Góc tâm hồn

Vị của gió Lào

(Dân trí) - Hệt như mỗi độ thu về miền Bắc không thể thiếu những cơn gió heo may hay cái lạnh hiu hắt của miền Nam luôn được báo trước bởi cơn bấc chuyển mùa, mùa hạ xứ mình nhất định phải có gió Lào hanh nắng.

Có lần, bạn ở xa hỏi vu vơ, gió Lào có vị thế nào mà nghe người ta nhắc mãi. Tôi chần chừ đâu biết tả kiểu gì cho bạn hiểu, phải đi qua xứ mình một bận, thảnh thơi ở lại vài hôm đúng độ gió đang ở bữa khô khốc nhất mới hiểu vị của nó chẳng giống như ngọn gió nào. 

Bến thả hoa bờ Bắc sông Thạch Hãn

Bến thả hoa bờ Bắc sông Thạch Hãn

Ai cũng ví mùa hạ nơi mình hệt cái chảo lửa, mà gió lại góp công thổi cho ngọn lửa ấy cháy lớn thêm không ngừng. Nắng nóng tưởng như rát bỏng cả thịt da. Bạn thường đùa, về quê mình lắm khi chẳng biết mang đặc sản chi, chỉ thèm được gói ít gió đem thả bâng quơ vào thành phố. Cái ý nghĩ ngộ nghĩnh ấy nghe thương thương mà sao chẳng tránh khỏi ngậm ngùi.

Thực ra, vị của gió Lào luôn nằm lại nơi nỗi niềm thương nhớ của những người luôn ngóng quê ngày hạ. Những thân phận người vì mưu sinh mà trôi dạt đâu đó trên một dải đất khác, không có gió hệt như xứ mình. Nơi mà “đất chẳng nuôi nổi người và người chẳng nuôi nổi đất” này, chỉ có xa xứ mới đặt chân ra khỏi bờ ruộng, xa triền đê nhưng mấy ai chắc rằng đã thôi những nhọc nhằn khắc khoải.
  
Vị gió vẻn vẹn nguyên lành trong ký ức của một chú cựu chiến binh lúc về thăm chiến trường xưa ngày nóng nực. Khi tản bộ vào Thành Cổ yên ắng trong hương trầm rồi lặng lẽ thả vài nhành hoa dưới sông cho người thiên cổ, chú loay hoay ngậm ngùi lau nước mắt. Bảo gió xứ này cũng hệt như đất và người nơi đây, mấy chục năm đâu đổi thay chi mấy, vẫn chân chất thật thà đến tội.  

Một sớm, tôi thấy mệ già lật đật gánh đôi triêng gióng qua cầu An Mô đi chợ, gió kịp nhởn nhơ đẩy triêng gióng liêu xiêu dật dờ. Mệ nói có hà chi, ngày xưa còn cực hơn chừ, trước là đứa con sau là áo quần chăn màn mà chạy trong đạn lạc. Thế hệ ấy là thế hệ lớn lên bằng khoai sắn và bo bo nhiều hơn bằng cơm gạo. Những câu chuyện của ba, của mệ về những năm tháng khốn khó, nơi đường quốc lộ bây chừ chỉ là những triền cát mênh mông và kỳ nhông chạy tung tăng từng đàn. Gió ngày đó đã thản nhiên tạt ngang tạt dọc hệt bây chừ, nên khổ cực có chăng đã giảm bớt nhiều lắm bởi vậy thôi than vãn giùm.

Những ngày đầu hạ, hẹn em một sớm bên bờ sông Thạch Hãn, ngắm con đò trôi chập chững giữa bờ êm phẳng lặng mà thấy lòng yên bình quá đỗi. Em bảo em muốn viết thư gửi những ai nằm dưới sông này rồi tỉ mẩn gấp thuyền giấy thả bồng bềnh trên bờ sông ấy. Bên dòng nước lúc thủy triều lên, tôi thấy mắt em có nắng hồng rực rỡ mặc gió đã lao xao rát bỏng bên thềm. 

Em bảo yêu lắm những bụi cỏ ngủ nằm yên trong nắng, thảng hoặc trở mình tại gió đẩy đưa. Bông hoa bé xíu tím man mác nhẹ nhàng mà thân đầy gai góc mọc triền miên mọi nẻo. Nhưng nhiều nhất bên đường vẫn là những dải xuyến chi, tưởng như nắng nôi khô hạn đến đâu cũng không thể nào héo hắt. Nắng gió này, chẳng cần lớn lao lắm đâu, nhỏ bé bình thường nhưng gan góc kiên trường thì sống được. 

Có lúc tôi hình dung đến gió máy nắng nôi xứ mình mà rát bỏng tận tim. Chẳng biết mai này, vị của gió Lào sẽ neo lại ở đâu trong ký ức ngổn ngang của người Trung khốn khó. Khi những chuyến đi mải miết kéo người ta xa mãi nơi mình đang đứng. Biết rằng cứ ngẩn ngơ sau lũy tre làng thì chẳng bao giờ lớn khôn được, càng đi sẽ càng thấy chân trời gần lại mà cái quãng cần gần gụi thì mỗi ngày một xa. Hơi nóng gió này liệu có tan nhanh và rơi rớt trong trí nhớ nhỏ nhoi cần chứa nhiều điều thiết thực hơn thế?

Ước chừng, vị gió sẽ ở lại thật lâu vì nhau rốn mình chôn đâu đó dưới gốc cây bờ cỏ, vì ở đây có người thân ta nằm lại hay bởi đất này có người anh thương hoài thương mãi. Vị của gió Lào chẳng thể đong đếm rõ ràng bằng cay đắng mặn ngọt, thế mà bằng cách nào đó vẫn gợi nhớ gợi thương miên viễn cho những ai trót yêu mến thật lòng.
 

Diệu Ái