Về quê nhớ nội

(Dân trí) - Nghỉ hè, tôi đưa con về quê. Về tới nhà thấy bố đang ngồi thẫn thờ nhìn ra cửa sổ. Ngoài vườn cây cối xanh tươi, mùa nào thức ấy sai hoa trĩu quả. Bố bảo những cây ấy đều do bà nội trồng để sau này con cháu có trái mà ăn. Lẽ đời nước mắt chảy xuôi, bậc tiền nhân làm gì cũng chỉ nghĩ cho hậu thế.

Về quê nhớ nội - 1

Mỗi góc nhà, mảnh vườn, góc sân qua lời kể của bố đều gắn với rất nhiều những câu chuyện thân thương. Kìa là cây ổi ngày xưa anh em tôi hay trèo hái, có lần ngã toạc cả da đầu. Kìa là cây cau anh trai tôi vẫn thường hì hụi trèo mỗi mùa chim tìm về nằm trên ngọn cây làm tổ. Này là bờ ao thằng em trai tôi thả những con cá rô đồng, rồi ngày ngày đứng trên bờ ao gọi như ngày xưa nàng Tấm gọi con cá Bống. Kỷ niệm hóa ra lại gần gũi như vậy, như thể không phải đã cách xa mấy mươi năm mà ẩn náu trong tim mỗi người.

Tôi dắt con vào dâng hộp bánh thắp hương cho ông bà nội. Con gái ngước đôi mắt trong veo hỏi: “Các cụ chết rồi mà mẹ, các cụ có ăn bánh được đâu”. Nghe con nói mà mắt cứ thế tự nhiên cay xè nhòa lệ.

Nhớ những ngày tôi còn bé thơ, mỗi lần nhà ai có giỗ cũng đều dành phần nắm xôi cho cháu. Khi ông bà ốm đau hay lễ tết được người ta biếu cho hộp bánh ông bà cũng để dành, thỉnh thoảng lại lấy ra chia cho từng đứa một. Ngay cả quả chuối hay củ khoai luộc ông bà cũng cắt đều ra bốn, năm phần cho đủ mỗi đứa cháu một khoanh. Không biết vì do thời đó còn khổ nghèo thiếu thốn hay do bà nội khéo tay, mà ngay cả củ khoai bà luộc tôi cũng thấy ngon vô kể.

Ông nội tôi khó tính, bà thì lại rất hiền lành. Nhiều lần tôi thấy ông ca cẩm những chuyện không đâu, tôi thắc mắc sao bà không cãi? Bà bảo tôi “ông bà sống với nhau đến tuổi chín mươi này còn chẳng hiểu tính nhau sao. Đàn ông lúc nào cũng nóng như lửa, đàn bà lúc cơm sôi lửa bỏng biết lùi một bước cũng chẳng thiệt đi đâu.” Ông hay mắng mỏ càu nhàu, bà vẫn nói “miệng ông gần tai ông, ông nói thì ông nghe rõ nhất.”

Lá già lá rụng về cội, người già người về với đất. Ngày ông mất bà không khóc, nhưng rồi tự nhiên chân bà không đi được nữa. Bà đã yếu hẳn đi từ đấy, có lẽ vì đã mất đi sức mạnh một nửa của đời mình.

Nhà tôi có giàn mướp sai quả suốt mùa. Hôm nào đi chợ bà cũng dặn tôi: Đi chợ đừng mua gì cháu nhé. Bà thích nhất là canh mướp, có thể ăn cả tháng không chán. Sau này tôi mới biết bà thích mướp vì mướp nấu canh mềm, chỉ nuốt không cần nhai. Tôi nào biết đâu răng bà đã yếu đến nhường ấy.

Ngày tôi bước chân xa nhà, bà vẫn còn đưa bàn tay gân guốc nhăn nheo của mình nắm lấy tay tôi, miệng móm mém cười khoe hàm răng đen nhánh. Ngày tôi trở về, bà đã nằm dưới sâu lòng đất, cỏ đã bắt đầu xanh trên nấm mộ kín những vòng hoa giấy. Bà đã dắt tay tôi đi qua suốt tuổi thơ với những sáng đi chợ mỏi rã chân, với những chiều theo bà đi cắt cỏ, đi nhặt lá khô, đi mót khoai mót lúa. Bà đã cõng tôi khi bàn chân non nớt của tôi không quen với đường mưa đầy đất bùn và những ngày trời nắng bỏng. Vậy mà khi chân tôi đã cứng cáp rồi lại không thể tiễn bà một đoạn đường cuối cõi nhân gian.

Mỗi lần về nhà, ngồi ở vạt thềm xưa, nhìn giàn mướp trổ hoa lại nhớ bà đến da diết.Tôi nhớ mỗi sáng bà hay ngồi ở cửa nhìn ra khoảng sân đầy nắng, vừa bỏm bẻm nhai trầu vừa chải mái tóc bạc đã lưa thưa trộn với vành khăn quấn gọn lại trên đầu. Thỉnh thoảng bà kể tôi nghe vài câu chuyện xưa xa lắc lơ, ngâm vài câu Kiều giọng run run đứt quãng. Bà thường mặc những tấm áo cũ sờn và để dành áo mới như trẻ con để dành quà. Bà mất rồi, bao nhiêu chiếc áo mới tinh vẫn còn nằm trong tủ.

Tôi lớn lên, lấy chồng xa, vẫn chăm chỉ tranh thủ cho con về thăm quê dẫu dặm đường xa xôi gió bụi. Cho con về để gặp ông bà nội ngoại. Để con được ông nội dắt đi bắt chuồn chuồn, để con được bà ngoại dắt ra đồng đi thăm lúa. Để rồi đến bữa cơm con líu lo kể cho tôi nghe “ mẹ ơi, cây lúa cho hạt gạo, hạt gạo nấu thành cơm”, rồi con bảo tôi “chuồn chuồn bay thấp là trời sắp mưa rồi mẹ ạ.”

Bởi vì tôi đã có một tuổi thơ trọn vẹn với những yêu thương, nên tôi cũng muốn con mình có những khoảnh khắc bình yên như thế. Để con biết rằng, ngoài những ồn ào phố xá với những gương mặt xa lạ kia, ngoài ti vi và điện thoại với đủ loại trò chơi, ngoài những con thú nhồi bông nằm la liệt ở trên giường con vẫn coi như bè bạn thì con vẫn còn một nơi để về, để yêu thương. Đó là quê hương, đó là nguồn cội. Đó là nơi ông bà đã nhọc nhằn nuôi lớn mẹ cha với những thương yêu không sao kể hết bằng lời.

Lê Giang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm