Vợ chồng ngâu

Anh công tác ở TP.HCM, em ở Hà Nội, khoảng cách địa lý đó giờ đây chẳng phải là lý do để đôi lứa không thể tiến tới hôn nhân. Bởi chỉ sau hai tiếng đồng hồ trên máy bay và đoạn đường từ sân bay về thành phố là họ đã trong vòng tay nhau.

Nhưng đó là với những người có thu nhập cao, có điều kiện được công tác ở các thành phố. Còn những cặp uyên ương khác thì sao? Làm cảnh vợ chồng Ngâu tất nhiên người vợ phải chấp nhận nhiều thiệt thòi, thiếu thốn, nhưng cũng có cái... hay của nó.

Xác định lập trường

 

Bạn phải xác định được rằng việc chồng công tác xa lâu ngày là chuyện bình thường. Rất nhiều người phụ nữ khác cũng rơi vào hoàn cảnh như vậy mà họ đâu có phàn nàn, cuộc sống gia đình họ vẫn ổn đó thôi.

 

Người ta đi xa là vì công việc chứ đâu phải vì muốn xa gia đình. Và hẳn ở nơi đó người ta còn vất vả, khổ sở, buồn hơn mình ở nhà nhiều.

 

Xác định được như thế tâm lý bạn sẽ dễ chịu hơn. Mặc cho ai đó có nhìn mình ra vẻ thông cảm, tội nghiệp: “Con bé lấy chồng thời bình mà như thời chiến vậy”.

 

Bản lĩnh, tháo vát

 

Sẽ có nhiều việc bạn phải tự giải quyết thay chồng khi ở nhà một mình. Kêu la hay phó mặc nó mãi cũng đâu có được.

 

Kinh nghiệm cho thấy, những việc gì mình có thể đảm đương được thì cứ cố làm. Còn những việc biết là quá sức hoặc thấy nếu cả hai vợ chồng cùng tham gia sẽ hay hơn, thì hãy để đấy đợi khi chồng về.

 

Không nhờ vả người đàn ông khác (trừ họ hàng thân thích) làm hộ những việc trong gia đình cũng như không bao giờ tâm sự, kể lể với họ nỗi buồn tủi của mình.

 

Đừng coi thường những việc tưởng như không đáng kể đó, không chừng sẽ là nơi bắt đầu để bạn rơi vào một sự cám dỗ ngoài ý thức mà nhiều người vợ yếu đuối không vượt qua được.

 

Tận dụng thời gian

 

Chị H. sống cảnh xa chồng từ sau ngày cưới. Mỗi năm anh ở Hà Nội khoảng hai tháng, còn nữa “nằm vùng” ở tận Đắc Lắc để theo dõi công trình xây dựng đường.

 

Ngoài công việc ở cơ quan, chăm sóc cậu con trai ra, chị còn học thêm một bằng tại chức luật và theo học sắp xong một chương trình du học Hà Lan tại chỗ.

 

Buổi tối, sau khi cho con ngủ, chị lại mang tài liệu ra dịch cho các dự án của nước ngoài. Trong mắt đồng nghiệp, chị là một cán bộ năng nổ, đáng khâm phục.

 

Mỗi khi rảnh, chồng chị lại gọi điện về hỏi thăm hai mẹ con hàng tiếng đồng hồ. Chị bảo, công việc nối tiếp công việc, học hết cái nọ lại học cái kia, thời gian trôi đi vùn vụt làm cho chị không rơi vào cảm giác trống trải vì phải xa chồng như nhiều người phụ nữ khác. Rồi chị đùa, mà có chồng ở nhà chắc gì mình đã làm được nhiều việc lớn như vậy.

 

Xa nhau sẽ yêu nhau hơn

 

Xa nhau mãi cũng quen, Kh. - cô vợ trẻ nói vậy. Hè vừa rồi cô và con gái ba tuổi đã có một chuyến đi đầy thú vị và ý nghĩa vào Đà Nẵng thăm chồng và anh em cùng đội khảo sát địa chất của chồng.

 

Kh. bảo, cảm thấy như được trở lại thời đang là người yêu của nhau vậy, anh cứ xoắn xuýt lấy hai mẹ con, mặt ngời ngời tự hào, hạnh phúc, anh em trong đội cũng quý hai mẹ con vô cùng. Mình sẽ cố gắng thu xếp để mỗi năm mẹ con lại vào được công trường thăm anh một thời gian. Vừa để hiểu được hoàn cảnh sống và làm việc của chồng vừa để vợ chồng, bố con gần gũi, thân thiết hơn. Đồng thời cũng để anh ấy giật mình và từ bỏ nếu manh nha… ý định mờ ám nào.

 

Xa nhau rồi mới biết quý giá trị của những ngày được ở gần. Vợ chồng chẳng có dịp để khó chịu hay cãi nhau. Về được mấy bữa thì ra sức chiều chuộng nhau để bù những ngày cách xa. Gọi điện thì lúc nào cũng nhung nhớ, dịu dàng. “Tuy không thường xuyên được bên cạnh nhưng sự vỗ về, quan tâm đó cũng an ủi được rất nhiều cho mỗi người. Hình như càng ngày vợ chồng mình càng yêu nhau hơn thì phải”, Kh. khẳng định thêm.

 

Đừng quá nặng nề với việc chồng một nơi vợ một nơi. Tình yêu thực sự sẽ xoá nhoà mọi khoảng cách thời gian, không gian. Điều quan trọng là mỗi người trong cuộc có khôn ngoan để làm cho những ngày tháng xa cách trở nên ý nghĩa hay không.

 

Theo Phan Thị Thuý Hà

SGTT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm