những cảnh bạo lực trong phim “Ông bà Smith”.

 

Sở dĩ có câu "vợ chồng phường chèo" là vì họ cãi vã, thậm chí đánh đập nhau như vậy nhưng khâu "cuối giường" lại nhiệt thành hơn bao giờ hết. Cãi nhau, giận nhau vài ngày, tối về lại rúc rích, thậm chí rúc rích xong lại cãi nhau ngay được.

 

Ai bảo không yêu

 

Lý luận chung: Ai bảo chúng tôi không yêu nhau. Chúng tôi chỉ khắc khẩu mà thôi. Này nhé. Vợ yêu chồng, tận tụy với chồng con. Chồng thương vợ, lương nộp đủ, ngủ tại nhà. Chúng tôi chỉ là khắc khẩu, thi thoảng khắc chân tay mà thôi.

 

Lý luận của các ông: Yêu chứ! Tục ngữ châu Âu có câu: "On ne doit pas battre les femmes même avec des fleurs", dẫu là cành hoa cũng không nên dùng mà đánh đàn bà. Nhưng cứ nhìn các mụ mồm năm miệng mười, mặt mũi vênh lên, miệng tru tréo méo giật thì không chỉ là cành hoa mà vớ phải cái gậy ông cũng phang.

 

Lý luận của các bà: Yêu chứ! Nhưng giá anh ấy rộng lượng, tốt nhịn, thì cũng không cãi làm gì, đằng này không những nói năng cục súc lại còn thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với vợ, thế là phận yếu liễu đào tơ cũng đành đưa mắt kiếm cái gì phang cho cái giống lỗ mãng đó nhớ đời.

 

Hậu phim kiếm hiệp

 

Vợ chồng cãi nhau quen miệng, đánh nhau quen tay. Dần dần, những vết thương lòng (cho dù sau đó có thành sẹo) cứ chi chít, chi chít, dày dần lên thành những vết chai sần, sự rạn nứt thành hố ngăn cách trong đời sống vợ chồng, và không loại trừ là nguyên nhân dẫn đến sự chia lìa.

 

Sau trận chiến tàn khốc, về mặt tinh thần thì ai cũng cảm thấy mất mát, sự tôn trọng nhau cũng vơi dần. Hàng xóm láng giềng cười chê, con cái phải chứng kiến bố mẹ cãi chửi nhau cũng khổ tâm. Hàng ngày ba mẹ dạy con những điều hay lẽ phải, uốn nắn con từng lời ăn tiếng nói, vậy mà bây giờ ba mẹ như hai con thú dữ lao vào nhau cắn xé không thương tiếc.

 

Lâu dần những con sóng tưởng nhỏ ấy sẽ tích tụ thành cơn bão lớn, thành quả bom chờ ngày phát nổ.

 

Vì vậy, cùng chèo lái con thuyền gia đình qua những sóng gió đòi hỏi cả hai người chịu thiệt, thiệt mà không bao giờ thiệt đâu, vì khi bên nọ xuống nước, bên kia sẽ vì vậy mà biết ơn, mà hối lỗi. Như vậy có lùi một bước cũng để tiến hai ba bước.

 

Có câu rằng "Phu phụ hòa nhi hậu gia đạo thành", nghĩa là vợ chồng có hòa thuận thì mới nên gia đạo. Câu ấy đủ làm gương trong đạo vợ chồng.

 

Theo Đẹp