Vị thế của phụ nữ trong gia đình vẫn bị đánh giá thấp hơn nam giới
(Dân trí) - Đó là thông tin được PGS.TS Nguyễn Hữu Minh, Viện trưởng Viện nghiên cứu gia đình và giới đưa ra tại Hội thảo tham vấn xây dựng đề cương tài liệu: “Thực tiễn và số liệu về phụ nữ và nam giới ở Việt Nam” được tổ chức sáng 17/12, tại Đà Nẵng.
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Minh, chúng ta đã có những cam kết trong nước và quốc tế, tuy nhiên bình đẳng giới trong đời sống gia đình vẫn còn những tồn tại. Đó là vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình vẫn bị đánh giá thấp hơn nam giới. Nam giới vẫn là người ra các quyết định chính. Các việc như sản xuất, kinh doanh, vay vốn, xây sửa nhà cửa, mua đồ đắt tiền, vay vốn, tỷ lệ chồng là người quyết định chính cao hơn so với vợ khoảng hơn 20 điểm %. Việc sử dụng vốn vay, tỷ lệ người chồng quyết định cao hơn khoảng 15 điểm %. Chỉ có hoạt động chi tiêu gia đình, tỷ lệ người vợ quyết định cao hơn người chồng rõ rệt.
Nữ giới đảm nhận các công việc không được trả công trong gia đình cao hơn nam giới. Còn nam giới thì chưa sẵn sàng chia sẻ việc nhà. Theo số liệu điều tra mức sống dân cư 2006, tỷ lệ nam giới từ 6 tuổi trở lên không tham gia làm việc nhà trong toàn quốc là 43,7%, ở khu vực đô thị là 50,1% và nông thôn là 41,4%. Phân công lao động theo giới vẫn theo cách truyền thống.
Theo điều tra quốc gia năm 2010 (đối với 4.838 phụ nữ từ độ tuổi 18 - 60), có 58,3% những người phụ nữ trong điều tra cho biết đã trải qua ít nhất một hình thức bạo hành như thể chất, tinh thần, hoặc tình dục, với 27% đã trải qua ít nhất một hình thức bạo lực trong vòng 12 tháng trở lại. 32% phụ nữ từng có cho biết từng trải qua bạo lực về thể chất, với 6% trong đó trải qua bạo hành trong vòng 12 tháng trở lại.
PGS.TS Nguyễn Hữu Minh cũng cho biết, việc can thiệp, giải quyết các vụ việc bạo lực gia đình của gia đình và cộng đồng còn gặp khó khăn. Báo cáo 5 năm triển khai thi hành luật phòng chống bạo lực gia đình của Bộ Y tế, tính đến năm 2012, Bộ Y tế chưa chính thức thực hiện việc thống kê sàng lọc nạn nhân theo Thông tư số 16/2009/TT-BYT ngày 22/9/2009. Tuy nhiên, báo cáo năm 2012 của Bộ VHTT&DL cho biết, tại 61 tỉnh/thành hiện có 9.200 cơ sở khám chữa bệnh tiếp nhận bệnh nhân là nạn nhân bạo lực gia đình, trong năm 2012 có 8.254 người bệnh là nạn nhân bạo lực gia đình được chăm sóc y tế tại các sơ sở khám chữa bệnh. Gần 1/3 trong số những hộ gia đình có xảy ra bạo lực không làm gì cả (27,7%) và 1/2 không làm gì vì không biết phải làm gì.
Tính đến năm 2012, tất cả các tỉnh/thành đều có phòng trợ giúp pháp lý trực thuộc Sở Tư pháp. Ngoài ra, có khoảng 3.000 câu lạc bộ trợ giúp pháp lý ở cấp xã. Tuy nhiên thực tế dịch vụ hỗ trợ giúp pháp lý chưa phát huy nhiều hiệu quả ở các vùng nông thôn. Nạn nhân bạo lực gia đình thường chạy sang nhà hàng xóm và được hàng xóm can thiệp trong trường hợp cần thiết sau đó mới đến chính quyền, đoàn thể can thiệp.
“4 nguyên nhân chính dẫn đến bạo lực gia đình đó là: say rượu, ý kiến khác nhau trong làm ăn, trong sinh hoạt và khó khăn về kinh tế. Gốc rễ của bạo lực gia đình là tư tưởng gia trưởng”, PGS.TS Nguyễn Hữu Minh nói.
Khánh Hồng