Vết xe đổ

(Dân trí) - Chuyện con trai lão An bỏ đi theo bồ không cánh mà bay đi khắp làng. Nhận được tin như sét đánh ngang tai, lão đổ bệnh, ốm liệt giường. Con trai lão lại bước trên chính vết chân lún sâu của lão.

Sinh ra trong một gia đình gia giáo nhiều đời theo nghiệp chữ Nho, hồi nhỏ lão cũng ngoan ngoãn học cái chữ của cha ông nhưng đến tuổi thiếu thời lão nhất quyết đòi sang Tây học. Cuối cùng bố mẹ lão cũng chấp nhận cho lão “Tây du” với một điều kiện phải kết hôn với con gái của lão quản gia lâu năm trong nhà. Và lão đã đồng ý.

Cưới xong lão đi biệt đến sáu năm sau mới trở về mang theo đứa con riêng của lão. Cả nhà sốc nặng hơn khi biết đứa bé lai Tây. Bố lão vì thế mà đổ bệnh rồi mất. Ít lâu sau mẹ lão cũng qua đời. Vợ lão ngậm ngùi chăm sóc đứa con không phải máu mủ của mình. Nhưng điều đó cũng không khiến lão an phận. Lão tiếp tục lao vào những chuyến Tây du liên miên, để làm ăn và chơi bời trác táng. Đứa con trai của lão được người mẹ “khác máu” yêu thương hết mực nhưng nó vẫn là đứa trẻ bất hạnh vì thiếu đi tình thương của cha.

Mang tiếng là đi làm ăn xa nhưng lão chỉ mang của trong nhà ra đi chứ chẳng xây đắp thêm vào. Đến khi căn nhà chỉ còn cái vỏ trống hoác thì lão cũng tay trắng trở về. Lúc ấy lão đã có cháu nội và vợ lão giờ đã đầu hai thứ tóc. Chẳng biết vì cái tình, cái nghĩa hay là cái ơn mà bà vẫn chấp nhận tha thứ cho lão, nhưng con trai lão thì không. Chẳng bao lâu sau bà qua đời bỏ lại lão một mình với căn nhà trống vắng, cô quạnh.

Bóng dáng cô con dâu gầy gò, hốc hác khiến lão nhớ đến người vợ quá cố. Nước mắt lão rơi xuống nơi đuôi mắt nhăn nheo. Lão xúc động gọi con dâu lại mà nói: “Bố xin lỗi là tại bố đã làm gương xấu cho chồng con. Nếu nó không quay về con hãy tìm một người khác tốt hơn đừng vì nó mà lỡ dở cả đời như mẹ”. Đêm đó lão một mình cô đơn đi vào cõi vĩnh hằng. Đám ma của lão không có người chống gậy.

Ba năm sau kể từ ngày lão mất, lần đầu tiên con trai lão đến trước mộ bố. Nhìn khuôn mặt bố buồn rười rượi trên tấm bia, anh nhớ đến hình ảnh con trai nép vào người mẹ và nhìn anh như người xa lạ. Lời của vợ lại văng vẳng bên tai: “Anh đã phán xét bố của anh như thế nào con trai anh rồi cũng sẽ phán xét anh như thế”.

Ba năm lang bạt, mắt hằn vết chân chim mới đủ để anh thấm sự đời. Đi tiếp hay quay về, anh không còn là người có khả năng quyết định. Dù lòng muốn quay về, nhưng anh có thể đón nhận sự tha thứ từ vợ? Nếu có thể, anh muốn làm lại từ đầu, để tất cả không phải là quá muộn.

Hương Hồng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm