"Vợ chồng Ngâu"

Cả vợ lẫn chồng đều đi công tác liên miên. Nay anh ở Sài Gòn, mai chị ở Hà Nội, liên lạc với nhau chủ yếu qua điện thoại và YM. Đó là một cảnh của cuộc sống vợ chồng thời hiện đại.

Anh Trần Quân, 36 tuổi, Hà Nội, được tổng công ty điều động vào TPHCM làm giám đốc cho một dự án lớn. Vợ anh ở lại thủ đô một mình chăm lo con cái. Mỗi tháng anh về thăm nhà một lần, có khi việc nhiều quá phải vài ba tháng mới về. Về dăm ba hôm, anh lại đi.

 

Anh Quân cho biết, nhiều lúc về nhà thấy vợ làm chủ hoàn toàn căn nhà, còn mình cứ như là khách, cũng chạnh lòng. Muốn có ý kiến gì thì vợ lại bảo: “Anh đi xa, một mình tôi lo mọi thứ, anh biết gì mà ý kiến”. Hai đứa con mà anh chỉ là “tác giả ghi bàn” chứ chưa chăm sóc chúng ngày nào thì có vẻ cũng lạnh nhạt, có gì là gọi mẹ.

 

Chị Nguyễn Thị Dung, 35 tuổi, Thanh Hóa, đi xuất khẩu lao động tại Nhật, để chồng ở nhà “gà trống nuôi con”. Từ lúc xuất ngoại đến nay đã hơn 3 năm, chị chưa lần nào về thăm nhà. Một phần là do chị đăng ký làm tăng ca để có thêm tiền, phần thì chi phí về nước cũng tốn kém, thà để số tiền gửi về cho gia đình. Cả nhà chỉ biết nói chuyện với nhau qua điện thoại và thư từ. Anh Minh chồng chị tâm sự: “Đàn ông nuôi con vụng lắm, đã cố hết sức mà nhà cửa lúc nào cũng bề bộn, cha con cứ nhốn nháo, không nề nếp như hồi mẹ chúng ở nhà”.

 

Có những cặp vợ chồng, tuy ở chung nhưng rất ít khi gặp nhau do đi công tác thường xuyên, ngủ khách sạn còn nhiều hơn ngủ nhà, ăn cơm chợ nhiều hơn cơm nhà. Vợ chồng thành đạt, lại làm những nghề đi nhiều như thầu xây dựng, phóng viên, tài xế, ngoại giao.  Chuyện gia đình thì phó mặc hết cho bà ngoại, bà nội, cô giáo, người giúp việc.

 

Những hệ lụy

 

Vợ chồng sống xa nhau, những cuộc điện thoại dài hàng giờ là bình thường, mục đích là để giải quyết chuyện nhà, có khi là con ốm, có khi chỉ để hờn ghen, tra hỏi nhau… Xa mặt cách lòng, tình cảm vợ chồng phai nhạt theo năm tháng. Trò chuyện qua điện thoại, thư, chat cũng chỉ dừng lại ở mức độ cung cấp thông tin, chứng tỏ vợ chồng vẫn còn kết nối.

 

Vấn đề tình dục cũng trở nên cấp bách trong cảnh “vợ chồng Ngâu”. Đôi khi mỗi cá nhân phải tự giải quyết “chuyện riêng” của mình. Nếu như việc ấy chỉ dừng lại ở mức “giải sầu tạm thời”, “tự  phục vụ” thì không sao, nhưng nếu vì bức bách quá mà “ăn chả, ăn nem” thì quả thật… đau đầu. 

 

Trường hợp của chị Sương là một ví dụ buồn. Anh Chiến chồng chị là giám đốc kinh doanh của một công ty tại TPHCM, thường đi công tác ở miền Tây. Có lúc anh “sơ giao” với một em xinh đẹp để giải sầu ở Cần Thơ. Dần dần, mối quan hệ ấy chuyển sang “thâm giao” và anh không thể dứt ra được khi cô ấy có thai.

 

Chị Sương đã biết được chuyện “ăn chả” của chồng, giận, ghen, uất ức… nhưng chưa có cách giải quyết. Nếu ly dị thì tự dưng đem dâng chồng cho người ta, mà không ly dị thì đành chấp nhận cảnh chồng chung, đằng nào cũng đắng cay.

 

Có trường hợp người vợ ngoại tình trong sự bất đắc dĩ. Chị Cẩm Hồng, 28 tuổi, nhân viên PR tại TPHCM, có chồng làm thầu xây dựng, đi công tác thường xuyên, một mình ở nhà rất trống vắng. Vào những lúc nhớ chồng nhất, có người đàn ông đến với chị. Hồng đã cố gắng kiềm chế nhưng mật độ xa chồng ngày càng dày đặc khiến chị không cầm lòng được. Chị tâm sự: “Hiện, chồng vẫn chưa biết, mình cũng đã chấm dứt với người kia. Nhưng vợ chồng xa nhau hoài thế này thấy bất ổn lắm”.

 

Theo các chuyên gia tư vấn, công việc và gia đình đều quan trọng. Mỗi công việc có một tính chất đặc thù mà mỗi người phải chấp nhận khi theo nghề. Vấn đề còn lại là sự sắp xếp ổn thỏa giữa hai vợ chồng. Nếu bạn luôn có ý thức bảo vệ gia đình thì sẽ vượt qua mọi khoảng cách. Có câu: “Sự  xa cách làm tắt đi ngọn lửa nhỏ, thổi bùng lên ngọn lửa lớn”.  Đây chính là lúc sự tin tưởng lẫn nhau trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

 

Theo Đất Việt