Vợ chồng lười
(Dân trí) - Cả hai đồng tâm nhất chí truyền cái tính lười đều cho các thành viên trong gia đình, không thể người lười quá, kẻ thì quá lười và có đứa lại đầu tắt mặt tối suốt ngày.
Vợ lười từ tấm bé, do nhà có chị gái với mẹ khéo tay hay làm, nhìn con bé tay dùi đục mó vào là ngứa mắt.
Lấy chồng về, vợ cũng cố thích việc nội trợ vì thấy ánh mắt ngạc nhiên của chồng khivợ nấu nướng hơi tồi khiến vợ ngượng, liền quyết tâm học thành vợ đảm, nhưng cũng nũng nịu lôi kéo: “Anh biết đấy, em lười có số có má rồi, làm gì cũng chậm nên anh phải hỗ trợ em”. Chồng cười độ lượng gật đầu và nhiệt tình làm những món phụ như cắm cơm, băm chặt, nhặt rau, xếp bát đũa để vợ tập trung tinh lực làm món chính.
Mỗi ngày qua, trình bếp núc lên tay, ánh mắt chồng giờ là thán phục, đúng là chẳng việc gì khó, chỉ cần nhiệt tâm thôi. Vậy là chồng vẫn giữ thói quen hỗ trợ vợ, việc gì hai vợ chồng cũng làm cùng nhau, không thì cũng được ngầm chia ra rất hợp lý.
Rồi ngày vợ có bầu, tinh hoa lười lại tiếp tục phát tiết ra ngoài, người rệu rã bải hoải. Chồng ái ngại thương cảm, “Để tất đấy anh!”, vợ bẽn lẽn: “Vâng, anh làm cho quen, sau này sinh con sẽ mất nhiều thời gian để phục vụ nó đấy”. Chồng nhăn răng, cười ý nhị: “Anh sẽ áp dụng triệt để bản sắc của em, dần dần cho con vào nề nếp chứ tội gì”.
Cả hai đồng tâm nhất chí truyền cái tính lười đều cho các thành viên trong gia đình, không thể người lười quá, kẻ thì quá lười và có đứa lại đầu tắt mặt tối suốt ngày.
Vậy là nhóc con còn chưa ra đời đã được bố mẹ lên kế hoạch bàn nhau dạy dỗ thế nào để nó có thể tự lập, sớm làm được mọi việc cho bản thân và thậm chí có thể hỗ trợ người khác nữa, điển hình ở đây là bố mẹ nó.
Con được tuổi rưỡi thì thì sách lược bắt đầu được thực thi. Bố nó trao cho con tầng thấp nhất của giá sách để chứa truyện tranh và các hộp bút tô màu, bên dưới đóng đinh để con tự treo được cặp sách mỗi khi từ lớp về, dây vắt khăn mặt của con được hạ thấp cho vừa tầm, những vật dụng dành riêng cho con cũng quy định về một góc để nó có thể lấy khi có nhu cầu.
Qua hai tuổi con đã là một thành viên tích cực làm việc nhà phù hợp với mình, vợ chồng nhà lười thảnh thơi hơn được tí và thấy vui vì con lớn mỗi ngày và luôn sẵn sàng giúp người khác.
Hai vợ chồng thường xuyên nói: “Con lớn rồi, đang sang tuổi thứ ba, còn bé bỏng như hồi một hai tuổi nữa đâu,tự lập đi thôi”. Thằng bé chưa hiểu từ đó lắm, nhưng từ "tự" thì nó biết là để tự mình làm, cái gì nó cũng bảo tự con. Lúc thì đòi tự dắt chiếc xe đẩy, khi bố buộc cái dây vào xe lắc để kéo đi nó giãy giụa bắt tháo ra để tự đi và luôn khó chịu khi bị người khác giúp những việc có thể tự làm.
Mỗi lần bố nói “Đi tắm thôi” là cởi quần áo ra, tắm xong thì tự mặc lại vào. Tự xúc được cơm và sữa chua, biết rót nước để uống. Biết lấy đồ chơi ra và xếp đồ chơi vào, biết lau nhà, quét nhà cho mẹ (dù hơi ẩu) biết giắt màn, rửa tay và tự lau mặt. Biết kê ghế lấy truyện xem tranh và cất vào đúng ô trên giá sách.
Thi thoảng lại tự động đi đổ rác mà không cần mẹ nhắc. Biết cất mũ bảo hiểm mỗi khi thấy bố đi làm về. Biết đấm lưng, lấy tăm, mời bố mẹ nước mỗi khi ăn cơm xong. Biết ra tưới rau cho mẹ... Thôi thì tuổi nhỏ làm việc nhỏ, hai vợ chồng xác định sẽ có lúc con phải đi học xa nhà, cần sớm giáo dục cho chúng biết tự chăm sóc bản thân, từ việc bé mới tiến lên việc lớn được. Cũng do bản chất lười thì phải biết chia việc ra thôi.
Hai vợ chồng đang dự tính con tròn bảy 7 sẽ chính thức giao quyền trưởng ban lau dọn vệ sinh gia đình, kiêm chức phụ trách hậu cần bếp núc cho nó, để bố mẹ còn có thời gian cùng nhau đi đánh bóng chuyền.
Dần dà vợ thấy cái lười cũng đáng giá phết đấy chứ.
TSL